Những rủi ro và thách thức trên đường cải thiện quan hệ Moskva - Washington

Theo Tiến sĩ Andrey Kortunov, thời điểm này có thể là cơ hội vàng cho Nga trong việc chuyển từ chiến lược 'chờ đợi và quan sát' sang một cách tiếp cận chủ động hơn, nhằm tận dụng phong cách đàm phán dựa trên giao dịch của Tổng thống Trump và mở ra khả năng cải thiện quan hệ với Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ảnh: AA/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. Ảnh: AA/TTXVN

Tiến trình ngoại giao xung quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang có những bước tiến thận trọng nhưng đáng chú ý. Nhận định với đài RT (Nga) ngày 1/4, Tiến sĩ Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, cho rằng các thỏa thuận gần đây đạt được tại Riyadh (Saudi Arabia) có thể chưa tạo nên bước đột phá, nhưng đây là thành tựu ngoại giao quan trọng nhất kể từ thỏa thuận ngũ cốc vào mùa hè năm 2022.

Tiến triển thận trọng và những thách thức

Tiến sỹ Kortunov lưu ý, mặc dù đã có những bước tiến, các thỏa thuận mới vẫn thiếu sự đảm bảo chắc chắn. Nga, Mỹ và Ukraine tiếp tục có sự khác biệt cả về hình thức lẫn nội dung trong các tuyên bố của mình. Nhiều nhà phân tích cho rằng Moskva không có lý do gì để vội vàng trong bối cảnh tình hình quân sự đang nghiêng về phía có lợi cho Nga, trong khi áp lực chính trị đối với giới lãnh đạo Ukraine ngày càng gia tăng.

Giả định chung là thời gian đang đứng về phía Nga, và một cuộc đối thoại chậm rãi, thận trọng - được hỗ trợ bởi đòn bẩy ưu thế ngày càng tăng trên chiến trường - có thể là con đường thông minh hơn để tiến tới đàm phán thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Kortunov cảnh báo rằng chiến lược "chờ đợi và quan sát" này không phải không có rủi ro.

Không giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp cận chính sách đối ngoại thông qua lăng kính của các giao dịch thương mại. Ông muốn một thỏa thuận nhanh chóng và hiệu quả. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Trump thậm chí còn ám chỉ rằng Nga có xu hướng trì hoãn, dẫn chứng các cuộc đàm phán trước đây chỉ mang lại kết quả hạn chế.

Nếu không có động thái rõ ràng nào hướng tới lệnh ngừng bắn, có nguy cơ thực sự là một Tổng thống Trump khó đoán có thể mất hứng thú hoàn toàn với quá trình này. Hậu quả của việc đó có thể rất đáng lo ngại cho Nga.

Cơ hội có thể tuột mất

Tiến sĩ Kortunov chỉ ra rằng nếu chính quyền Trump bắt đầu tin rằng Moskva đang chậm chạp trong tiến trình đàm phán, khả năng về một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ mờ nhạt dần. Hơn nữa, các sáng kiến song phương lớn hơn – chẳng hạn như nới lỏng lệnh trừng phạt hoặc dỡ bỏ phong tỏa tài sản Nga – có thể bị gác lại vô thời hạn.

Đây chính là kịch bản mà những người phản đối sự hòa hoãn giữa Washington và Moskva ở cả Mỹ và châu Âu đang mong đợi. Việc mất đi cơ hội này có thể đẩy quan hệ Nga - Mỹ trở lại thời kỳ đóng băng và khiến triển vọng giải quyết xung đột Ukraine trở nên xa vời hơn.

Việc thực hiện lệnh ngừng bắn cũng mang lại những phức tạp riêng. Nếu không thể tiến triển thành một giải pháp hòa bình rộng hơn, Nga có thể lại phải đối mặt với nguy cơ xung đột bùng phát trở lại. Tuy nhiên, ông Kortunov nhận định rằng những rủi ro này có thể đáng để chấp nhận.

Tiến sĩ Kortunov, chỉ ra cơ hội quan trọng: nếu Tổng thống Trump thành công trong việc làm trung gian cho lệnh ngừng bắn, điều đó sẽ khiến chính quyền của ông - và cá nhân Tổng thống Trump - phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng quá trình này không bị phá vỡ. Điều đó có thể tạo ra đòn bẩy cho Moskva, khi Washington sẽ phải tạo áp lực lớn đối với Kiev để thực hiện theo nhằm đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.

Mốc thời gian quan trọng

Theo một số nguồn tin, Washington đang hướng tới việc đạt được lệnh ngừng bắn vào dịp Lễ Phục sinh (20/4). Tuy nhiên, ông Kortunov cho rằng mục tiêu này có vẻ quá tham vọng. Ngay cả mục tiêu mang tính biểu tượng hơn là Ngày Chiến thắng (9/5) cũng có thể khó đạt được trong bối cảnh hiện tại.

Trước tình hình đó, ông Kortunov đề xuất một mốc thời gian thực tế hơn: Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg vào tháng 6 (dự kiến diễn ra từ ngày 18-21) tới. Với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao của Mỹ có khả năng tham dự - và có thể là các quan chức Mỹ như Đặc phái viên Steve Witkoff hoặc Ngoại trưởng Marco Rubio - Nga có thể tìm thấy sân khấu lý tưởng để thể hiện sự tiến triển trong quá trình đàm phán.

Thậm chí, nếu các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra suôn sẻ, không thể loại trừ khả năng Tổng thống Trump đích thân đến St. Petersburg - một bước đột phá tiềm năng trong quan hệ Nga - Mỹ và tiến trình giải quyết xung đột ở Ukraine.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-rui-ro-va-thach-thuc-tren-duong-cai-thien-quan-he-moskva-washington-20250402112518553.htm