Hàng loạt quốc gia lên tiếng sau quyết định áp thuế nhập khẩu 10% của ông Trump
Quyết định áp mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ không chỉ từ 2 nước láng giềng là Mexico và Canada mà còn từ các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả đối thủ Trung Quốc.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ ngay việc áp thuế
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và thêm một mức thuế cao hơn đối với hàng chục quốc gia khác, bao gồm nhiều đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Trung Quốc sẽ chịu tổng mức áp thuế cao lên tới 54% sau tuyên bố của ông Trump (Ảnh: Getty Images).
Mức thuế cơ bản 10% sẽ có hiệu lực vào ngày 5/4. Còn các mức thuế cao hơn áp dụng cho khoảng 60 quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4. Như vậy, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế 34%, cộng thêm 20% đã được áp trước đó, nâng tổng mức thuế mới lên 54%.
Bên cạnh đó, ông Trump còn ký một sắc lệnh chấm dứt việc cho phép các gói hàng có giá trị thấp dưới 800 USD từ Trung Quốc và Hong Kong được nhập khẩu miễn phí vào Mỹ theo nguyên tắc de minimis. Nhà Trắng thông báo sắc lệnh này sẽ có hiệu lực vào ngày 2/5.
Phía Mỹ cáo buộc những kẻ buôn lậu fentanyl thường vận chuyển các hóa chất này từ Trung Quốc qua Mỹ bằng cách lợi dụng nguyên tắc de minimis. Song phía Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận trách nhiệm.
Theo hãng tin CNN, một ngày sau tuyên bố của ông Trump, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ những sắc thuế mới nhất đồng thời khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ lợi ích hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh Chính phủ Mỹ đã phớt lờ các thỏa thuận cân bằng lợi ích đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại đa phương trong nhiều năm qua bằng động thái áp thuế cao của ông Trump.
Cũng theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ không có bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại và động thái của Mỹ rõ ràng là hành vi đơn phương chèn ép các quốc gia khác.
"Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng ngay các biện pháp áp thuế quan đơn phương đồng thời có biện pháp giải quyết bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ.
Phản ứng từ các nước đồng minh
Đáng chú ý, các đồng minh thân cận của Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định áp thuế quan của ông Trump. Cụ thể, Liên minh châu Âu chịu mức thuế 20% và Nhật Bản bị áp mức 24%.
Trong khi đó, Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đã phải đối mặt với mức thuế 25% đối với nhiều mặt hàng đã bị đánh thuế trước đó nên sẽ không bị áp thêm thuế từ tuyên bố ngày 2/4 của ông Trump.

Thủ tướng Canada Mark Carney cảnh báo sẽ có đòn đáp trả tương xứng với Mỹ (Ảnh: Reuters).
Phát biểu trong cuộc họp Nội các về cách đối phó với thuế quan của Mỹ, Thủ tướng Canada Mark Carney cảnh báo sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương ứng: "Chúng ta phải hành động một cách quyết liệt và có mục tiêu rõ ràng".
Về phần mình, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết sẽ công bố kế hoạch kinh tế toàn diện để đối phó với thuế quan của Mỹ, thay vì phản ứng "ăn miếng trả miếng".
Trong khi đó, quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo trong cuộc họp khẩn cấp ngày 3/4 đã ra lệnh cho Chính phủ tận dụng mọi khả năng để vượt qua khủng hoảng thương mại. Ông Han Duck-soo đã mô tả tình hình hiện nay là vô cùng nghiêm trọng.
Quyền Tổng thống Han Duck-soo đồng thời chỉ đạo Bộ Thương mại Hàn Quốc phân tích chi tiết tác động mức thuế quan mà Mỹ mới công bố, chủ động đàm phán với Mỹ để giảm thiểu thiệt hại về thương mại.
Cùng ngày, phát biểu trong một cuộc họp báo chung ở Melbourne với Ngoại trưởng Penny Wong và Bộ trưởng Thương mại Don Farrell, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã chỉ trích mạnh mẽ mức thuế 10% mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu của Australia.
"Các mức thuế của Mỹ không khiến tôi bất ngờ, song tôi muốn nói rõ: Các sắc thuế này hoàn toàn không có cơ sở. Ông Trump đã đề cập đến việc áp thuế dựa trên nguyên tắc "có đi có lại". Nếu vậy, mức thuế đó phải là 0%, không phải 10%. Đây không phải là hành động của một người bạn", ông Albanese nêu rõ.
Song, ông Albanese khẳng định Australia sẽ không áp đặt thuế trả đũa đối với Mỹ bởi cuối cùng chính người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả.
"Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của Australia và tiếp tục đấu tranh để các mức thuế bất công này được dỡ bỏ", ông Albanese nói thêm đồng thời công bố gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 50 triệu AUD (tương đương 31 triệu USD) cho các ngành bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters đã gây bất ngờ khi gọi việc Mỹ áp thuế 10% lên hàng xuất khẩu của New Zealand là một "lý do để ăn mừng," vì nước này còn may mắn hơn nhiều quốc gia khác.
"Tôi rất vui mừng với kết quả này. Nhiều nhà xuất khẩu của chúng ta sẽ có lợi thế hơn 15% so với đối thủ cạnh tranh tại Mỹ và chúng ta sẽ sớm xoay chuyển tình thế nếu tận dụng tốt", ông Peters phát biểu trên đài RNZ.