Những quy định nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu
Để bảo vệ người tiêu dùng (NTD), nhiều nước đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với các mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu (NK). Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) XK cần cập nhật kịp thời những quy định mới và tuân thủ thực hiện để tránh tình trạng hàng hóa XK không đạt chuẩn bị trả về, hoặc nặng hơn là mất luôn thị trường XK…
Tháng 9/2018, Malaysia tạm dừng cấp phép NK ớt của Việt Nam do phát hiện nhiều lô ớt từ Việt Nam XK sang thị trường Malaysia bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép. Tháng 4/2021, Malaysia gỡ lệnh cấm NK ớt từ Việt Nam nhưng kèm theo đó là những điều kiện khắt khe nếu DN Việt Nam muốn XK trở lại mặt hàng ớt vào Malaysia. Theo đó, sản phẩm ớt XK vào Malaysia phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác nhận các khu canh tác ớt riêng và phải đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng.
Đến nay, mặc dù đã hơn 1 năm Malaysia gỡ bỏ lệnh cấm nhưng các DN vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào trong việc XK ớt chính ngạch sang thị trường Malaysia. Một DN ở Bình Dương (chuyên XK ớt, khoai lang) cho biết, khi thị trường Malaysia đóng cửa toàn bộ mặt hàng ớt của Việt Nam XK sang thị trường này vì phát hiện có dư lượng thuốc BVTV, khi đó các DN Việt Nam muốn XK sang Malaysia thì buộc trên bao bì sản phẩm không có tiếng Việt. Vì vậy, các DN phải xuất tiểu ngạch thông qua Lào, Campuchia, Thái Lan để vào Malaysia. Toàn bộ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhưng phải mang mác của Malaysia, của Thái Lan... thì mới xuất qua được.
Dù XK chính ngạch, nhưng với rào cản như vậy, buộc phải XK sang nước thứ 3 và DN Việt cũng không được dùng thương hiệu của mình mà phải sử dụng thương hiệu của các DN nước thứ 3 mới XK được. Đây là điều khó khăn cho DN XK. Nếu không có sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành thì nhiều khả năng công ty sẽ mất hoàn toàn thị trường Malaysia.
Ông Đinh Viết Tú – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển nông sản vùng I - Bộ NN&PTNT cho biết: “DN nói lý do chính không XK ớt sang thị trường Malaysia được là do không đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc BVTV. Nếu họ lấy lý do đó thì chúng ta phải chịu thôi và chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN liên quan vấn đề này”.
Với thị trường Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2022 cũng có những thay đổi rất lớn trong quy định về XK nông sản để bảo vệ NTD của nước họ. Cụ thể, đó là Lệnh 248, 249 quy định các DN có nhu cầu XK thực phẩm sang Trung Quốc cần sớm đăng ký với phía Trung Quốc và các DN XK phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã XK sang Trung Quốc.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới liên quan thuốc BVTV. So với tiêu chuẩn cũ thì tiêu chuẩn mới có số lượng loại thuốc BVTV tăng 81 loại (tăng 16,7%), giới hạn dư lượng thuốc BVTV tăng 2.985 loại (tăng 42%), và để tăng cường giám sát các sản phẩm nông sản NK, tiêu chuẩn này cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc BVTV chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc.
Những yêu cầu này đang dần tiệm cận với những nước phát triển, duy trì và kiểm soát COVID-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống. Ðối với các sản phẩm trồng trọt, Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh quản lý sản phẩm NK theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Bà Bùi Hoàng Yến – Tổ phó Tổ công tác Miền Nam - Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương cho rằng: “Không riêng thị trường Malaysia, Trung Quốc, mà nhiều thị trường XK khác, đặc biệt là các thị trường “khó tính”, họ kiểm tra rất kỹ về vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV, và đây là xu hướng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là DN phải cập nhật những quy định, thay đổi của những thị trường mà DN muốn nhắm tới”.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng lưu ý DN khi XK vào các thị trường cao cấp. Cụ thể, với thị trường Nhật Bản, khi NK nông sản họ không chỉ xem kết quả xét nghiệm tồn dư thuốc BVTV hoặc dư lượng kháng sinh mà còn muốn biết việc trồng trọt, nuôi trồng theo kỹ thuật nào, bón phân gì, xử lý sâu bệnh ra sao...? Mặt khác, các DN lần đầu làm ăn với đối tác Nhật phải kiên trì, trả lời hàng ngàn câu hỏi bằng tiếng Anh hoặc gửi mẫu 10-20 lần để họ đánh giá (phải mất 2-3 năm để trả lời câu hỏi). Một khi đã hợp tác được thì việc làm ăn sau này sẽ dễ dàng.
Với thị trường EU, hàng nông sản XK sang thị trường này phải chú trọng tiêu chuẩn chất lượng, ATVSTP, truy xuất nguồn gốc phải đưa vào từng khâu trong quá trình sản xuất; Thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tem nhãn, điều kiện lao động, tiền lương, an toàn cháy nổ... khi DNXK đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế này cũng giúp DN có thể tiếp cận nhanh chóng các thị trường “khó tính” khác...
Bà Bùi Hoàng Yến cũng nhìn nhận, khó khăn nhất của DNXK vẫn là nguyên liệu, vì vậy DN cần chủ động cải tạo vùng nguyên liệu, giảm lượng thuốc trừ sâu, đồng thời tăng cường xét nghiệm, khâu xét nghiệm của chúng ta phải tiệm cận với khâu xét nghiệm của nước ngoài. Bởi có nhiều trường hợp DN Việt Nam khi xét nghiệm tại Việt Nam đảm bảo được quy định của thị trường EU, nhưng khi lọt qua máy scan của EU thì bị phát hiện dư lượng thuốc BVTV. Chính vì vậy, máy móc thiết bị của DN Việt Nam phải làm sao để ra được kết quả ổn định khi XK, vùng nguyên liệu phải đáp ứng được từ gốc để có được sản phẩm an toàn.
Ông Đinh Viết Tú cũng nêu giải pháp để DN giữ được thị trường XK: Trước khi XK sản phẩm nào hay có một kế hoạch chiến lược để XK thì DN nên nghiên cứu và xác định tham gia chuỗi giá trị ngay từ khâu phát triển sản phẩm để định hướng tổ chức sản phẩm và bảo quản chế biến. DN phải hướng người nông dân sản xuất theo yêu cầu, quy định của DN để DN chủ động được nguồn nguyên liệu. Cần có sự liên doanh liên kết trong sản xuất để mục đích cuối cùng là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
“Cũng cần nhìn nhận thị hiếu và thị trường hiện nay yêu cầu càng cao về chất lượng sản phẩm. Vì vậy trong khâu tổ chức sản xuất chế biến, DN phải duy trì và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc để phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cũng như các nhà NK”, ông Tú nói.