Những 'quân bài tốt' của ông Biden trong chiến dịch tranh cử 2024
So với chiến dịch tranh cử năm 2020, Tổng thống Joe Biden giờ đây sở hữu nhiều 'quân bài tốt' có thể mang lại cho ông lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.
Tổng thống Joe Biden hôm 25-4 tuyên bố chính thức gia nhập cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Lần tranh cử này, ông Biden có một điều mà cách đây 2 năm rưỡi trước ông không có, là thành tích tại Nhà Trắng.
Trong cuộc chạy đua sắp tới, ông Biden dự kiến sẽ nêu bật những thành công mà ông đạt được trên cương vị tổng thống như một lý lẽ để thuyết phục người dân Mỹ tiếp tục chọn ông cho 4 năm tiếp theo.
Khi vận động tranh cử năm 2020, ông Biden đã cam kết sẽ chống lại đại dịch COVID-19, tái cấu trúc nền kinh tế, chống biến đổi khí hậu, củng cố quyền bầu cử, khôi phục chế độ lưỡng đảng và “linh hồn của nước Mỹ” sau nhiệm kỳ được cho là gây chia rẽ nội bộ của Tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh những nhiệm vụ kể trên, vị tổng thống đảng Dân chủ còn phải đối mặt với những thách thức bất ngờ, bao gồm xung đột Nga-Ukraine và lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ và thế giới.
Dưới đây là những thành tựu mà ông Biden đã đạt được trong hơn nửa nhiệm kỳ của mình, theo hãng tin Reuters.
Đối phó với đại dịch COVID-19
Ngay từ những ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng, ông Biden đã tấn công vào phong trào phản đối tiêm vaccine, yêu cầu 100 triệu công nhân tiêm vaccine để làm cho COVID-19 ít lây lan và giảm thiểu ca bệnh nặng. Ông lãnh đạo chiến dịch phân phối rộng rãi vaccine và đưa gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD để nước Mỹ ứng phó với suy thoái kinh tế do đại dịch.
Tuy nhiên, chiến dịch ứng phó với COVID-19 của ông cũng vấp phải nhiều chỉ trích. Những người phản đối cho rằng ông đã mở rộng quá mức các biện pháp phong tỏa, vội vàng trong việc tuyên bố đại dịch kết thúc và quá chậm trong việc phân phối các bộ xét nghiệm và vận chuyển vaccine ra nước ngoài.
Hơn 1,1 triệu người Mỹ đã chết vì COVID-19, phần lớn trong số này là kể từ khi ông Biden lên nắm quyền nhưng nhiệm kỳ của ông cũng chứng kiến tỉ lệ tử vong chậm lại, đặc biệt là trong năm ngoái.
Điều hành nền kinh tế
Tổng thống Biden đã thực hiện lời hứa khôi phục nền kinh tế Mỹ bằng cách đánh thuế nhiều hơn vào doanh nghiệp và những người giàu có, đồng thời thúc đẩy lợi ích cho tầng lớp trung lưu.
Dưới sự quản lý của ông, tốc độ tăng trưởng việc làm của Mỹ đã đạt mức chưa từng thấy kể từ những năm 1960, tăng gần 3 lần so với tốc độ trước đại dịch. Mỹ hiện tạo thêm 3,2 triệu việc làm so với mức cao nhất trước dịch bệnh.
Tuy nhiên, người Mỹ cũng chứng kiến lạm phát nhảy vọt, một phần do người dân thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ đại dịch và các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến giá nhiên liệu tăng cao.
Các nhà phê bình cho rằng chi tiêu liên bang tăng lên dưới thời ông Biden (bao gồm 750 triệu USD cho các chính sách về khí hậu và giảm thuế) cũng đẩy lạm phát cao hơn. Giá cả tăng vọt đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải nhanh chóng tăng lãi suất - chính sách khiến nhiều người lo ngại rằng có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái.
Theo chuyên gia, thời gian tới Tổng thống Biden có thể sẽ gặp phải những lá bài xấu hơn khi tỉ lệ thất nghiệp có khả năng tăng lên do tăng trưởng chậm lại, lãi suất và lạm phát vẫn ở mức cao.
Các cuộc thăm dò của Reuters cho thấy người Mỹ coi nền kinh tế là vấn đề lớn nhất mà đất nước phải đối mặt.
Chiến lược gia Doug Heye của đảng Cộng hòa dự đoán rằng phe Dân chủ sẽ ca ngợi những chiến thắng lập pháp mà họ đạt được và việc lạm phát có thể giảm như tiền đề cho cuộc bầu cử sắp tới, nhưng theo ông cách tiếp cận đó sẽ “có vấn đề”.
Chính sách đối ngoại
Giới quan sát nhận định Tổng thống Biden có thể trích dẫn phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột ở Ukraine như một thành tựu ngoại giao lớn của mình. Ông có thể lập luận rằng Washington “đã tập hợp thế giới” duy trì áp lực với Moscow ngay cả khi một số đồng minh của Mỹ đã có lúc dao động.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng đưa ra một số chính sách đối ngoại gây tranh cãi. Chẳng hạn cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021 đã thu hút sự chỉ trích gay gắt từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Vị tổng thống cũng đã phải đấu tranh với đồng minh lâu năm là Saudi Arabia khi vương quốc vùng Vịnh ủng hộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng dầu - một việc làm mà Washington cho là không cần thiết.
Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc cũng đi xuống khi ông Biden hạn chế các khoản đầu tư cũng như việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngành công nghiệp và sản xuất
Tổng thống Biden và đảng Dân chủ đã thúc đẩy chi tiêu liên bang lên tới hơn 2.000 tỉ USD để khôi phục hoạt động sản xuất của Mỹ, tiêu biểu trong đó là Đạo luật Khoa học và CHIPS, Đạo luật Giảm lạm phát và Dự luật cơ sở hạ tầng.
Để tiếp cận khoản trợ cấp trên, các công ty buộc phải sản xuất trong lãnh thổ Mỹ. Động thái được các liên đoàn lao động trong nước hoan nghênh nhưng bị các đồng minh thương mại của Washington như Liên minh châu Âu (EU) và Mexico phản đối.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, nước này đã đạt 12,98 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất chỉ trong 3 tháng đầu năm nay - mức cao nhất kể từ năm 2008.
Nhập cư
Ông Biden đã hứa sẽ đảo ngược các chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump nếu đắc cử. Nhưng sau khi nhậm chức vào năm 2021, ông đã gặp khó khăn khi số lượng người di cư trái phép qua biên giới Mỹ-Mexico tăng cao kỷ lục, thách thức các nỗ lực cải cách của ông.
Hồi tháng 1, Tổng thống Biden quyết định đưa ra các quy định mới để hạn chế nhập cư, đi ngược lại với các cam kết ban đầu của ông. Nhưng động thái này cũng không bảo vệ ông khỏi sự chỉ trích của đảng Cộng hòa.
Ngoài ra, chính quyền ông Biden cũng phải đối mặt số lượng kỷ lục trẻ em không có người đi cùng vượt biên trái phép từ Mexico vào Mỹ.
Khí hậu
Tổng thống Biden đã đưa Mỹ trở lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà ông Trump trước đó đã tuyên bố rút khỏi. Ông cũng đặt mục tiêu giảm 50-52% lượng khí thải nhà kính của Mỹ vào năm 2030 so với mức năm 2005.
Tổng thống đã ký Đạo luật giảm lạm phát, được gọi là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử vào việc khí hậu, với hàng tỉ USD khuyến khích thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm phát carbon.
Tuy nhiên, chính quyền của ông đã phê duyệt các dự án dầu mỏ tại bang Alaska - dự án khiến các nhóm bảo vệ môi trường phản đối.
Mức độ ủng hộ trong thời gian đương nhiệm
Ông Biden nhậm chức sau vụ tấn công vào Điện Capitol khiến người Mỹ hoảng loạn. Thời điểm đó, kết quả thăm dò cho thấy sự ủng hộ rất cao của người Mỹ với vị tân tổng thống, phản ánh mong muốn ổn định của người dân.
Tuy nhiên, sau sự kiện rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, tỉ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống dưới 50% và nó vẫn chưa phục hồi. Trong những tháng gần đây, tỉ lệ này dao động quanh mức 40%.
Cuộc thăm dò mới nhất của Reuters về các ứng cử viên tổng thống 2024 cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 43% so với 38%.
Một cuộc thăm dò khác giữa ông với Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis cũng cho thấy ông Biden đang nhận được nhiều sự ủng hộ hơn, với 43%, so với mức 34% của đại diện đảng Cộng hòa.