Những phương tiện nào được hoạt động vận tải từ bờ ra đảo?
Bộ GTVT ban hành quy định cụ thể cấp phương tiện thủy, tàu biển được hoạt động trên các tuyến vận tải từ bờ ra đảo.
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 36/2019 sửa đổi, bổ sung các thông tư của Bộ GTVT quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam (có hiệu lực từ 1/11/2019).
Nội dung bổ sung đáng chú ý trong thông tư mới là phân định rõ cấp đăng kiểm tối thiểu của tàu được phép hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo cụ thể.
Trong đó, các tuyến dành cho phương tiện thủy pha sông biển cấp VR-SB hoặc tàu biển từ cấp hạn chế III trở lên gồm: Hải Hà - Đảo Trần - Cô Tô (Quảng Ninh), Cửa Việt - Cồn Cỏ (Quảng Trị), Sa Kỳ - Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nha Trang - Nội Hòn (Khánh Hòa), Khoai Long - Hòn Khoai, Năm Căn - Hòn Khoai (Cà Mau).
Các tuyến dành cho tàu biển cấp từ hạn chế III trở lên gồm: Trần Văn Thời - Hòn Chuối (Cà Mau), Rạch Giá - Phú Quốc (gồm 5 tuyến từ Rạch Giá đến Hàm Ninh, An Thới, Bãi Vòng, Dương Đông, Vịnh Đầm (Phú Quốc), Rạch Giá - Nam Du (Kiên Giang).
Tuyến Kiên Lương - Phú Quốc và Hà Tiên - Phú Quốc (Kiên Giang) chỉ được dùng tàu biển cấp hạn chế III để chở khách, còn tàu chở hàng được dùng tàu pha sông biển cấp VR-SB hoặc tàu biển cấp hạn chế III trở lên.
Các tuyến dành cho tàu biển từ cấp hạn chế II trở lên gồm: Hải Phòng - Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Phan Thiết - Phú Quý (Bình Thuận), Vũng Tàu - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Trần Đề - Côn Đảo (Sóc Trăng), Rạch Giá - Thổ Châu, Phú Quốc - Thổ Châu (Kiên Giang), Cần Thơ - Côn Đảo (Cần Thơ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Năm Căn - Phú Quốc, Năm Căn - Nam Du, Năm Căn - Thổ Châu, Sông Đốc - Thổ Châu, Sông Đốc - Nam Du, Khai Long - Phú Quốc (Cà Mau - Kiên Giang).
Các tuyến dành cho tàu biển cấp không hạn chế vùng hoạt động gồm: Đà Nẵng - Hoàng Sa, Khánh Hòa - Hoàng Sa.