Những phụ nữ khởi nghiệp với nghề thủ công đan sợi
Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng, nhiều phụ nữ tại Quảng Ngãi chọn khởi nghiệp và thành công với nghề thủ công đan sợi.
Cách đây 7 năm, chị Nguyễn Phương Quyên (30 tuổi), xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn bắt đầu bén duyên với nghề đan, móc len. Nhờ sự kiên trì, khéo léo nên không lâu sau chị làm chủ được kỹ thuật, đồng thời sáng tạo ra những sản phẩm từ len theo ý tưởng của mình. Ban đầu, chị Quyên chỉ xem đây là nghề tay trái, làm việc những lúc rảnh rỗi. Càng làm càng đam mê nên chị mạnh dạn nghỉ công việc ổn định tại một công ty, khởi nghiệp với nghề đan móc len.
Thấy một số bạn bè, đồng nghiệp đan len nên chị đã học. Sau khi biết đan một số sản phẩm đơn giản, chị lên mạng tìm hiểu cách đan, móc sản phẩm khó hơn. Sản phẩm làm ra, chị đưa lên trang Facebook cá nhân nhận được nhiều lời khen ngợi, một số người đặt hàng theo yêu cầu. Lâu dần, các sản phẩm của chị được nhiều người biết đến. Những năm gần đây, nhận thấy sản phẩm handmade ngày càng được ưa chuộng nên chị quyết định nghỉ việc công ty dành hết thời gian khởi nghiệp với sản phẩm handmade, chị Quyên cho biết.
Các sản phẩm đan móc của chị tập trung phục vụ nhóm đối tượng phụ nữ, trẻ em và sản phẩm trang trí, lưu niệm như, túi xách, giày dép, hoa, móc treo chìa khóa… Để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của mình, chị Quyên không chỉ giới thiệu qua mạng xã hội, tạo gian hàng Shoppe mà còn tham gia hội chợ, triển lãm trên địa bàn huyện, tỉnh.
Đến nay, các sản phẩm handmade của chị được một số shop hoa, cửa hàng lưu niệm tại thành phố Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh đặt với số lượng khoảng 1.000 sản phẩm mỗi tháng. Nhờ đó, không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho bản thân mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập thường xuyên cho gần 10 chị em địa phương có cùng đam mê. Vào dịp lễ, Tết, đơn hàng tăng cao gấp 2-3 lần so với ngày thường, chị Quyên phải huy động nhiều nhân lực mới kịp giao hàng cho khách.
Chị Lê Thị Kim Hiền, xã Bình Thanh cho biết, nghề chính của chị là làm vườn ươm cây keo giống. Những lúc rảnh rỗi, chị đến nhà Quyên nhận hàng về đan móc để kiếm thêm thu nhập.
Tương tự, chị Đỗ Thị Mỹ Lợi (37 tuổi), phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi chọn khởi nghiệp với sản phẩm handmade nhưng không phải đan móc mà là thêu tay 3D. Chị Lợi chia sẻ, chị bén duyên với nghề này từ năm 2020.
Lúc đó vừa sinh con, lại gặp đúng thời gian COVID-19, phải ở nhà thường xuyên nên lúc rảnh chị học thêu để thư giãn. Những ngày mới tập thêu cũng rất khó khăn vì chưa quen nên chị thường bị kim đâm vào tay nhưng nhìn các thành phẩm lại có thêm động lực. Càng làm tay nghề càng nâng cao, sản phẩm được nhiều người lựa chọn, đặt hàng. Đến nay, chị có hơn 30 mặt hàng thêu, với hàng nghìn sản phẩm. Các sản phẩm này không chỉ được khách hàng trong nước đặt hàng mà còn có mặt trên Esty - trang bán hàng handmade nổi tiếng của thế giới, chị Lợi cho hay.
Theo chị Lợi, để có sản phẩm đẹp mắt, tính thẩm mỹ cao đòi hỏi người thêu phải nhẫn nại, tỉ mỉ, sáng tạo. Các sản phẩm thêu 3D phải chú ý kỹ thuật phối màu chỉ thêu hài hòa, sống động. Sản phẩm thêu tay của chị Lợi rất đa dạng như thêu giày, quần áo, túi xách, nón... Các sản phẩm thêu 3D không chỉ đẹp, tinh tế mà còn sử dụng chất vải linen, chỉ thêu thân thiện môi trường. Bởi thế, sau khi đặt hàng, nhiều người sẵn sàng chờ đợi một thời gian để được sở hữu món hàng thêu tay của chị.
Trong quá trình làm và kinh doanh các sản phẩm thêu tay, chị Lợi luôn suy nghĩ làm thế nào để giảm thiểu lượng vải vụn thải ra môi trường. Do đó, chị quyết định tận dụng vải vụn của các cơ sở may ặc để tạo ra những sản phẩm thủ công đầy tính thẩm mỹ và tính ứng dụng cao. Với suy nghĩ đó, vào tháng 6/2022, chị Lợi thành lập Câu lạc bộ tái chế mang tên “Những mảnh nhỏ diệu kỳ”, với mục đích lan tỏa thông điệp sống xanh để bảo vệ môi trường thông qua sử dụng vải vụn trong sản xuất ngành may mặc làm thành sản phẩm giá trị. Đến nay, Câu lạc bộ có 7 thành viên, trong đó có phụ nữ khuyết tật.
Tại đây, các chị được hướng dẫn làm sản phẩm thủ công miễn phí không những phục vụ nhu cầu cá nhân, cho tặng mà còn có thêm thu nhập. Chị Nguyễn Thị Ly Na, thành viên Câu lạc bộ “Những mảnh nhỏ diệu kỳ” cho biết, bản thân là người khuyết tật, khó vận động tay chân nhưng chị vẫn được chị Lợi hướng dẫn cách thêu tay. Khi hoàn thành sản phẩm đầu tiên, chị thấy vui, tự hào. Đến nay, dù sản phẩm làm ra chưa nhiều như những chị em khác nhưng chị vẫn có thu nhập cho bản thân. Ngoài ra, chị rất vui vì mình đã tái chế các sản phẩm dư thừa để bảo vệ môi trường.
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi tích cực tổ chức hoạt động kết nối, giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ; tổ chức lớp tập huấn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế, cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023… Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Sương cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 242 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp được thành lập, duy trì và phát triển. Đặc biệt, thời gian gần đây có nhiều mô hình khởi nghiệp từ nghề thủ công đan sợi. “Qua mô hình khởi nghiệp từ nghề thủ công đan sợi của chị Quyên và chị Lợi đã minh chứng cho con đường hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Thời gian tới, Hội tiếp tục hỗ trợ về vốn, giúp chị em hiện thực hóa ý tưởng, nâng cao năng lực khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm để tạo đầu ra ổn định để các chị mở rộng mô hình”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.