Những rủi ro có thể xảy ra khi nạo VA và đặt ống thông khí

Khi bác sĩ chỉ định bệnh nhi nạo VA hoặc đặt ống thông khí để trị viêm tai giữa, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết có nên làm hay không?

Một số cha mẹ, ông bà có hỏi bác sĩ: con/ cháu tôi được bác sĩ chỉ định nạo VA và đặt ống thông khí (để chữa viêm tai giữa), vậy có nên làm hay không?

Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào chính bác sĩ thăm khám cho con/ cháu bạn vì vậy đừng ngại ngần, hãy hỏi họ, vì chỉ những người trực tiếp thăm khám và theo dõi mới đưa ra được quyết định đúng đắn nhất.

Nạo VA là gì?

Đây là kỹ thuật lấy bỏ tổ chức VA ở vùng vòm mũi họng cho những chỉ định cụ thể:

- Được chẩn đoán đúng là viêm VA tái phát 7 lần/năm hoặc 5 lần/2 năm liên tiếp.

- Viêm VA là nguyên nhân chính gây viêm tai giữa tái phát (viêm VA cùng đợt viêm tai giữa hoặc VA quá phát chèn ép vòi tai (ống thông giữa vòm mũi họng và tai giữa).

Nạo VA có hiệu quả khi trẻ được khẳng định chính xác các viêm nhiễm vùng Tai – Mũi – Họng là do viêm VA.

Các rủi ro có thể gặp phải khi nạo VA

Khi nạo VA có thể có các rủi ro như: Chảy máu sau nạo, tổn thương khẩu cái mềm, xơ dính vùng loa vòi gây giảm chức năng vòi tai, viêm cơ cạnh sống (do tổn thương niêm mạc và lớp dưới niêm mạc và cơ trước sống). Có trưởng hợp sẹo hẹp họng mũi xảy ra khi phần dưới VA bị lấy bỏ kèm theo tổn thương trụ sau amidan.

Trong trường hợp này bác sĩ điều trị phụ thuộc vào vị trí và mức độ sẹo hẹp, bao gồm tiêm chống sẹo để giảm xơ dính và phẫu thuật. Nạo VA cũng có thể dẫn đến hội chứng doãng rộng vòm do teo niêm mạc vùng vòm sau nạo, khiến bệnh nhân đau mũi và đau đầu khi hít vào.

Đặt ống thông khí

Đây là thủ thuật đặt 1 ống thông (có thể là kim loại hoặc nhựa, hoặc silicon) nhằm mục đích cân bằng áp lực giữa tai giữa và môi trường bên ngoài, từ đó làm hết dịch trong tai giữa, giúp quá trình viêm của tai giữa hồi phục.

Đặt ống thông khí là biện pháp do bác sĩ điều trị quyết định dựa trên các cân nhắc:

- Viêm tai giữa được điều trị nội khoa đúng phác đồ mà không đáp ứng (bệnh không thuyên giảm) từ trên 12 tuần.

- Viêm tai giữa tái phát ít nhất 3 lần trong 12 tháng

- Viêm tai giữa gây biến chứng viêm màng não, áp xe não, liệt mặt…

- Xẹp nhĩ do rối loạn chức năng thông khí của vòi nhĩ.

Phương pháp đặt ống thông khí cũng có những rủi ro nhất định

Thứ nhất, trong khi gây mê, bệnh nhân có thể dị ứng thuốc gây mê, gây tê. Do vậy, bác sĩ sẽ thực hiện đầy đủ các bài kiểm tra, test, đánh giá thăm khám trước phẫu thuật và sẵn sàng phương án cấp cứu trong trường hợp dị ứng, sốc phản vệ thuốc mê.

Những rủi ro xảy ra sau khi đặt ống là:

- Chảy dịch tai và nhiễm trùng: trong trường hợp này cần khám và sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, thường là thuốc kháng nấm, thuốc kháng sinh nhỏ tai phù hợp với màng nhĩ thủng, kháng sinh toàn thân tùy trường hợp… Phải làm thuốc tai tại các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Nếu chảy dịch tai kéo dài trên 10 ngày, cần làm thủ thuật hút dịch và cấy dịch mủ tai làm kháng sinh đồ.

- Xơ nhĩ, co kéo màng nhĩ: Bác sĩ sẽ phẫu thuật tăng cường màng nhĩ: phần co kéo được loại bỏ và đặt mảnh vá vào phần thiếu hụt của màng nhĩ.

- Lỗ thủng màng nhĩ không liền: sẽ vá nhĩ bằng các vật liệu nhân tạo hoặc vật liệu tự thân phù hợp, đảm bảo tuân thủ đúng điều kiện vá nhĩ, thường sau 10 tuổi mới thực hiện.

- Cholesteatoma mắc phải: Phải thường xuyên theo dõi tình trạng ống thông khí và màng nhĩ trong thời gian đặt ống và sau khi rút ống để sớm phát hiện Cholesteatoma – thực hiện phẫu thuật loại bỏ Cholesteatoma và chỉnh hình màng nhĩ (nếu cần).

- Tắc ống thông khí: Bác sĩ sẽ sử dụng ống hút, kim nhỏ hoặc nhỏ thuốc tai trong vòng 02 tuần trong trường hợp tai giữa không có dịch, ít dịch. Nếu trường hợp tai giữa nhiều dịch mủ và có tình trạng nhiễm trùng bác sĩ sẽ xem xét thay thế ống thông khí.

- Tụt ống thông khí ra ngoài: Bác sĩ sẽ xem xét chỉ định và đặt lại ống thông khí

- Tụt ống thống khí vào trong tai giữa: Phải phẫu thuật lấy ống thông khí.

- Hình thành mô hạt viêm hay polyp quanh ống thông khí: Trong trường hợp này, bác sĩ sử dụng kháng sinh – chống viêm nhỏ tại chỗ và toàn thân. Nếu tình trạng nặng lên sau 02 tuần có thể xem xét tháo bỏ hay đặt lại ống thông khí.

Nạo VA và đặt ống thông khí có nên làm cùng một thời điểm không?

Câu trả lời cũng phụ thuộc vào bác sĩ điều trị trực tiếp. Thông thường, người ta có thể nạo VA trước và theo dõi trong khoảng 6 tháng, nếu tình trạng viêm tai giữa vẫn không cải thiện lúc đó sẽ cân nhắc thêm thủ thuật đặt ống thông khí./.

PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào BV ĐH Y Hà Nội

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-rui-ro-co-the-xay-ra-khi-nao-va-va-dat-ong-thong-khi-827381.vov