Những rủi ro cháy nổ tiềm ẩn từ thiết bị điện quá cũ

Về nguyên tắc, thiết bị điện tử càng cũ thì càng tốn điện, rủi ro cháy nổ càng cao. Đó là chưa kể các chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế linh kiện cũ... cũng tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí mua mới thiết bị.

Hiểm họa từ đồ điện tử cũ

Khoảng 18h52 ngày 17/8, Công an quận Tây Hồ nhận được tin báo xảy cháy nhà dân tại số 12, ngách 132 Âu Cơ, phường Tứ Liên đã xuất 2 xe chữa cháy đến hiện trường. Đám chảy xảy ra tại tầng 1 ngôi nhà 4 tầng. Lực lượng Phòng cháy chữa cháy đã triển khai phương tiện tiến hành cứu chữa, chỉ trong thời gian ngắn đám cháy đã được dập tắt, không thiệt hại về người. Nguyên nhân đám cháy do người dân sử dụng tủ lạnh cũ, dẫn đến chập điện gây cháy.

Hiện trường vụ cháy ở Tây Hồ do sử dụng tủ lạnh quá cũ.

Hiện trường vụ cháy ở Tây Hồ do sử dụng tủ lạnh quá cũ.

Rủi ro từ đồ điện tử cũ luôn khá cao. Trên mạng xã hội, trang mua sắm trực tuyến hay chỉ cần gõ cụm từ "hàng Nhật bãi", người tiêu dùng đều có thể bắt gặp hàng loạt gian hàng về đồ điện tử "bãi" của Nhật, Hàn Quốc… như điều hòa, máy giặt, nồi cơm điện, tủ lạnh, quạt, lò vi sóng, lò nướng, máy hút ẩm, máy lọc không khí... với giá rẻ hơn so với hàng nhập mới mà có tính năng tương đương. Đơn cử như, một chiếc nồi cơm cũ có giá trung bình khoảng 5 triệu - 4,5 triệu đồng; tủ lạnh từ 10 triệu đồng trở lên; máy lọc không khí từ 1,8 triệu - 6 triệu đồng; máy hút ẩm từ 2,5 triệu - 5 triệu đồng… tùy vào đời máy.

Theo chủ một cửa hàng đồ "bãi" trên phố Huế (Hà Nội), hàng Nhật chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Đa số hàng đều còn mới, thậm chí có đồ mới sử dụng được từ 2 - 3 năm, chất lượng còn khá tốt. Tuy nhiên, đồ "bãi" là hàng cũ, đã qua sử dụng nên vẫn có xác suất rủi ro như hư hỏng linh kiện, lắp ráp hoặc do quá trình sử dụng.

Ngoài tủ lạnh, một trong những thiết bị cũ được nhiều người ưa chuộng là máy điều hòa "Nhật bãi". GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh cho biết, trước đây hàng hóa điện tử khan hiếm, sở hữu một món đồ từ Nhật Bản là mơ ước của nhiều gia đình vì nó bền. Nhưng giờ, thị trường điện máy phát triển, các loại điều hòa tiết kiệm điện với nhiều mức độ "sao" khác nhau trên nhãn thì người tiêu dùng có thể lựa chọn thoải mái.

Chuyên gia cho biết, việc xác định chất lượng của máy điều hòa cũ là cực kỳ khó khăn, người tiêu dùng bình thường không làm được mà phải cho vào các phòng thí nghiệm với chi phí khoảng 20 triệu đồng mới có thể biết chiếc điều hòa ấy có tốt hay không. Hơn nữa về nguyên tắc, máy càng cũ thì càng tốn điện, rủi ro cháy nổ càng cao nên mua máy cũ là không nên.

TS Bùi Hùng Thắng, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, việc phòng chống nguy cơ cháy nổ do hệ thống điện là rất quan trọng, đặc biệt trong mùa hè khi nhiệt độ cao và việc tiêu thụ điện năng tăng mạnh. Những thiết bị điện, đồ dùng điện quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế (đặc biệt là máy điều hòa nhiệt độ). Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện (bàn là, siêu điện, bếp điện,...).

Nguyên tắc đảm bảo an toàn điện trong gia đình

Theo TS Bùi Hùng Thắng, để đảm bảo an toàn điện trong gia đình, đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị gỉ, nếu bị gỉ nơi gỉ sẽ phát nhiệt lớn. Những nơi vỏ cách điện bị dập, nhựa cách điện bị biến màu là những nơi dễ phát lửa khi dòng điện bị quá tải, cần được thay dây mới. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị điện.

Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt,... cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết. Tuyệt đối không sạc pin điện thoại, đồ dùng điện qua đêm, trong thời gian dài mà không có người kiểm soát.

Cần định kỳ tiến hành rà soát và kiểm tra lại toàn bộ đường dây điện để đảm bảo không gặp các vấn đề như dây điện bị hở, dây bị chuột gặm, dây bị xuống cấp theo thời gian, các mối nối dây điện bị lỏng hoặc băng dính điện bị xuống cấp gây hở điện,…

"Cần kiểm tra sự phù hợp của dây điện với công suất của các thiết bị tiêu thụ điện. Việc sử dụng dây điện nhỏ, công suất thấp để cấp điện cho thiết bị công suất cao (hoặc nhiều thiết bị nhỏ có tổng công suất vượt quá định mức) có thể gây quá tải và chập cháy điện. Nên sử dụng aptomat cho hệ thống điện, và thậm chí sử dụng đến cả các ổ điện, phích cắm có tích hợp aptomat. Đặc biệt, nên chọn loại có chức năng chống giật để hạn chế tối đa nguy cơ sự cố điện giật hoặc chập cháy do quá tải, chập điện", TS. Bùi Hùng Thắng khuyến cáo.

Đối với hệ thống xe điện, tiêu chuẩn kỹ thuật của ắc-quy lithium cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo chất lượng theo quy định của nhà sản xuất. Quá trình sạc cần tuân thủ đúng quy trình và quy định của nhà sản xuất.

Chú ý sạc xe điện ở nơi thông thoáng, không có các vật dụng và đồ dễ cháy nổ xung quanh để tránh nguy cơ cháy lan nếu chẳng may xảy ra sự cố. Tốt nhất nên sạc vào thời gian phù hợp để có thể giám sát quá trình sạc và tuyệt đối không nên sạc xe qua đêm sau khi đã đi ngủ.

Các địa điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho... là nơi có nhiều vật dụng, đồ dùng, hàng hóa, vật tư dễ cháy nổ. Vì vậy TS. Bùi Hùng Thắng khuyến cáo người dân cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng các nguy cơ cháy nổ liên quan đến hệ thống điện như đã đề cập ở trên. Đồng thời, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn tại các địa điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho có nhiều vật dụng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nổ. Các thiết bị điện sử dụng tại những nơi này nên được chọn loại có chức năng phòng chống cháy nổ để đảm bảo sự an toàn.

"Trước khi đóng cửa hàng, nhà kho, hoặc địa điểm kinh doanh vào buổi tối, tốt nhất nên ngắt nguồn và rút phích cắm tất cả các thiết bị điện, đặc biệt thiết bị có công suất lớn (ngoại trừ các thiết bị quan trọng như camera an ninh, báo cháy,…). Điều này nhằm đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sự cố chập cháy từ các thiết bị điện vào ban đêm khi không có người.

Tuyệt đối không để lại hoặc sạc qua đêm các thiết bị sử dụng pin và ắc-quy lithium tại cửa hàng, nhà kho, hoặc địa điểm kinh doanh chứa nhiều vật dụng, đồ dùng và hàng hóa dễ cháy, nổ vào ban đêm sau khi đã đi ngủ.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-rui-ro-chay-no-tiem-an-tu-thiet-bi-dien-qua-cu-169240820112209317.htm