Những quy định đáng chú ý nhất trong nghị định về từ thiện
Cá nhân quyên góp từ thiện có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Ngày 27-10, Chính phủ ban hành Nghị định 93 về “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Nghị định 93/2021 có hiệu lực từ ngày 11-12-2021, sẽ thay thế Nghị định 64/2008 về nội dung này.
Cấm cản trở cá nhân quyên góp từ thiện
Khác với Nghị định 64/2008 hay một số dự thảo thay thế Nghị định 64/2008 từ những năm trước, Nghị định 93/2021 quy định cho cá nhân được quyên góp từ thiện.
Cụ thể, ngoài các đối tượng áp dụng như Nghị định 64/2008 thì còn áp dụng cho “cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự”. Họ được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Dĩ nhiên, khi mở cho cá nhân được quyền quyên góp từ thiện, nghị định cũng cấm “cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện”.
Nghị định dành hẳn một mục (ba điều) để quy định việc cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn thiện nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và sự cố trong nước. Những quy định cũng minh bạch và khá thuận tiện.
Theo đó, cá nhân chỉ cần thông báo trên các phương tiện truyền thông về “mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối.
Những thông tin này cá nhân sẽ làm văn bản gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú (theo mẫu) để cơ quan này lưu trữ, theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của các tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ. Cơ quan có thẩm quyền cũng được cung cấp những thông tin này nhằm hướng dẫn, theo dõi, thanh tra và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Nghị định cũng yêu cầu cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động, bố trí địa điểm tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian được phép tiếp nhận. Một vấn đề có lẽ “hơi khó” là cá nhân phải “có biên nhận” các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Mỗi cuộc vận động quyên góp mà cá nhân tiến hành là riêng biệt.
Mở ra không gian quyên góp từ thiện cho cá nhân
Việc ban hành Nghị định 93/2021 là một sự thay đổi chính sách rất lớn, được trông đợi từ năm 2016 sau khi MC Phan Anh kêu gọi được hàng chục tỉ đồng giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Nghị định 93/2021 đã mở ra “không gian quyên góp từ thiện” cho các cá nhân như đúng thực tế đang diễn ra.
>
Cá nhân tiếp nhận nhưng UBND xã chủ trì phân phối
Vấn đề phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân quyên góp là một điểm gây nhiều tranh luận. Tuy vậy, ở Nghị định 93/2021, nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết vấn đề này một cách hài hòa.
Theo đó, tùy vào nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, cá nhân sẽ thông báo với UBND cấp xã nơi tiếp nhận hỗ trợ để xác định phạm vi, đối tượng, mức và thời gian hỗ trợ, phân phối nguồn quyên góp được. Trường hợp cần thiết thì phải liên hệ với UBND cấp tỉnh nhưng nghị định yêu cầu cấp tỉnh phải hướng dẫn cụ thể.
Phương án hài hòa như đã nói ở trên trong khâu phân phối được quy định như sau: “Chậm nhất trong ba ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với ban vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân”.
Về nội dung chi nguồn do cá nhân quyên góp, nghị định khuyến khích chi cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích, chi phí mai táng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh… cho gia đình khó khăn; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy…
Đặc biệt, nghị định cũng khuyến khích nguồn tự nguyện do cá nhân quyên góp chi cho hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng chống dịch bệnh…
Những nội dung chi hỗ trợ này cần được thống nhất với các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp theo sự vận động của cá nhân.
Nếu nguồn quyên góp còn dư sau khi đã chi thì cá nhân cần thống nhất với người đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng hoặc chuyển cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để thực hiện an sinh xã hội phù hợp với mục tiêu và cam kết với người đóng góp.
Cung cấp thông tin khi được cơ quan thẩm quyền yêu cầu
Nghị định 93/2021 quy định chi phí cho việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn quyên góp được do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Tuy nhiên, nếu tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn quyên góp và tổng hợp, công khai khoản này.
Cá nhân phải mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ. Đồng thời công khai trên các phương tiện truyền thông, gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết trong 30 ngày.
Cá nhân quyên góp từ thiện cũng được yêu cầu “cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.