Những quyết định sáng suốt làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là mốc son chói lọi ghi dấu ấn đậm nét quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị tướng lĩnh cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, nổi bật là Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh...
Mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của bậc tiền nhân, các thế hệ người Việt Nam hôm nay nguyện cùng nhau xây dựng đất nước hòa bình, giàu mạnh và thịnh vượng...

Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương Đảng họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ảnh: TTXVN
1. Trong những ngày tháng Tư lịch sử của năm 1975, khi lực lượng cách mạng áp đảo, địch đứng trước nguy cơ sụp đổ, Mỹ hoàn toàn bất lực, trong thư gửi anh Bảy Cường (đồng chí Phạm Hùng), anh Sáu (đồng chí Lê Đức Thọ), anh Tuấn (đồng chí Văn Tiến Dũng) ngày 1-4-1975, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã viết: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp”.
Không chỉ sáng suốt nhìn xa trông rộng, nhạy bén chính trị trong lãnh đạo và chỉ đạo, mà ở những tình huống phức tạp, đồng chí Lê Duẩn thể hiện bản lĩnh quyết đoán của người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn và căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh một mặt thường xuyên báo cáo tình hình và nhận sự chỉ đạo của bộ chỉ huy tối cao; mặt khác chủ động, kiên quyết tranh thủ thời cơ, nhạy bén, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ chiến đấu và tổ chức lực lượng thích hợp trên từng mục tiêu then chốt.
Trong lúc các đơn vị gấp rút triển khai kế hoạch hành quân, ngày 7-4-1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh ra Mệnh lệnh (Điện số 157/TK) cho các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện thảo bằng tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã trở thành văn kiện lịch sử, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ ngày đêm xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Ngày 13-4-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng - Tư lệnh Chiến dịch có điện (số 51/TK) báo cáo Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đề nghị đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị gửi đến Mặt trận bức điện (số 37/TK) vào hồi 19h: “Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Quyết định của Bộ Chính trị đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào Chiến dịch được vinh dự mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến trên cơ sở phương án đã được Trung ương Cục thông qua. Ngày 22-4-1975, lần cuối cùng, kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và phê duyệt.
Đến 17h ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mở màn. Năm mục tiêu quan trọng được Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, dinh Tổng thống ngụy quyền, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.
2. Một ngày trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, phát hiện ý đồ sâu xa của một số thế lực nước ngoài thỏa hiệp với nhau tìm cách thương lượng với ta dưới ngọn cờ hòa giải, hòa hợp nhằm ngăn chặn ta giành thắng lợi hoàn toàn, ngày 29-4-1975, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn trực tiếp điện cho các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà và Lê Trọng Tấn, với nội dung: “Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị: Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”.
Ở tiền tuyến, trên cương vị Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ huy các lực lượng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định ở 5 hướng, Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn theo dõi nắm chắc diễn biến chiến dịch, kiên quyết chỉ đạo thực hiện phương châm thần tốc, táo bạo, chớp thời cơ đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30-4-1975.
Trước sức mạnh tấn công như vũ bão của Quân đội ta, đúng 11h30 ngày 30-4-1975, lá Cờ giải phóng đã tung bay trên dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông thu về một mối. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng “… mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
3. Trong khi đó, trong khoảng nửa tháng (từ ngày 14 đến 29-4-1975), phối hợp với Chiến dịch Hồ Chí Minh trên đất liền, Đoàn C75 thực hiện chiến dịch giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa cùng với việc giải phóng toàn bộ các đảo, quần đảo miền duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đây được coi như “cánh quân thứ 6”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hòa vào chiến công chung của quân và dân cả nước, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 28-4-1975, Quân ủy Trung ương điện trực tiếp cho các tàu trên các đảo: Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, bởi việc giải phóng và làm chủ biển đảo Việt Nam, trong đó có quần đảo Trường Sa đã kịp thời ngăn chặn các thế lực nước ngoài đang nhòm ngó và tranh chiếm biển đảo của Việt Nam ngay từ năm 1975.
Đặc biệt, vào trưa 30-4-1975, ngay sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng. Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc”.

Người dân Việt Nam chung sức đồng lòng hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, thịnh vượng. Ảnh: TTXVN
Chiến thắng ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã một lần nữa chứng minh chân lý bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Trong diễn văn tại buổi lễ mừng chiến thắng (ngày 15-5-1975) tại Thủ đô Hà Nội, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: “Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trang sử mới vô cùng rực rỡ của Tổ quốc ta bắt đầu. Một nhiệm vụ mới vô cùng vĩ đại và làm phấn chấn lòng người đang chờ đón 45 triệu đồng bào ta là thực hiện đầy đủ Di chúc của Bác Hồ vĩ đại: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Chúng ta hãy bắt tay vào công cuộc xây dựng và lao động sáng tạo làm cho nước Việt Nam ta tiến bộ, phồn vinh, nhân dân ta ấm no, hạnh phúc”.