Những phong tục Tết Nguyên đán bị người Trung Quốc lãng quên

Trong khi lì xì đầu năm hay ăn hạt dưa để có một vụ mùa bội thu vẫn được duy trì, nhiều phong tục dân gian khác ngày một bị người Trung Quốc bỏ qua trong thời hiện đại.

“Mua chuộc” Táo quân

Cúng Táo quân là phong tục bị mai một ở Trung Quốc hiện đại vì không còn sử dụng bếp truyền thống. Ảnh: Getty Images.

Cúng Táo quân là phong tục bị mai một ở Trung Quốc hiện đại vì không còn sử dụng bếp truyền thống. Ảnh: Getty Images.

Truyền thuyết Trung Quốc kể rằng Táo quân, hay Thần bếp, đến thăm từng hộ gia đình vào tháng 12 Âm lịch và báo cáo lại với Ngọc Hoàng về những gì mọi người đã làm trong năm qua.

Trước đêm giao thừa, nhiều gia đình bày biện các món ngon ngọt như bánh ngào đường, bánh rán, chè đậu ngự để cúng ông Táo với hy vọng vị thần này nói lời ngọt ngào khi lên thiên đình. Sau đó, mọi người sẽ chào đón ông Táo trở lại bếp bằng cách thắp hương và đốt tiền giấy, vàng mã.

Những nghi lễ này hiếm khi được nhìn thấy tại Trung Quốc ngày nay. Nguyên nhân do nhiều gia đình chuyển đến những ngôi nhà hiện đại, không có bếp kiểu truyền thống.

Đốt pháo

Đốt pháo ngày Tết bị cấm vì nguy hiểm. Ảnh: Getty Images.

Đốt pháo ngày Tết bị cấm vì nguy hiểm. Ảnh: Getty Images.

Một câu chuyện dân gian nổi tiếng của Trung Quốc kể về nian – từ đồng âm với “năm” trong tiếng Quan thoại – con thú thần thoại thường hoành hành khắp các ngôi làng hàng năm, phá hủy nhà cửa và ăn tươi nuốt sống dân làng. Dân làng phát hiện nian sợ tiếng ồn lớn. Vì vậy, họ đổ thuốc súng vào những thanh tre khô và ném chúng vào lửa, tạo ra những tiếng nổ để xua đuổi thần thú.

Về sau, pháo được dùng để xua đuổi tà ma. Một chuỗi pháo nhỏ được đốt vào lúc nửa đêm để báo hiệu năm cũ đã qua, sau đó ba quả pháo lớn được đốt để chào đón năm mới. Người Trung Quốc quan niệm tiếng nổ càng lớn thì 12 tháng tới càng thịnh vượng.

Việc sử dụng pháo hoa cho mục đích cá nhân, bao gồm cả pháo nổ, đã bị cấm ở Hong Kong (Trung Quốc) từ những năm 1960 vì lý do an toàn. Quy định tương tự cũng được áp dụng với nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc.

Không tắm gội, giặt giũ

Người Trung Quốc cho rằng tắm gội là gột rửa tài lộc. Ảnh: Shutterstock.

Người Trung Quốc cho rằng tắm gội là gột rửa tài lộc. Ảnh: Shutterstock.

Theo truyền thuyết, hai ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán cũng là ngày sinh nhật của Thần Nước. Do đó, vị thần này nổi giận khi mọi người gội đầu và quần áo bằng nước.

Bên cạnh đó, người Trung Quốc tin “tóc” trong tiếng Quan thoại và tiếng Quảng Đông đồng âm với “phát đạt”, dẫn đến việc gội đầu có nghĩa là gột rửa sự thịnh vượng trong năm tới. Kết quả là nhiều người tránh giặt giũ và gội đầu vào hai ngày đầu năm mới Âm lịch.

Ngày nay, truyền thống này gần như bị bỏ qua, đặc biệt là ở các khu vực có không khí oi bức và ẩm ướt như Hong Kong.

Ở nhà vào mồng 3 Tết

Ở Trung Quốc, ngày mồng 3 Tết Nguyên đán được gọi là Ngày Chó Đỏ. Theo quan niệm dân gian, Chó Đỏ là thần của sự giận dữ. Vị thần này thường đi lang thang vào ngày thứ ba của năm mới, gieo rắc sự xui xẻo cho người gặp phải ông.

Ngoài ra, “chó đỏ” vẫn với “miệng đỏ tươi”, có nghĩa là cãi nhau với gia đình và hàng xóm. Vì vậy, nhiều người sẽ ở nhà, không đến thăm hoặc tiếp những người khác để tránh vô tình đụng độ với vị thần xui xẻo.

Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại, phong tục này gần như không còn tồn tại.

Không quét dọn nhà cửa

Vì lý do vệ sinh, phần lớn người dân bỏ qua phong tục không quét dọn nhà cửa trong năm mới. Ảnh: Shutterstock.

Vì lý do vệ sinh, phần lớn người dân bỏ qua phong tục không quét dọn nhà cửa trong năm mới. Ảnh: Shutterstock.

Tại Trung Quốc, người ta quan niệm quét nhà, hắt nước và dọn rác trong nhà đều có nghĩa là loại bỏ những điều may mắn và giàu có sắp đến trong năm mới. Do đó, mọi người tránh vệ sinh nhà cửa trong khoảng thời gian từ hai đến năm ngày. Đây có thể là lý do nhiều gia đình dọn dẹp nhà cửa vào đêm giao thừa để tạm biệt năm cũ.

Mặc dù hiếm khi được tuân thủ ở các thành phố ngày nay, nhưng một số làng quê Trung Quốc vẫn duy trì phong tục này.

Tú Oanh

Theo SCMP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-phong-tuc-tet-nguyen-dan-bi-nguoi-trung-quoc-lang-quen-post1504762.tpo