Những quyền lợi người bị tai nạn lao động được hưởng

Tai nạn lao động (TNLĐ) là điều không mong muốn xảy ra trong quá trình làm việc đối với người lao động (NLĐ) lẫn người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn cho người lao động quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh: CTV

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) tư vấn cho người lao động quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh: CTV

Dù vậy, pháp luật cũng căn cứ vào lỗi của các bên để quy định trách nhiệm bồi thường tương xứng.

* Cơ sở để xác định TNLĐ

Mặc dù phần đông NLĐ đều được NSDLĐ, tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, không phải NLĐ nào cũng nắm bắt hết các quy định pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có sự cố TNLĐ xảy ra tại nơi làm việc và trên đường đi làm về, nhất là NLĐ học vấn thấp, lao động phổ thông.

Ông L.V.Q. (ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) cho biết, trên đường đi làm về, ông bị một thanh niên say xỉn (không rõ danh tính) điều khiển xe máy tông ngã gãy tay rồi chạy mất. Thấy vậy, người dân báo công an đến lập biên bản vụ việc và đưa ông đi cấp cứu. Ông L.V.Q. thắc mắc, không biết trường hợp của ông có được xem là TNLĐ và hưởng chế độ TNLĐ theo quy định hay không?

Hay như trường hợp của ông H.V.Y. (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), trong quá trình làm việc, do đùa giỡn với người làm việc chung dẫn tới bị máy cưa cắt vào bàn tay trái phải khâu 10 mũi. Ông H.V.Y. không biết ông có được hưởng chế độ TNLĐ không, ông không dám thắc mắc với công ty vì sợ bị đuổi việc.

Luật gia PHẠM ĐÌNH ĐỨC (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, đối tượng mà luật bắt buộc NSDLĐ phải đóng bảo hiểm TNLĐ gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho NLĐ, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Chính vì vậy, với trường hợp của ông L.V.Q. nếu thỏa mãn Khoản 2, Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2014 thì ông sẽ được công nhận bị TNLĐ. Bởi vì, điều luật quy định trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ trợ cấp cho NLĐ theo quy định.

Riêng trường hợp của ông H.V.Y. tất nhiên được xem là TNLĐ. Bởi vì phù hợp với quy định tại Khoản 5, Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2014 (tai nạn do lỗi của NLĐ) và không rơi vào trường hợp mà Điều 40 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2014 quy định như: do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật. Do đó, việc ông có ý kiến yêu cầu NSDLĐ trợ cấp TNLĐ là chính đáng, không có gì phải e ngại hay sợ bị đuổi việc.

* NLĐ được hưởng những chi phí gì?

Cũng theo luật gia Nguyễn Thanh Tấn, tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2014 quy định trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ bị TNLĐ như sau: kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ bị TNLĐ và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho NLĐ bị TNLĐ. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ. Trả đủ tiền lương cho NLĐ bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Đồng thời, bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra. Giới thiệu để NLĐ bị TNLĐ được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với NLĐ bị TNLĐ, sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc. Lập hồ sơ hưởng chế độ về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định…

Trong trường hợp NLĐ không được NSDLĐ đóng bảo hiểm tai nạn mà bị TNLĐ thì theo Khoản 4, Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2014, ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2014, NSDLĐ phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm TNLĐ theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2014 khi NLĐ bị TNLĐ. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hàng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của NLĐ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202305/nhung-quyen-loi-nguoi-bi-tai-nan-lao-dong-duoc-huong-3166620/