Những sáng kiến trong chế biến, bảo quản mủ cao su

Tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ VI, năm 2020-2021 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long vinh dự đoạt nhiều giải cao thuộc các lĩnh vực vật liệu, hóa chất, năng lượng và nông - lâm ngư nghiệp, tài nguyên - môi trường. Các đề tài này được ứng dụng tại xí nghiệp mang lại lợi nhuận cao, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.

Bảo quản mủ ly tâm bằng DeBiO-25

Cao su ly tâm là một trong những sản phẩm chủ lực của Công ty TNHH MTV cao su Bình Long, với sản lượng bình quân hằng năm từ 4.500-5.500 tấn, trong đó khoảng 20% được xuất khẩu. Trước đây, để bảo quản cao su ly tâm, ngoài sử dụng amoniac (NH3), các đơn vị của công ty còn sử dụng thêm hóa chất phụ để gia tăng chất lượng, tiết giảm amoniac, giảm thiểu độc hại cho người lao động. Các hóa chất phụ trợ thường được dùng là TMTD/ZnO, Proxell A-Q.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó giám đốc Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 (bìa phải) kiểm tra quy trình sản xuất mủ skim block

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó giám đốc Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 (bìa phải) kiểm tra quy trình sản xuất mủ skim block

Song hiện nay, hóa chất TMTD/ZnO đã bị cấm sử dụng trong chế biến cao su vì có khả năng gây ung thư da. Còn hóa chất Proxell AQ phải nhập khẩu với giá cao, nhưng hiệu quả thấp. Trung bình mỗi năm, Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 dùng khoảng 1.000-2.000kg hóa chất phụ trợ bảo quản Proxell AQ với chi phí khoảng 400 triệu đồng/năm. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc nhập khẩu hóa chất càng khó khăn. Vì vậy, Ban giám đốc công ty chỉ đạo, cần có hóa chất mới trong nước thay thế các hóa chất bảo quản phụ trợ cho mủ ly tâm, giảm phụ thuộc vào hóa chất nhập khẩu. Ông Nguyễn Công Hùng, Phó giám đốc Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 cho biết, trước những khó khăn đó, Ban giám đốc công ty cùng các thành viên ban khoa học đã nghiên cứu tìm giải pháp thay thế hóa chất TMTD/ZnO và Proxell AQ. Kết quả, hóa chất DeBiO-25 được lựa chọn thay thế.

DeBiO-25 là hóa chất dạng bột, được sản xuất bởi Công ty TNHH nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Scientech, khu phố Phú Tân, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài. Đây là hóa chất bảo quản cao su ly tâm duy nhất hiện nay được nghiên cứu, sản xuất thành công trong nước. Hóa chất DeBiO-25 đã được dùng thí nghiệm trên nhiều mẫu và cho kết quả khá tốt.

Từ lợi ích của DeBiO-25, tháng 5-2020, Ban giám đốc xí nghiệp lựa chọn đề tài “Phương pháp hỗ trợ bảo quản mủ ly tâm bằng DeBiO-25” để nghiên cứu ứng dụng. Sau khi xây dựng ý tưởng, tìm phương pháp thí nghiệm bằng hóa chất DeBiO-25 trên nhiều mẫu cao su, ban nghiên cứu đề tài đã tiến hành thử nghiệm, phân tích, đánh giá qua nhiều giai đoạn, kết quả chất lượng mủ ly tâm đạt tiêu chuẩn tốt. DeBiO-25 có thể bảo quản ngay cả những loại mủ có chất lượng xấu nhất, như mủ cuối vụ, mủ có dấu hiệu giảm chất lượng mà các hóa chất khác không thể xử lý được. Đồng thời, được bảo quản thử nghiệm trong mủ thành phẩm cho hiệu quả ổn định sau từ 2-4 tháng lưu kho, chi phí sản xuất giảm 70-80%. Tháng 12-2020, đề tài được công ty nghiệm thu và đưa vào ứng dụng.

Sáng kiến cải tiến phương pháp hỗ trợ bảo quản mủ ly tâm bằng DeBiO-25 đã giúp Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 bảo quản được mủ ly tâm trong thời gian từ 6-7 tháng, kể cả thời gian nằm ở cảng trước khi xuất đi các nước mà chất lượng không thay đổi. Anh Huỳnh Hoàng Quốc, Xưởng phó Xưởng ly tâm, thư ký đề tài cho biết, mủ ly tâm là sản phẩm tươi sống nên khi đưa vào một chất, hệ bảo quản tác động trực tiếp đến thành phẩm của nhà sản xuất, nếu chất đó không phù hợp nó sẽ bị lỗi. Do vậy, hóa chất khi đưa vào dây chuyền phải được thí nghiệm, kiểm tra rất kỹ từ khâu bảo quản mủ nguyên liệu tới mủ thành phẩm lưu kho và bán đến tay nhà sản xuất. “Khi ứng dụng hóa chất DeBiO-25, chất lượng vẫn đảm bảo, giảm NH3 gây ảnh hưởng môi trường” - anh Quốc nói.

Hồi chưa sử dụng DeBiO-25 công nhân thường bị ngứa sau khi tiếp xúc, giờ thì không còn nữa, mùi hôi cũng không còn, sức khỏe công nhân tốt hơn trước rất nhiều. Chi phí sản xuất giảm, sức khỏe công nhân đảm bảo, đời sống người lao động nhờ đó được nâng lên.

Anh PHẠM PHÚ CƯỜNG, công nhân Xưởng ly tâm, Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4

Mùa khai thác mủ cao su năm 2020-2021, sản phẩm DeBiO-25 được Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 dùng xử lý cho hơn 18.000 tấn cao su ly tâm. Lợi nhuận chênh lệch so với sử dụng hóa chất khác là 128 triệu đồng. Hiện sản phẩm DeBiO-25 đã được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đồng ý cho sử dụng thử nghiệm mùa vụ 2021-2022 để chuẩn bị áp dụng đại trà trong toàn tập đoàn. Thành công từ đề tài “Phương pháp hỗ trợ bảo quản mủ ly tâm bằng DeBiO-25” đã góp phần giúp ngành chế biến cao su chủ động được nguồn hóa chất, không lo về giá và khó khăn nguồn hàng khi phải nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sử dụng chế phẩm tamin sản xuất mủ skim block

Mủ skim là loại mủ phụ, được tách ra trong quá trình ly tâm mủ latex, dùng để chế biến thành sản phẩm skim block có giá trị khoảng 70% so với loại chính phẩm. Đặc điểm của mủ skim là hàm lượng amoniac (NH3) còn khá cao và hàm lượng cao su khô rất thấp. Nếu mủ skim không được xử lý giảm NH3 đến mức hợp lý, thì việc đánh đông sẽ rất khó và gây ô nhiễm nặng. Vì vậy, tận thu và chế biến mủ skim đảm bảo chất lượng và bảo vệ môi trường là yêu cầu đặt ra đối với các xí nghiệp có dây chuyền sản xuất mủ ly tâm.

Sản phẩm DeBiO-25 được Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 dùng để xử lý mủ cao su ly tâm

Sản phẩm DeBiO-25 được Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 dùng để xử lý mủ cao su ly tâm

Anh Cao Thanh Tình, Trợ lý kỹ thuật cho biết, quy trình sản xuất mủ skim trước đây ở xí nghiệp được đánh đông tự nhiên bằng axit trong mương nước từ 7-10 ngày, sau đó tiếp tục lưu trữ trên bãi chứa chờ sản xuất từ 12-15 ngày là nguyên nhân chính phát sinh mùi hôi cho mủ skim. Để hạn chế nhược điểm này, tháng 4-2020, anh Tình và các thành viên trong ban khoa học xí nghiệp đã nghiên cứu, thử nghiệm đề tài “Quy trình sản xuất mủ skim block sử dụng chế phẩm thiên nhiên thân thiện môi trường”. Đó là kết hợp phương pháp sục khí vào mương đánh đông tăng tốc độ thoát NH3, đồng thời sử dụng chế phẩm tamin để đánh đông, giảm thời gian đánh đông còn lại từ 2-3 ngày. Khi đủ độ cô đông được gia công cơ học ngay trên dây chuyền sản xuất mủ, rửa sạch tối đa serum trong mủ, tạo cốm và ủ nhằm hạn chế quá trình vi sinh phát triển, nhờ vậy mùi hôi giảm hẳn. Sau 4 tháng thử nghiệm, đề tài đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng.

Trung bình mỗi năm, Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 sản xuất 550 tấn sản phẩm mủ skim. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất mủ skim block, sử dụng chế phẩm thiên nhiên thân thiện môi trường nên chi phí sản xuất giảm rất nhiều. Chỉ tính năm 2020, lợi nhuận thu được từ đề tài là 176 triệu đồng. Như vậy, chỉ mất 30 tháng đề tài sẽ thu hồi được vốn đầu tư. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, môi trường sống, đề tài còn góp phần giảm nhân công, cải tạo môi trường lao động, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp cho công nhân.

Quy trình sản xuất mủ skim trước đây dùng chung với các dây chuyền mủ phụ, do đó phải sử dụng lượng thiết bị quá nhu cầu, gây lãng phí thiết bị; công suất chế biến thấp do thiết bị và nguyên liệu không phù hợp, gây hao phí điện năng, tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Để giải quyết vấn đề nêu trên, nhóm nghiên cứu đề ra giải pháp sản xuất mủ skim trên dây chuyền sản xuất mủ khối, tận dụng hiệu quả xông sấy tốt của lò sấy GoldStar, nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm, năng suất lao động tăng. Ông Nguyễn Công Hùng, Phó giám đốc Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 nhận xét: “Đề tài đã góp phần giúp xí nghiệp tăng công suất chế biến, giảm phát sinh mùi hôi phát ra trong quá trình sản xuất mủ skim, giảm tiêu hao nhiên liệu xông sấy, điện năng và nước”.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/129078/nhung-sang-kien-trong-che-bien-bao-quan-mu-cao-su