Những rủi ro trong chuyển động của mối quan hệ Mỹ-Triều
Việc Mỹ chỉ tập trung vào việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể khiến một chu kỳ khiêu khích mới lại bắt đầu, và đặc biệt hai bên không những khẩu chiến mà còn chiến tranh thực sự.
Ngoại giao Mỹ-Triều có thể mang lại hiệu quả nếu Bình Nhưỡng chấp nhận lời đề nghị gần đây nhất của phía Mỹ, và quan trọng là Washington nên thực tế hơn trong các yêu cầu của mình.
Đây là nhận định được tác giả Bonnie Kristian đưa ra trong bài viết được trang mạng The Diplomat đăng tải mới đây.
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn nội dung bài viết nhấn mạnh đã đến lúc nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 16/12, đặc phái viên của Mỹ phụ trách các vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun nói rằng “đây là khoảng thời gian để chúng ta thực hiện công việc của mình.”
Theo ông, “nên tạo dựng hòa bình” trong dịp lễ Giáng sinh này. Ông cũng nhắn nhủ các đối tác Triều Tiên rằng “hãy để chúng tôi thực hiện điều này. Chúng tôi đang ở đây và các bạn biết làm thế nào để tiếp cận chúng tôi.”
Những phát biểu trên có thể đưa thế giới tới gần hòa bình hơn nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đàm phán để đạt được những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, phát biểu tại Liên hợp quốc trong tháng 12 này, Đại sứ Triều Tiên đã nói rằng trong tương lai gần, phi hạt nhân hóa khó có thể đạt được.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết trước đó, nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un từng nói rằng vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để đảm bảo an ninh nhằm chống lại sự can thiệp của quân đội nước ngoài.
Do đó, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược (CVID) mà Washington yêu cầu không phải là một lựa chọn ngắn hạn - điều đó có nghĩa là các nhà ngoại giao Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu mục đích của họ là đạt được CVID trong một thời gian ngắn.
Việc Triều Tiên kiên quyết không chấp nhận CVID trong ngắn hạn đã khiến vòng đàm phán mới của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại ngay "từ trong trứng nước."
Tuy nhiên, bài viết nhấn mạnh rủi ro đối với hồ sơ Triều Tiên lúc này không phải là các cuộc đàm phán thất bại, mà là tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
Thay vì bước vào một giai đoạn ngoại giao mới thực chất vào năm 2020, tình hình lại quay trở về leo thang căng thẳng giống như năm 2017, khi các nhà ngoại giao Mỹ phớt lờ các mục tiêu ngoại giao hợp lý như yêu cầu "đóng băng" các cơ sở hạt nhân, đồng ý một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức hóa việc kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, cải thiện quan hệ liên Triều hoặc từng bước bình thường hóa môi trường chính trị trong và ngoài Triều Tiên.
Việc Mỹ chỉ tập trung vào CVID có thể khiến một chu kỳ khiêu khích mới lại bắt đầu, và đặc biệt hai bên không những khẩu chiến mà còn chiến tranh thực sự.
Bài viết kết luận về lâu dài, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có thể bao gồm CVID. Tuy nhiên trong ngắn hạn, điều này sẽ khó có thể xảy ra. Tổng thống Trump và giới chức ngoại giao Mỹ phải chấp nhận điều đó và kiềm chế những kỳ vọng lớn đối với Triều Tiên, từ đó có những đàm phán phù hợp.
Sau kỳ lễ Giáng sinh 2019, một khởi đầu mới cho Mỹ và Triều Tiên thực sự sẽ bắt đầu./.