Những 'phương sách' để Khánh Hòa vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển
Việc duy trì tốc độ phát triển với nhiều chỉ tiêu ở mức cao trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức là bài toán không dễ. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Khánh Hòa sẽ phát huy những 'phương sách' phù hợp.
Để bạn đọc rõ hơn về kết quả kinh tế-xã hội nổi bật của địa phương này trong 9 tháng đầu năm, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Xin ông chia sẻ kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội tỉnh Khánh Hòa trong 9 tháng đầu năm 2023?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, Tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về kinh tế, các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục phục hồi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh với các chỉ tiêu 9 tháng năm 2023: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,17% so với cùng kỳ năm trước (xếp thứ 5/63 của cả nước và thứ 1 của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 85.114,6 tỷ đồng, tăng 19,7% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.196,8 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu du lịch đạt 27.502,8 tỷ đồng, tăng 154,8% so cùng kỳ năm trước, với 5,7 triệu lượt khách, tăng 173,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 9,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Thu nội địa là 9.839,3 tỷ đồng, đạt 73,1% dự toán và bằng 103% so với cùng kỳ. Tỉnh đã thu hút mới được 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100.130,8 tỷ đồng…
9 tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt; các chế độ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân được thực hiện đầy đủ, chính sách giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đến hết tháng 9/2023, tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,04%; tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (bắt buộc và tự nguyện) đạt 27,82%, tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 23,74%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 82,8%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,5%; số lao động có việc làm tăng thêm đạt 10.560 người, đạt 91,8% kế hoạch được giao…
Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, du lịch đặc sắc thu hút đông đảo người dân và du khách, góp phần lan tỏa hình ảnh của tỉnh Khánh Hòa và Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành công tác lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng, gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Về triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đảm bảo tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, các quy định cụ thể hóa Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội đến nay đã được tỉnh và Trung ương ban hành đầy đủ theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, kịp thời lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét đối với các đề án: Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa; Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; Đề án thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương; tổ chức thành công Lễ ra mắt và phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa vào ngày 12/8.
Viện duy trì tốc độ phát triển với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thứclà bài toán không dễ. Vậy tỉnh Khánh Hòa có "phương sách" gì thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Ngay từ đầu năm, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương đề ra; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), cải cách hành chính (PAR-Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Đặc biệt tỉnh tích cực hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn liên quan đến sản xuất kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật. Việc hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án này đã đóng góp quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa trong 9 tháng năm 2023 (như nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, một số cụm công nghiệp, đường bộ cao tốc và hệ thống đường tỉnh,...được chuẩn bị, khởi công từ năm 2017 đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác).
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy "phương sách" này, tập trung đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm, liên kết vùng nhằm tạo nền tảng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2023 và trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, chúng tôi nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động thích ứng; đoàn kết, thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vượt qua khó khăn. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các sai phạm; đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023, xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra, trong quý IV/2023, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai ngay Quy hoạch chung khu đô thị mới Cam Lâm và điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hoàn thành công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị; thực hiện rà soát, điều chỉnh và tiến tới phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa và Chương trình phát triển đô thị các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với các quy hoạch được duyệt.
Tập trung thúc đẩy phát triển thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh xuất khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu,…
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023, trong đó tập trung triển khai, cụ thể hóa các nội dung ký kết tại Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với các nhà đầu tư tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, thu hút có hiệu quả danh mục các dự án đầu tư trọng điểm theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Ban hành Quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Nhật Bản năm 2023.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các công trình, dự án nhất là về giải phóng mặt bằng tại thành phố Nha Trang. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh như: Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột, đập ngăn mặn Sông Cái, nút giao thông Ngọc Hội, các hạng mục của Dự án CCSEP, Đường D30 - kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp, Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh,…
Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư công trọng điểm, liên kết vùng như: Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh; đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; tuyến đường ven biển từ Vạn Lương, Vạn Ninh đi Ninh Hòa…; xây dựng Trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, UBND tỉnh; hoàn thành Đề án Xây dựng bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành Bệnh viện tuyến cuối của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ…
Hoàn thành nhiệm vụ đấu giá các cơ sở nhà, đất năm 2023 theo Kế hoạch số 7201/KH-UBND ngày 20/7/2023 của UBND tỉnh; đẩy nhanh công tác thẩm định giá đất để xác định các nguồn thu tiền sử dụng đất, thuê đất của các dự án; kịp thời phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nhằm bổ sung nguồn lực cho các dự án đầu tư công trọng điểm.
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình Mục tiêu quốc gia, Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tăng cường kết nối cung - cầu, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề bền vững. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh, phòng chống dịch của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết liệt rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển; chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai…
Trân trọng cảm ơn ông!
Thế Phong (thực hiện)