Những phong tục đón năm mới kỳ lạ trên thế giới
2020 sắp khép lại và mỗi quốc gia trên thế giới đều có cách đón năm mới riêng.
Nhật Bản: 108 tiếng chuông sẽ ngân vang trong các đền thờ trên khắp Nhật Bản trong năm mới, với niềm tin rằng tiếng chuông giúp con người vượt qua 108 cám dỗ trần thế, từ đó tiến gần hơn đến sự thanh thản trong tâm hồn.
Tây Ban Nha: Trước khi sang năm mới, người Tây Ban Nha sẽ ăn lần lượt 12 quả nho cho đến giao thừa. Theo quan niệm của người bản địa, mỗi quả nho đại diện cho sự may mắn trong mỗi tháng của năm mới. Tại các thành phố lớn, mọi người thường tụ tập tại các quảng trường để cùng nhau ăn nho và chờ đón năm mới. Phong tục này được cho là xuất phát từ những người nông dân ở Alicante vào năm 1909, như một cách để giảm bớt lượng nho dư thừa từ vụ thu hoạch lớn bất thường trong năm đó.
Italia: Vào lúc giao thừa, người Italia có phong tục ném đồ sành sứ cũ, thậm chí cả đồ dùng khác, ra khỏi cửa sổ. Người ở đây quan niệm, hành động đó tượng trưng cho việc buông bỏ năm cũ, nhường chỗ cho những điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Tất cả các cửa trong nhà thường được mở rộng trong ngày đầu tiên của năm mới để đuổi khí độc và đón khí lành. Người Italia cũng tin rằng mặc đồ lót màu đỏ vào đêm năm mới sẽ đem đến cho họ tình yêu, sự thịnh vượng và vận may.
Đan Mạch: Vào đúng đêm giao thừa, người dân thu thập đĩa vỡ và đập chúng ngay trước cửa nhà của những người bạn. Đống đĩa vỡ càng lớn càng cho thấy được mức độ yêu thích đối với người bạn. Bên cạnh đó, nhiều người Đan Mạch đón năm mới bằng cách vào nửa đêm, họ sẽ đứng lên ghế, sau đó nhảy xuống. Đây được xem là hành động xua đuổi tà ma và mang lại may mắn.
Nga: Người bản địa tin rằng, nếu viết điều ước vào một tờ giấy nhỏ rồi đốt, sau đó thả tro vào ly rượu và uống vào thời khắc giao thừa, điều ước sẽ trở thành hiện thực trong năm mới. Ở Siberia, mọi người thường ngâm mình trong một hồ nước đóng băng trong khi bám chặt vào một thân cây được đặt dưới băng với ý nghĩa về sự phát triển và đổi mới.
Scotland: Nếu ở Việt Nam có tục xông đất vào đêm giao thừa (Âm lịch), người Scotland cũng quan niệm, người đầu tiên bước chân vào nhà sau giao thừa sẽ quyết định vận may trong năm mới của gia đình đó. Lựa chọn tuyệt vời nhất là trẻ em hoặc một người đàn ông cao lớn tóc đen. Trong khi đó, phụ nữ và đàn ông tóc vàng không được chào đón tại những gia đình chưa có ai ghé thăm sau giao thừa.
Brazil: Tại xứ sở samba, người dân mặc trang phục màu trắng để đón năm mới vì đó là màu sắc tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Ngoài ra, mọi người còn mang theo hoa và lễ vật cho nữ thần biển Lemanja (thần biển cả) thả dọc bãi biển vào dịp năm mới. Nếu lễ vật bị đẩy lên bờ, theo quan niệm, nữ thần từ chối nhận. Ngược lại, nếu lễ vật tiếp tục trôi ra biển, nữ thần hài lòng và sẽ mang đến thịnh vượng cho người hiến đồ.
Thổ Nhĩ Kỳ: Theo truyền thống, vào lúc giao thừa, người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cửa trước và rắc muối lên những bậc cửa, Họ tin hành động đó sẽ mang đến sự bình yên và thịnh vượng ở nhà cũng như ở nơi làm việc.
Philippines: Người Philippines thường trang trí mọi nơi bằng những hình tròn, đại diện cho tiền xu - tượng trưng cho sự thịnh vượng trong năm mới. Nhiều gia đình bày trái cây trên bàn ăn, chính xác là 12 quả có hình tròn, phổ biến nhất là nho, vào giao thừa. Nhiều người cũng mặc áo chấm bi để cầu may.
Chile: Đi bộ quanh khu phố với một chiếc vali rỗng vào trước thời khắc giao thừa sẽ khiến những giấc mơ du lịch trong năm mới trở thành hiện thực. Ngoài ra, mặc đồ lót màu vàng trong năm mới cũng được xem là điều mang lại may mắn lớn.
Phần Lan: Người bản địa có phong tục đón năm mới khá thú vị. Đó là ném một miếng thiếc nóng chảy vào nước. Nếu miếng thiếc biến dạng thành hình trái tim hoặc chiếc nhẫn, nghĩa là nó dự báo sẽ có đám cưới hoặc cuộc hôn nhân trong năm mới. Nếu miếng thiếc biến dạng thành hình con tàu, năm mới hứa hẹn sẽ được đi du lịch nhiều. Trong khi đó, hình con lợn nghĩa là sẽ có nhiều đồ ăn thức uống.
Hy Lạp: Theo truyền thống, người Hy Lạp sẽ treo một củ hành tây trước cửa nhà, với ngụ ý về sự tái sinh trong năm mới. Vào ngày đầu năm mới, cha mẹ đánh thức con cái bằng cách gõ nhẹ vào đầu chúng bằng hành tây.
Panama: Để xua đuổi tà ma, người dân Panama có phong tục đốt hình nộm những người nổi tiếng như nhân vật truyền hình hay các chính trị gia. Những hình nộm này cũng đại diện cho năm cũ.
Belarus: Trong lễ kỉ niệm mừng năm mới truyền thống của Belarus, những cô gái chưa chồng sẽ được chơi một số trò chơi đặc biệt để đoán xem ai sẽ là người kết hôn trong năm mới. Ví dụ, người ta sẽ đặt một đống hạt ngô trước chỗ đứng mỗi cô gái, rồi thả gà trống ra. Con gà trống chạy đến đống ngô dưới chân người nào trước, người đó được tin sẽ là người đầu tiên kết hôn trong năm tới. Ngoài ra, một người phụ nữ đã kết hôn giấu những vật đặc biệt quanh nhà để cho những người bạn chưa kết hôn của mình đi tìm. Cô gái nào tìm ra bánh mì được tin là sẽ lấy một người đàn ông giàu có. Người nào tìm thấy một chiếc nhẫn sẽ là người cưới được một người chồng đẹp trai.
Estonia: Theo truyền thống, người dân ở đây cố gắng ăn bảy bữa trong ngày đầu năm mới. Họ tin rằng, đó là hành động đảm bảo sự no đủ trong năm mới. Nếu một người đàn ông ăn bảy bữa trong ngày đầu năm, người ta tin rằng anh ta sẽ có sức khỏe bằng bảy người đàn ông khác trong năm mới.
Mexico: Người Mexico thường trang trí ngôi nhà của mình bằng những màu sắc khác nhau để đón năm mới. Mỗi màu sắc mang ý nghĩa về hy vọng và mong muốn trong năm mới. Chẳng hạn, màu đỏ tượng trưng cho tình yêu, màu vàng tượng trưng cho công việc và màu xanh lá cây biểu tượng cho tiền bạc.
Hà Lan: Người Hà Lan có phong tục đốt cháy cây Giáng sinh vào năm mới, thay cho lời "chia tay" với năm cũ.
Bolivia: Những đồng xu được đặt bên trong kẹo và bánh ngọt, nếu ai là người tìm được những đồng tiền này, họ sẽ có may mắn trong năm mới.
Cộng hòa Séc: Người dân Cộng hòa Séc tin rằng việc cắt một quả táo làm đôi và nhìn vào hình dạng lõi của nó có thể đoán được năm mới sẽ như thế nào.
Thụy Sĩ: Người bản địa quan niệm, một giọt kem rơi trên sàn nhà vào dịp năm mới tương trưng cho may mắn và thịnh vượng.