Những 'quý cô bệnh tật' gây tranh cãi tại Trung Quốc
Truyền thông Trung Quốc đang nhắm mục tiêu đến những 'quý cô bệnh tật' (sick lady), thuật ngữ để chỉ những người phụ nữ lợi dụng việc bị bệnh để thu hút sự chú ý của dư luận nhằm quảng cáo và bán các sản phẩm sức khỏe liên quan.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tranh cãi đã bùng lên trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi tờ Health Times, một ấn phẩm của People’s Daily, đăng tải bài viết chỉ trích những “quý cô bệnh tật”. Bài báo cho biết những người phụ nữ này thường xuyên đăng ảnh nằm viện, mặc trang phục bệnh nhân với gương mặt trang điểm kỹ càng, tự nhận mình mắc các bệnh như ung thư tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư vú và trầm cảm.
Theo tờ báo, những “quý cô bệnh tật” sau đó tuyên bố đã hồi phục và chia sẻ các mẹo phục hồi sau phẫu thuật, đồng thời quảng cáo các sản phẩm liên quan, chẳng hạn miếng dán chữa sẹo. Bài báo cũng dẫn lời một bác sĩ giấu tên cho biết các bệnh viện công không cho phép bệnh nhân mang theo đồ trang điểm cầu kỳ khi nhập viện, thường chỉ có sữa rửa mặt hoặc bánh xà phòng.
“Những phụ nữ này nói rằng họ bị bệnh nặng nhưng lại trang điểm kỹ càng khi nằm trên giường bệnh để thu hút sự chú ý, tăng tương tác và lượng người theo dõi để bán hàng. Đây là sự xúc phạm đối với y học và không tôn trọng những người thật sự bị bệnh”, tác giả bài báo viết.
Thông tin sau đó đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Weibo và được các phương tiện truyền thông khác như The Paper. Bài viết đã đăng tải hình ảnh của 4 người phụ nữ trong bệnh viện, bao gồm bức ảnh của một người đeo khẩu trang và một người khác đang giới thiệu sản phẩm với dòng chữ: “Tình yêu của mẹ”.
Tuy nhiên, những người phụ nữ có hình ảnh được sử dụng trong bài báo, đã phản bác lại thông tin này và cho rằng họ bị bôi nhọ một cách bất công. Họ khẳng định mình thực sự phải nằm viện vì bệnh hiểm nghèo và chưa bao giờ bán bất kỳ sản phẩm nào.
“Tôi phải làm rõ rằng bức ảnh đó được chồng tôi chụp vào ngày phẫu thuật để cho gia đình và bạn bè tôi biết rằng ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp. Tôi không hề trang điểm”, Zhang Jijing sống tại Hàng Châu cho biết trong một bài đăng trên Weibo. Cô nói: “Tôi cũng không bán hàng. Tôi đăng video vì một số người dùng mạng xã hội cũng bị bệnh tuyến giáp hỏi tôi về cuộc phẫu thuật ”.
Zhang còn đăng một tuyên bố pháp lý từ Công ty Luật Yingke Bắc Kinh rằng bài báo và các báo cáo truyền thông khác dựa trên bài báo đó đã vi phạm quyền và làm tổn hại danh tiếng của mình. Cô yêu cầu các đơn vị phải xóa những bài viết này.
Một người phụ nữ khác xuất hiện trên bài viết cho biết bức ảnh chụp khi cô đang đọc sách và đắp mặt nạ trong thời gian nằm viện cách đây 2 năm đã bị tác giả bài báo sử dụng mà không hề xin phép. Cô cảm thấy bị bôi nhọ khi bài báo buộc tội cô quảng cáo bán hàng.
“Có gì sai khi đắp mặt nạ trước và sau khi phẫu thuật? Không bác sĩ hay y tá nào cấm điều đó. Tôi thích làm đẹp và chia sẻ những gì tôi thích nhưng chưa bao giờ bán bất kỳ sản phẩm nào. Chúng tôi là bệnh nhân, không phải là những người được gọi là 'quý cô bệnh tật'”, người phụ nữ tên Amy nói. “Ai nói bị bệnh thì không được xinh đẹp hay chăm sóc da? Không có bác sĩ hoặc y tá nào trong suốt hai lần tôi nằm viện để phẫu thuật nói như vậy”.
Người phụ nữ thứ 3 đã đăng bảng xếp hạng bệnh viện của mình cho ca phẫu thuật ung thư tuyến giáp vào năm ngoái trên Weibo, cho biết cô đã nghiên cứu rất nhiều trước khi phẫu thuật và chỉ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ những người khác.
Cô gái thứ 4 sống tại Quảng Đông cũng đăng bệnh án mà cô đã phẫu thuật tuyến giáp hồi tháng 8. Cô bức xúc vì bài báo vô căn cứ đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mình.
Phản ứng của 4 người phụ nữ đã gây xôn xao trong dư luận với hơn 110 triệu lượt xem với hashtag “Tôi không phải một quý cô bệnh tật”.
“Quý cô là một từ xinh đẹp để miêu tả một người phụ nữ. Gọi chúng tôi là ‘quý cô bệnh tật’ khiến chúng tôi trở thành những người phụ nữ bị kỳ thị một cách đáng xấu hổ”, Amy cho biết.
Một người dùng mạng xã hội bình luận: “Chỉ vì họ xinh xắn và đăng những bức ảnh tinh tế, họ sẽ bị chỉ trích. Tại sao lại tạo ra một thuật ngữ chỉ để xúc phạm phụ nữ. Họ là bệnh nhân, không phải 'quý cô bệnh tật'”.