Những sai phạm tại Hải Dương trong vụ Việt Á 'thổi giá' kit test
Trong số 38 bị can bị truy tố trong vụ Công ty Việt Á 'thổi giá' kit test xét nghiệm Covd-19, tại Hải Dương, cựu Bí thư tỉnh và 4 bị can liên quan bị xem xét trách nhiệm về 3 tội danh.
Cụ thể, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương Phạm Duy Tuyến bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”; cựu Bí thư tỉnh Phạm Xuân Thăng, cựu Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và cựu Kế toán CDC Nguyễn Mạnh Cường, cựu Giám đốc Trung tâm tài chính (Sở Tài chính) Nguyễn Thị Trang cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng truy tố, năm 2020, khi xảy ra các đợt dịch Covid-19, tỉnh Hải Dương đã mua và sử dụng 3 loại test xét nghiệm, trong đó có test xét nghiệm của hãng Thermofisher Mỹ, đơn giá 185.000/test. Ngày 27-1-2020, UBND tỉnh Hải Dương cô bố dịch đợt 3.
Để được tiêu thụ test xét nghiệm tại Hải Dương, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á) nhờ cựu Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) tác động và được cựu Bí thư tỉnh Phạm Xuân Thăng đồng ý.
Cựu Bí thư tỉnh Hải Dương sau đó chủ trì các cuộc họp về công tác phòng chống dịch tại địa phương và ra các văn bản kết luận chỉ đạo cho Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong nhiều văn bản, kế hoạch của Hải Dương có nội dung: “Giao CDC ký hợp đồng với Công ty Việt Á trong việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19”.
Từ nội dung chỉ đạo nêu trên, Phạm Duy Tuyến đã thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt và chỉ đạo Bùi Đình Long (Trưởng khoa Dược vật tư y tế) làm việc với Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) để CDC Hải Dương nhận test xét nghiệm cùng các vật tư, sinh phẩm y tế khác của Công ty Việt Á sử dụng trước.
Sau đó, Tuyến chỉ đạo Nguyễn Văn Cường phối hợp Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính thuộc Sở Tài chính và Vũ Đình Hiệp, Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á) để hợp thức hồ sơ bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Cáo trạng xác định, Phạm Duy Tuyến đại diện CDC Hải Dương ký 4 hợp đồng với Công ty Việt Á về việc cung cấp test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác. CDC Hải Dương đã thanh toán hơn 147 tỷ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước và gây thiệt hại gần 74 tỷ đồng.
Trước khi CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, thanh toán tiền cho Việt Á, Phạm Duy Tuyến và Phan Quốc Việt đã thỏa thuận, thống nhất với nhau chi từ 20 đến 25% giá trị hợp đồng. Và từ ngày 19-5-2021 đến ngày 19-11-2021, Phạm Duy Tuyến đã 3 lần nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng từ Công ty Việt Á.
Nhận số tiền đặc biệt lớn từ Việt Á, Tuyến sau đó chi cho nhiều người, gồm: cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD; Phạm Mạnh Cường 7 tỷ đồng; Nguyễn Mạnh Cường 300 triệu và chia cho một số người tại CDC Hải Dương hơn 1,8 tỷ đồng. Số tiền còn lại hơn 16 tỷ đồng, Phạm Duy Tuyến sử dụng cá nhân.
Về những sai phạm tại Hải Dương ở vụ án này, ngoài cựu Bí thư tỉnh Phạm Xuân Thăng và 4 bị can liên quan lần lượt bị truy tố về các tội danh nêu trên, một số lãnh đạo tỉnh cũng bị xác định là ký các văn bản liên quan đến việc Công ty Việt Á “thổi giá” kit test.
Theo đó, cáo trạng xác định, ông Nguyễn Dương Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương) cũng ký nhiều văn bản, kế hoạch, quyết định cho Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm tại địa phương và văn bản cấp kinh phí. Tuy nhiên, ông Thái không có động cơ vụ lợi, không thông đồng với Công ty Việt Á và còn từng góp ý cho Bí thư Tỉnh ủy "giá test của Việt Á cao hơn hãng khác".
Theo Viện Kiểm sát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vận dụng các quy định của pháp luật miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Dương Thái là phù hợp.
Dù vậy, do liên quan đến những sai phạm tại địa phương nên năm 2022, ông Thái bị Ban Bí thư kỷ luật, cách tất cả chức vụ trong Đảng do "Buông lỏng quản lý, điều hành để cán bộ cấp dưới vi phạm khuyết điểm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước". Vị này sau đó cũng kỷ luật, xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
Một lãnh đạo tỉnh Hải Dương khác là ông Lương Văn Cầu (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh) cũng bị xác định ký một số văn bản liên quan Công ty Việt Á. Nhưng ông này được xác định là làm theo chỉ đạo, không vụ lợi hoặc thông đồng nên không cần xử lý hình sự. Cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng kỷ luật khiển trách vào năm 2022.