Những sản phẩm mang thương hiệu Đông Minh
Là xã gần trung tâm huyện Yên Minh, thuộc vùng núi đất, khí hậu ôn hòa, người dân cần cù, chịu khó và có nhiều nét văn hóa, canh tác nông nghiệp truyền thống đặc sắc. Đó là tiềm năng và lợi thể để xã Đông Minh phát triển và có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản mang thương hiệu riêng của địa phương.
Ở Yên Minh, nói đến đặc sản của xã Đông Minh đầu tiên phải là gà trống thiến. Từ truyền thống văn hóa của người Giấy – dân tộc chiếm đa số ở xã Đông Minh; những ngày lễ, tết hay việc cưới, việc tang phải có gà trống thiến để cúng, làm lễ, làm cỗ tiếp đãi khách nên mỗi gia đình thường nuôi gà trống thiến. Với cách nuôi truyền thống, chăn thả tự nhiên và có khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng riêng, nên gà trống thiến ở Đông Minh được đánh giá có chất lượng thịt ngon hơn các vùng khác trên địa bàn. Vì thế, đây luôn là một trong những thực phẩm có giá thành cao, được các nhà hàng trên địa bàn huyện tìm mua, giới thiệu tới thực khách. Đồng thời trở thành món quà biếu được người dân trên địa bàn huyện ưu tiên lựa chọn dành cho người thân, bạn bè, đối tác trong dịp Tết. Dần dần, chăn nuôi gà trống thiến ở Đông Minh không chỉ phục vụ cho gia đình mà được mở rộng quy mô, trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Sản phẩm chè xanh Cao Minh của xã Đông Minh đang được tỉnh phân hạng OCOP.
Anh Nguyễn Văn Tá, công chức nông nghiệp xã Đông Minh cho biết: Hầu hết các gia đình trên địa bàn xã hàng năm đều nuôi từ 10 – 20 con gà trống thiến. Đặc biệt, đã có gia đình xây dựng mô hình chăn nuôi gà trống thiến quy mô 400 – 500 con/năm. Thời điểm giáp Tết, sản phẩm gà trống thiến luôn bị cháy hàng. Năm 2024, giá gà trống thiến tăng lên mức 220 nghìn đồng/kg, nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng từ chăn nuôi gà.
Đông Minh là một trong những vùng trồng chè lớn nhất huyện Yên Minh với tổng diện tích trên 110ha. Giống chè trồng ở đây là chè Shan tuyết núi cao có độ tuổi trên 30 năm. Chè được trồng ở độ cao từ 800m so với mực nước biển trở lên, có khí mậu mát mẻ quanh năm nên chất lượng chè Shan tuyết ở Đông Minh được đánh giá tương đương với vùng chè cổ thụ nổi tiếng ở xã Ngam La hay Lao Và Chải. Diện tích chè ở Đông Minh được duy trì ổn định và có sản lượng bình quân gần 40 tấn chè búp tươi/năm. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, chất lượng tốt, xã Đông Minh đã có cơ sở liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu chè xanh Cao Minh. Chè xanh Cao Minh đã được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện và đang chờ tỉnh phân hạng.

Người dân xã Đông Minh chăm sóc cây chè.
Thịt chua là sản phẩm mang bản sắc riêng của người Xuồng ở Đông Minh và huyện Yên Minh. Với cách chế biến độc đáo khác hoàn toàn với các loại thịt chua của các dân tộc khác khi phải làm từ thịt chín và sử dụng thính làm từ gạo hoặc đậu tương rang xay mịn, hay các loại lá chua, gia vị; thịt chua ở Đông Minh bắt buộc phải được rán chín, thính ướp thịt được làm từ ngô và phải đồ chín như cơm nếp. Khi chế biến thịt chua phải xào nóng để phần mỡ lợn hòa quyện và ngấm sâu vào thính ngô. Hương vị của món ăn này khiến mỗi thực khách khi được thưởng thức sẽ không thể nào quên. Vì thế, đây là sản phẩm nông sản mang thương hiệu riêng không chỉ của xã Đông Minh mà cả huyện Yên Minh.
Bí thư Đảng ủy xã Đông Minh, Phạm Thị Vân cho biết: Ngoài 3 sản phẩm mang đặc trưng, thương hiệu riêng của xã, còn một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa khác như trâu, bò khô treo gác bếp, mận tam hoa, hồng không hạt, mật ong… Tuy nhiên, sản lượng chưa nhiều và mới phát triển manh mún ở các nhóm hộ. Cấp ủy, chính quyền xã đã và đang lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để khuyến khích, hỗ trợ các hộ, nhóm từng bước mở rộng quy mô sản xuất, chế biến các sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định và ngày càng nâng lên cho người dân, thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Đông Minh hiện vẫn là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Tuy nhiên, với lợi thế lớn về vị trí địa lý, người dân cần cù, chịu khó. Đặc biệt là tiềm năng sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm đặc sản, mang đặc trưng, thương hiệu riêng, nếu khai thác tốt sẽ là lợi thế lớn và có thể trở thành đòn bẩy cho xã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tới theo đúng định hướng của huyện.