Những quốc gia EU sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria thay thế Nga
Hy Lạp và Đức là hai quốc gia sẵn sàng cung cấp khí đốt qua dòng chảy ngược cho Ba Lan và Bulgaria, nhằm thay thế nguồn cung trực tiếp từ Nga.
Tờ Financial Times đưa tin Đức và Hy Lạp cho biết họ sẵn sàng gửi thêm khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria, sau khi Tập đoàn Năng lượng quốc gia Gazprom (Nga) tuyên bố cắt nguồn cung đến hai quốc gia này.
Theo dữ liệu do Đơn vị vận hành Hệ thống đường ống dẫn khí Hellenic công bố, lượng đốt chảy qua đường ống dẫn khí Sidirokastro, nơi nằm giữa biên giới Hy Lạp và Bulgaria, đã tăng vọt từ ngày 28/4. Trong đó, lượng khí đốt xuất khẩu sang Bulgaria cao hơn so với lượng chuyển sang phía nam đến Hy Lạp.
Ông Tom Marzec-Manser, Trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại công ty tư vấn ICIS, cho biết dữ liệu này cho thấy Công ty khí đốt chủ chốt DEPA của Hy Lạp đang tham gia vào các giao dịch thay thế Nga nhằm bán khí đốt của mình cho Bulgaria.
Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống dẫn khí Gascade của Đức cũng tiết lộ lượng khí đốt qua đường ống Yamal-châu Âu tại điểm trung chuyển Mallnow, biên giới quan trọng giữa Đức và Ba Lan cũng đã gia tăng. Cụ thể, lượng khí đốt đã tăng lên 12,7 triệu kWh/giờ vào ngày 28/4. Trước đó, mức cao nhất trong tháng 4 chỉ đạt gần 9 triệu kWh/h.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng xu hướng này có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn tại các kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất của Đức. Theo Gazprom, “việc khôi phục trữ lượng khí đốt trong các kho dự trữ ở châu Âu là một thách thức rất lớn”.
Hôm 28/4, “gã khổng lồ” năng lượng của Nga đã thông báo ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria và Ba Lan, sau khi 2 nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Theo đó, Gazprom sẽ ngắt nguồn cung cho đến khi Sofia và Warsaw tuân thủ các điều khoản giao dịch mới. Nhà sản xuất khí đốt của Nga cũng đã cảnh báo rằng nếu một trong hai quốc gia chuyển hướng nguồn cung quá cảnh sang các nước châu Âu khác, điều này cũng sẽ làm giảm lượng khí đốt tương ứng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Ba Lan và Bulgaria nhập khẩu một lượng lớn khí đốt của Nga, lần lượt chiếm 45% và 80% nhu cầu. Các hợp đồng cho phép họ nhập khẩu tới 13 tỷ m3 khí đốt của Moskva, tương đương khoảng 8% lượng khí đốt Nga bán cho EU vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc ngừng cung cấp khí đốt được cho là sẽ không gây ra vấn đề nghiêm trọng cho cả hai quốc gia vì nhu cầu giảm trong mùa Xuân, khi thời tiết ấm áp hơn.
Nhà nghiên cứu cấp cao Simone Tagliapietra tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels, Bỉ, cho biết: “Điều này sẽ không có vấn đề trong ngắn hạn đối với cả hai nước”.
Trên thực tế, cả Ba Lan và Bulgaria đều vẫn có thể xoay sở nếu không có khí đốt của Nga. Trong nhiều năm qua, hai quốc gia này đã tìm cách tránh phụ thuộc vào năng lượng Nga và nhận được sự giúp đỡ của các nước láng giềng, đặc biệt là Đức và Hy Lạp. Tuy nhiên nếu Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Đức - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất châu lục và là nơi có ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tương đối rẻ này - thì đó lại là một vấn đề khác. Các chuyên gia nhận định điều này có thể gây ra những tác động mạnh mẽ trên quy mô lục địa.