Những phụ nữ tiêu biểu có nhiều sáng tạo trong công tác Hội và khởi nghiệp

Thời gian qua, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ (PN) Việt Nam, cán bộ, hội viên (HV), PN Đất Sen hồng không ngừng nỗ lực học tập, lao động, sáng tạo trong công tác Hội, vượt khó khởi nghiệp. Qua đó, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chị Trần Thị Nết (thứ 2 từ trái sang) thăm, tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh

Chị Trần Thị Nết (thứ 2 từ trái sang) thăm, tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh

Chị Trần Thị Nết: Nhiệt huyết với công tác Hội, phong trào phụ nữ

Với nhiều tâm huyết trong công tác Hội, chị Trần Thị Nết (SN 1972) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cao Lãnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong công tác, lãnh đạo Hội LHPN huyện triển khai hoạt động Hội, phong trào PN huyện đạt nhiều kết quả tích cực.

Chị Nết lãnh đạo Hội LHPN huyện và Hội LHPN cấp cơ sở đổi mới, sáng tạo trong việc tập hợp HV, PN; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức cho HV, PN; triển khai các công trình, phần việc gắn với nhiệm vụ trọng tâm tại địa phương. Đồng thời lãnh đạo thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Xây dựng người PN nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”... gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, trong 5 năm qua, các cấp Hội thực hiện 148 công trình, phần việc như: xây dựng 15 cây cầu giao thông nông thôn, thực hiện 116 “Tuyến đường 3 sạch”; duy trì mô hình “Dòng sông không rác”... góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chị Nết tích cực cùng Ban Chấp hành Hội LHPN huyện vận động nguồn lực hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm cho người dân; hướng dẫn các cơ sở Hội thành lập mô hình “Tổ PN đi chợ giúp dân”, “Bếp ăn yêu thương”... hỗ trợ người dân trên địa bàn.

Không chỉ nhiệt huyết trong công tác Hội, chị Nết còn dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đối với các HV, PN, trẻ em nghèo, khó khăn trên địa bàn. Chị Nết phối hợp với Ban Chấp hành Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã, thị trấn vận động nguồn lực từ các mạnh thường quân trao quà, hỗ trợ cất nhà tình thương cho HV, PN nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà, học bổng cho trẻ em nghèo. Song song đó, lãnh đạo các Hội cơ sở tổ chức hoạt động chăm lo đời sống cho PN, trẻ em nghèo.

Trong 5 năm qua, đã phối hợp hỗ trợ xây dựng 357 mái ấm tình thương, sửa chữa 74 căn nhà; tặng trên 5.100 suất học bổng, 6.300 suất quà... góp phần giúp các HV, PN, trẻ em nghèo, khó khăn ổn định cuộc sống. Ghi nhận những thành tích trong công tác, từ năm 2019 - 2022, chị Nết được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào PN. Vừa qua, chị Nết được Trung ương Hội LHPN Việt Nam biểu dương, tặng Bằng khen là Chủ tịch Hội LHPN cấp huyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Chị Huỳnh Thị Liên: Cán bộ Hội năng động, sáng tạo trong công tác

Hơn 9 năm gắn bó với công tác Hội, chị Huỳnh Thị Liên (SN 1993) - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là không ngừng học tập, nghiên cứu và có nhiều sáng kiến trong công tác, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Chị Huỳnh Thị Liên (thứ 2 từ phải sang, hàng đầu) nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

Chị Huỳnh Thị Liên (thứ 2 từ phải sang, hàng đầu) nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định

Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Liên dành nhiều thời gian đi công tác cơ sở nắm tình hình đời sống HV, PN. Lãnh đạo Hội LHPN xã thường xuyên triển khai các hoạt động chăm lo đời sống cho HV, PN như: phối hợp UBND xã tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn ưu đãi, vận động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... Từ năm 2020 đến nay, đã hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà tình thương; giới thiệu 120 HV, PN tham gia học nghề, 380 HV, PN vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 9,8 tỷ đồng; vận động 17 lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... tạo điều kiện cho các chị em cải thiện thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Năng động trong công tác Hội, chị Liên còn nghiên cứu nhiều sáng kiến mới áp dụng hiệu quả trong công tác Hội, nhất là trong công tác bảo vệ môi trường. Nổi bật là sáng kiến thực hiện các mô hình: “Chợ quê Cù lao Tân Thuận Đông nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần”; “Đổi rác thải nhựa nhận quà yêu thương”; “Túi giấy thân thiện với môi trường”. Thực hiện các mô hình, chị Liên vận động người dân, tiểu thương ở các chợ hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa nilon thay bằng túi giấy, túi tự hủy sinh học, lá chuối, lá sen... để gói bánh, thức ăn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý là mô hình “Đổi rác thải nhựa nhận quà yêu thương” được thực hiện 2 năm qua và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Qua 22 đợt thực hiện, có hơn 1.000 lượt HV, PN đem trên 1.100kg rác thải nhựa đến đổi quà. Hội LHPN xã bán rác thải nhựa lấy kinh phí trao tặng 30 phần quà cho các chị có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, chị Liên lãnh đạo Hội LHPN xã duy trì 8 “Tuyến đường 3 sạch”, mô hình “Dòng sông không rác” với chiều dài 3km... Thông qua các mô hình, từng bước nâng cao ý thức, hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường sống, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trên địa bàn xã.

Với những sáng tạo trong công tác Hội thời gian qua, chị Huỳnh Thị Liên vinh dự là 1 trong 30 cá nhân toàn quốc được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ nhất, năm 2024. Chị Huỳnh Thị Liên chia sẻ: “Đạt được giải thưởng Nguyễn Thị Định là 1 niềm vinh dự, động lực để tôi tiếp tục phấn đấu trong công tác. Thời gian tới, tôi sẽ nỗ lực phát huy tốt vai trò, trách nhiệm triển khai tốt các hoạt động Hội, phong trào PN, nhất là không ngừng nghiên cứu ra nhiều sáng kiến mới, góp phần nâng chất lượng công tác Hội, phong trào PN của địa phương”.

Chị Bùi Kim Nhanh: Khởi nghiệp từ niềm đam mê

Yêu thích làm bánh dân gian nên chị Bùi Kim Nhanh (SN 1981) ngụ Khóm 1, Phường 1, TP Cao Lãnh cùng mẹ ruột thường làm các loại bánh tét, bánh ú, bánh chưng... để gia đình thưởng thức và đem tặng cho bà con trong xóm, ai cũng khen ngon. Từ đó, chị Nhanh nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với nghề làm bánh ú.

Chị Bùi Kim Nhanh giới thiệu sản phẩm bánh ú nhân thịt trong Chương trình Ngày hội kết nối sản phẩm khởi nghiệp tại TP Cao Lãnh

Chị Bùi Kim Nhanh giới thiệu sản phẩm bánh ú nhân thịt trong Chương trình Ngày hội kết nối sản phẩm khởi nghiệp tại TP Cao Lãnh

Khởi nghiệp vào năm 2022, chị Nhanh nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, qua nghiên cứu thấy rằng, đa phần người tiêu dùng ít chuộng đồ ngọt nên chị quyết định làm bánh ú nhân thịt phục vụ khách hàng. Bước vào khởi nghiệp với nhiều khó khăn về kinh nghiệm làm bánh, thị trường tiêu thụ, công việc làm bánh ú khá vất vả, chủ yếu làm bằng thủ công và trải qua nhiều công đoạn: chuẩn bị lá, xé lá, trụng lá tiệt trùng, ngâm nếp, xào nếp, ướp thịt với gia vị... khó nhất là công đoạn gói bánh vì phải gói sao cho bánh có hình chóp, 4 cạnh nhọn. Bánh sau khi gói, được hấp rồi vớt ra để nguội mới giao cho khách. Tuy nhiên, chị Nhanh không nản lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn và duy trì việc làm bánh. Trong từng công đoạn, chị Nhanh luôn tỉ mỉ, cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu nếp, thịt và gói bánh để tạo ra những chiếc bánh thơm ngon nhất.

Qua hơn 2 năm khởi nghiệp, chị Nhanh xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm “Bánh ú bếp nhà Khang”. Hiện nay, chị Nhanh làm bánh bán theo đơn đặt hàng của khách, mỗi tháng gói, bán gần 800 chiếc bánh ú. Không chỉ có bánh ú nhân thịt, chị nghiên cứu kết hợp thêm nhiều loại nhân khác như: thịt hạt sen, thập cẩm trứng muối và bánh ú nhân chay để tạo sự hấp dẫn cho khách hàng. Ngoài ra, chị còn làm bánh tét nhân chuối, nhân thịt; bánh chưng, bánh giò, bì thịt theo đơn đặt hàng của khách. Nghề làm bánh, giúp chị Nhanh có thu nhập khoảng 5 triệu - 6 triệu đồng/tháng, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Chị Bùi Kim Nhanh bộc bạch: “Lí do tôi chọn khởi nghiệp với nghề làm bánh ú một phần vì đam mê bánh dân gian, một phần vì tôi muốn lưu giữ, lan tỏa hình ảnh chiếc bánh dân gian của ông bà ngày xưa đến người dân. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm nồi hấp để phát triển nghề làm bánh ú, cải tiến khâu chế biến, nghiên cứu kết hợp nhiều loại nhân mới, góp phần nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”. Với nhiều nỗ lực trong quá trình khởi nghiệp, chị Bùi Kim Nhanh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “PN vượt khó khởi nghiệp” năm 2024.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/nhung-phu-nu-tieu-bieu-co-nhieu-sang-tao-trong-cong-tac-hoi-va-khoi-nghiep-126583.aspx