Những phụ huynh 'đặc biệt'

Năm học mới bắt đầu cũng là lúc các phụ huynh bận rộn với việc đồng hành cùng các con đến trường. Tuy nhiên, năm học 2021-2022 này, khi nhiều tỉnh, thành đang nỗ lực hết mình để chống dịch COVID-19, tại các gia đình mà những người bố, người mẹ đang thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch thì công việc 'mặc định' ấy giờ lại được giao cho những 'phụ huynh đặc biệt'- những người ông, người bà.

Ông Lê Đình Thi đồng hành cùng cháu nội đến trường trong những ngày bố mẹ tham gia tuyến đầu chống dịch.

Ông Lê Đình Thi đồng hành cùng cháu nội đến trường trong những ngày bố mẹ tham gia tuyến đầu chống dịch.

Chúng tôi gọi họ là những phụ huynh "đặc biệt". "Đặc biệt" bởi họ đều là những "cây cao, bóng cả", đáng lý ra giờ họ có thể an hưởng tuổi già, nhưng nay vì lý do cũng hết sức đặc biệt- các con của họ đang tham gia trận chiến với đại dịch COVID-19 ở nơi tuyến đầu, nên họ "bỗng dưng" trở lại cái thời "nuôi con dại": tất bật với những mối lo ăn-ngủ, học hành theo con trẻ. "Đặc biệt" bởi tinh thần lạc quan và sự hi sinh cao cả dành cho các con, các cháu của họ dường như chưa bao giờ vơi cạn…

Luôn miệng nhắc cháu nội Lê Nhật Minh (9 tuổi) kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập trước khi đến trường, ông Lê Đình Thi cũng cẩn trọng khởi động xe máy và kiểm tra độ an toàn của chiếc xe - phương tiện hàng ngày đưa hai ông cháu đến trường.

Ông Thi năm nay 74 tuổi, là bố chồng của chị Dương Thị Thanh Nga- cán bộ điều dưỡng Khoa truyền nhiễm (Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp) được cử đi tăng cường tham gia chống dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Ông Thi chia sẻ: Từ hôm con dâu tôi được cử đi tăng cường vào miền Nam tham gia chống dịch, tôi và bà xã cũng bận rộn hơn với việc đưa đón, chăm sóc các cháu. Hàng ngày, hai ông cháu chở nhau đến trường phải băng qua tuyến đường sắt cắt ngang nên cũng rất nguy hiểm. Bây giờ, tuổi đã cao, mắt mờ, chân chậm, nhiều khi nghe tiếng còi tàu hú tôi rất hoảng.

Nhưng biết làm sao được, con trai và con dâu còn đang bận việc nhà nước giao với bao hiểm nguy và gian khó! Hai ông bà động viên nhau phải nỗ lực cố gắng và hết sức cẩn trọng trong việc đưa đón cháu đi học, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Rất may mắn là vợ chồng tôi cũng được hai ông bà thông gia cùng quan tâm giúp đỡ , sẻ chia. Các cháu nhỏ biết bố mẹ vất vả nên mặc dù rất nhớ bố, nhớ mẹ nhưng cũng không mấy khi mè nheo, rất tự lập trong học tập, sinh hoạt. Chúng tôi luôn cảm thấy tự hào vì con dâu mình đang cùng các anh chị em đồng nghiệp góp chút công sức nhỏ bé vào "trận chiến" chống lại đại dịch COVID-19.

Được biết, gia đình chị Dương Thị Thanh Nga có hai con nhỏ, cháu lớn năm nay vào lớp 10- Trường THPT Nguyễn Huệ, cháu nhỏ học lớp 4,Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Tam Điệp). Hoàn cảnh gia đình tương đối đặc biệt, bởi chồng chị- anh Lê Đình Lâm là kỹ sư trắc địa hiện đang công tác tại tỉnh Cà Mau, do tính chất công việc và tình hình dịch bệnh nên anh cũng chưa thể về thăm nhà.

Suốt gần nửa năm qua, mọi công việc gia đình do một tay chị Nga thu xếp. Thế nhưng, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở thành phố Hồ Chí Minh, chị Nga và nhiều đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp đã không ngần ngại, chấp nhận đối mặt với hiểm nguy để xung phong lên đường nhận nhiệm vụ.

"Từng là người lính và từng xung phong ra mặt trận, chúng tôi nhận thấy việc làm của con dâu mình là hết sức ý nghĩa, đó không chỉ là mệnh lệnh của cấp trên mà đó còn là mệnh lệnh của trái tim, là trách nhiệm của mỗi công dân yêu nước. Cũng như trước kia, thế hệ cha anh và thế hệ chúng tôi, khi nước nhà lâm nguy thì không một ai được phép "khoanh tay đứng nhìn".

Tôi thường xuyên gọi điện động viên con dâu, công việc ở nhà đã có bố mẹ hai bên lo chu toàn, vì vậy các con hãy yên tâm công tác, giữ gìn sức khỏe, luôn cẩn trọng trong thực thi nhiệm vụ, bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng và cho chính mình"- bà Lê Thị Hiền, mẹ chồng chị Dương Thị Thanh Nga chia sẻ. (Bà Lê Thị Hiền nhập ngũ năm 1968, từng tham gia công tác tại Bộ Tư lệnh Phòng không-PV).

Cũng như chị Dương Thị Thanh Nga, chị Nguyễn Thị Nga- điều dưỡng khoa Nội (Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp) khi nhận nhiệm vụ tham gia tuyến đầu chống dịch, mọi công việc gia đình, việc chăm lo cho con cái đều phó thác cho những người thân. Bởi hiện nay, chồng chị công tác trong quân đội, cũng đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch ở tỉnh Hải Dương và suốt 5 tháng qua chưa được về nhà.

Bà Mai Thị Du, mẹ đẻ chị Nguyễn Thị Nga cho biết: Khi con gái thông tin về chuyến công tác tại miền Nam, ban đầu bà có chút băn khoăn, lo lắng. Lo vì cả hai vợ chồng con gái đều tham gia đảm nhiệm công việc đầy vất vả, hiểm nguy, trong khi đó các con của chúng đều đang tuổi dậy thì (đứa lớn lớp 10, đứa nhỏ lớp 7) cần sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của cả bố và mẹ.

Bà cũng hết sức băn khoăn vì tuổi cao, lại mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp,… không biết có còn hữu dụng với các con, các cháu hay không? Thế nhưng, là người mẹ thấu hiểu được sự quyết tâm, quyết đoán cũng như những nỗi niềm của con gái, bà Du đã gạt hết mối băn khoăn, lo lắng, khẩn trương sắp sếp việc nhà, để từ quê nhà (Kim Sơn) lên thành phố Tam Điệp thay các con chăm hai cháu ngoại.

Từ ngày con gái đi tham gia công tác phòng, chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh, bà Mai Thị Du trở thành "người mẹ đặc biệt" của các cháu ngoại.

Vậy là, hơn nửa tháng qua, kể từ ngày chị Nguyễn Thị Nga lên đường vào Nam tham gia chống dịch, hàng ngày người mẹ già 74 tuổi vẫn cần mẫn chăm chút cho hai cháu ngoại những bữa cơm đảm bảo dinh dưỡng. Và nhất là khi năm học mới cận kề, bà lại tất bật đi mua sắm, lựa chọn đồ dùng, sách vở, quần áo… cho các cháu. Với bà, các cháu có thể trong lúc này thiếu thốn tình cảm bố mẹ nhưng không thể thiếu thốn về vật chất. Đó cũng là cách để bà giúp các cháu yên tâm, phấn khởi tới trường như bao chúng bạn.

Với những đứa trẻ lần đầu phải xa cả bố, cả mẹ thì những người ông, người bà là chỗ dựa vững chắc. Tình cảm, sự quan tâm của họ không chỉ giúp chúng vơi đi nỗi nhớ bố mẹ mà còn giúp các bé trở nên vững tâm và trưởng thành hơn.

"Ngày chia tay mẹ cháu lên đường vào Nam tham gia chống dịch COVID-19, cháu và em gái cháu cứ khóc suốt. May có bà ngoại động viên, quan tâm chăm sóc. Bà không chỉ lo cho chúng cháu từng bữa ăn, giấc ngủ mà còn hướng dẫn chúng cháu học bài. Mỗi khi nhớ bố mẹ, bà hay kể chuyện vui ngày xưa. Khi cháu khóc vì nhớ bố mẹ, bà lại nói: Là con trai, không được khóc!..."- Trần Tuấn Anh, con trai chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Hôm chúng tôi tới thăm nhà chị Nguyễn Thị Nga, cũng là lúc bà Du và cháu trai đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Ngôi nhà của chị Nga nằm trong khu phố nhỏ của phường Bắc Sơn. Bình thường căn nhà vẫn luôn đầy ắp tiếng nói cười của bố mẹ và con trẻ, nhưng hôm nay đã vắng vẻ, yên tĩnh.

Trong căn bếp nhỏ, bà Du vừa hướng dẫn cháu cách lựa rau xanh vừa không quên căn dặn: "Hôm nay, bố mẹ cháu có gọi về thì đừng nói là bà đau yếu nghe chưa! Vì bố mẹ con vất vả lắm, công việc lại đầy hiểm nguy. Bà cháu mình ở nhà còn gắng gượng được thì phải cố gắng để bố mẹ yên tâm công tác, sớm hết dịch bố mẹ về với bà cháu ta…".

Lời căn dặn của người bà dành cho cháu ngoại, bất giác trong tôi ùa về hình ảnh bà cháu trong bài thơ "Bếp lửa": "Mẹ cùng cha công tác bận không về/ Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học" và "Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen/Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn/Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...".

Trong căn nhà hiu quạnh vắng bóng người cha, người mẹ ấy, tôi vẫn thấy những "đốm lửa nhỏ" đang bừng lên sự ấm áp yêu thương và lan tỏa. Xin được cảm ơn những y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và cũng xin được cảm ơn những bậc phụ huynh "đặc biệt"- những người sống vì mọi người.

Bài, ảnh: Đinh Ngọc

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-phu-huynh-dac-biet-/d2021090817081666.htm