Những quốc gia đón Tết Nhâm Dần 2022 cùng Việt Nam
Tết Nguyên đán được tổ chức ở nhiều nước Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia… Tùy theo mỗi quốc gia, dân tộc mà có những đặc trưng riêng trong văn hóa Tết, song vẫn có những điểm tương đồng quen thuộc với người Việt.
Hàn Quốc
Seollal là tên gọi Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc, một trong hai ngày Tết lớn nhất ở nước này cùng với Tết Trung thu. Cũng giống như Việt Nam, người Hàn Quốc đón Tết cổ truyền vào ngày 1/1 âm lịch hằng năm. Đây cũng là dịp đặc biệt để người Hàn Quốc nhớ về tổ tiên và gặp gỡ thành viên trong gia đình.
Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn Quốc thường mặc hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống, nghe kể chuyện, và gặp gỡ mọi người.
Trò chơi dân gian cổ truyền phổ biến nhất trong dịp lễ Seollal là Yutnori, tương tự như trò chơi cá ngựa ở Việt Nam, các bước di chuyển phụ thuộc vào kết quả tung 4 thanh gỗ (thay cho các viên xúc xắc). Ngoài ra còn có các trò chơi khác như Jegi-chagi (trò chơi đá cầu), Neoltwiggi (trò chơi bập bênh), Tuho (trò chơi ném mũi tên), và Yeon-naligi (trò chơi thả diều)…
Trung Quốc
Tết Nguyên đán còn được gọi là ChūnJíe hay Lễ hội mùa xuân ở Trung Quốc, được biết rộng rãi với các nước phương Tây là Chinese Lunar New Year. Lễ hội này có thể kéo dài đến 16 ngày, từ ngày trăng non đầu tháng đến rằm tháng Giêng âm lịch.
Theo lịch sử Trung Quốc, Tết Nguyên Đán đã xuất hiện ở nước này từ cách đây hơn 4.000 năm. Khi vua Thuấn trở thành hoàng đế, ông đã thực hiện cúng tế trước trời đất. Ngày đó được xem là ngày đầu tiên của mỗi năm - mồng 1 tháng Giêng. Kể từ đó, cứ đến ngày này mỗi năm, người dân đều tổ chức nhiều hoạt động tưng bừng để chào đón năm mới hạnh phúc, an khang. Tục lễ này được lưu giữ kể từ thời cổ đại đến ngày nay.
Ở đất nước Trung Quốc đều có một phong tục là dán thần giữ cửa để trừ quỷ. Họ cũng có lì xì đầu năm và thói quen chúc tết, thậm chí có quan niệm tắm rửa bằng một loại cây đặc biệt. Các món ăn truyền thống ăn vào ngày Tết như sủi cảo, hoành thành, mì, bánh trôi nước… đều mang theo ý nghĩa nhất định; ví như bánh sửi cảo có nghĩa là “thời khắc chuyển giao”, hoành thánh mang hàm nghĩa “đầu tiên”, ăn mì có ý nghĩa “trường thọ”…
Singapore
Quốc đảo Sư Tử là một trong những nước ăn Tết Âm lịch giống Việt Nam. Tuy nhiên, Singapore có cộng đồng người Hoa lớn nên Tết Nguyên đán của họ được tổ chức rất giống ở Trung Quốc.
Người Singapore cũng đón năm mới vào ngày 1/1 Âm lịch. Trước đó, họ cũng có phong tục dọn dẹp và trang trí nhà cửa, đường phố, cúng ông Táo chầu trời, mâm cơm sum họp đầu năm và lì xì.
Nếu như người Việt Nam trang trí mâm ngũ quả ngày Tết, thì người Singapore lại ưa chuộng quýt và dứa hơn. Theo tiếng Quảng Đông, quýt có màu cam rực rỡ và mang ý nghĩa sung túc. Còn theo tiếng Phúc Kiến thì dứa giống với từ “vượng lai”, nghĩa là phú quý.
Do đó, vào những ngày đón năm mới người Singapore không trưng hoa đào, hoa mai mà chọn cây quýt để trang trí nhà cửa và nơi làm việc. Người Singapore còn tặng quýt cho người thân và bạn bè để chúc tài lộc, may mắn. Bên cạnh đó, họ còn có phong tục tặng đồ đôi hoặc số chẵn nhưng kiêng số 4 xui xẻo. Nếu tặng quà lì xì cũng sẽ theo cặp và bỏ trong bao đỏ kèm theo socola.
Vào ngày Tết người dân quốc đảo cũng nấu các món ăn truyền thống như Yumcha (điểm tâm gồm bánh bao, dimsum, bánh cuốn, thịt viên, bánh ngọt…) và gỏi Yusheng (gỏi đu đủ, khoai môn bào sợi, cá hồi…).
Indonesia
Là một đất nước có số dân theo Đạo hồi lớn nhất thế giới, nhưng năm mới âm lịch cũng là ngày lễ quốc gia của Indonesia, được gọi là Imlek. Từ năm 2003, Tổng thống Megawati Soekarnoputri đã tuyên bố Tết Nguyên đán là ngày lễ quốc gia của đất nước này sau khi lễ hội này bị cấm trong nhiều năm.
Một điều thú vị của Imlek là cộng đồng người gốc Trung Hoa tại Indonesia dù theo tôn giáo nào, kể cả Đạo hồi cũng đón ngày lễ này. Không khí năm mới được cảm nhận rõ nhất tại các đền chùa Phật giáo và các khu vực có người gốc Hoa sinh sống.
Ngày Tết, người Indonesia thường ăn bánh “lontong” - loại bánh được chế biến từ bột gạo nếp, đường nâu và gừng để cúng gia tiên nhằm cầu mong sự may mắn. Bánh lontong (bánh gạo) thường được ăn cùng với thịt gà nấu với nước dừa, rau nấu với nước dừa, trứng luộc...
Còn tại các đền chùa, người ta thực hiện nghi lễ tắm tượng, phóng sinh và cúng bái.