Những sáng tạo khơi nguồn từ cuộc sống
Từ cuộc sống, học tập và sinh hoạt thường ngày đã hình thành nên ý tưởng, khơi nguồn cảm hứng cho các em học sinh sáng tạo nhiều sản phẩm dự thi có tính thực tiễn cao. Cuộc thi 'Sáng tạo trẻ Quảng Trị' lần thứ X năm 2021 ghi nhận nhiều mô hình, sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, giàu tính sáng tạo, có giá trị kinh kế - xã hội và có thể ứng dụng rộng rãi trong giảng dạy, học tập, sinh hoạt gia đình.
Gạch lát từ… rác thải nhựa, vôi sống
Gặp chúng tôi, em Nguyễn Thị Diễm My, năm nay học lớp 10B Trường THPT Lê Thế Hiếu, huyện Cam Lộ chia sẻ rằng mình rất bất ngờ khi đoạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị” lần thứ X năm 2021 với sản phẩm sản xuất gạch từ hỗn hợp rác thải nhựa và vôi sống. My cho biết mình nảy ra ý tưởng này từ vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm trắng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. “Đó thực sự là những con số khổng lồ, quá tải với môi trường của chúng ta. Tuy vậy, việc xử lý rác thải nhựa hiện vẫn còn nhiều hạn chế, lạc hậu như là chôn lấp, đốt, thải ra biển... không những không giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm mà còn làm tình trạng này nghiêm trọng thêm”, Diễm My nói. Bên cạnh đó, Diễm My đang sống tại một vùng quê mà đường đi nhiều nơi vẫn là đất đỏ, mùa mưa trơn trượt khiến việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. “Vì vậy từ năm lớp 9, khi được học bài “Vôi sống”, em đã tìm tòi, suy nghĩ và cùng với nhiều lần thử nghiệm, khám phá dưới sự giúp đỡ của cô giáo hướng dẫn, em đã thành công trong việc tạo ra một sản phẩm gạch mới hoàn toàn trên thị trường. Đó là sản xuất gạch lát từ hỗn hợp rác thải nhựa và vôi sống”, Diễm My chia sẻ.
Để tạo ra gạch lát, Diễm My sử dụng nguyên liệu gồm: Vôi sống và rác thải nhựa. “Sau khi thu gom, rửa sạch và phơi khô, em cân rác với vôi tỉ lệ 6:4 hoặc 7:3. Cho hỗn hợp đun trên chảo tầm 15 phút (nhiệt độ đo được từ 110-130 độ), đợi nguội một lúc rồi đổ ra khuôn đúc. Có thể sử dụng các chất tạo màu, các loại khuôn có hình thù khác nhau để tạo ra mẫu mã gạch tùy thích”, Diễm My cho biết. Lý do Diễm My sử dụng vôi sống mà không phải là một hợp chất khác vì vôi sống có rất nhiều tính chất nổi trội như khử khuẩn, ngăn ngừa tình trạng lên men, nấm mốc.
Vôi có tính chất hóa học của ôxit bazơ nên có khả năng hấp thụ, phản ứng các khí độc như CO2 , SO2 , HF... nên sẽ giữ cho sản phẩm luôn ổn định, không bị lên men, hư hỏng do ẩm hay phản ứng với các khí độc hại nói trên và loại bỏ phần nào chúng trong bầu không khí. Hỗn hợp sử dụng vôi có độ kết dính cao cùng với một số đặc tính còn làm hỗn hợp trở nên rắn chắc, bền vững.
“Sản phẩm gạch của em được sử dụng để lát kết hợp với chất kết dính bình thường, giúp chống trơn trượt, tăng hiệu quả đi lại cũng như tính thẩm mỹ. Qua tìm hiểu, sản phẩm của em khác biệt hơn nhiều loại gạch trên thị trường bởi vì góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Nó cũng không đơn thuần là một loại gạch, với công thức này hoàn toàn có thể làm nguồn nguyên vật liệu sản xuất mới”, Diễm My tự tin nói.
Lợi thế của sản phẩm gạch này, theo Diễm My là nguồn nguyên liệu có sẵn, chi phí thấp. Rác thải nhựa sẽ được thu gom tại các hộ gia đình hoặc các khu chứa rác thải nhựa. Vôi sống được mua một cách dễ dàng, giá chỉ 500 - 1.000 đồng/1kg, vì vậy sản phẩm làm ra có thể sẽ dùng lát đường, sân và có giá bán rất rẻ ... “Quy trình sản xuất loại gạch này đơn giản, không đòi hỏi trình độ học vấn, chuyên môn nên tạo được việc làm cho rất nhiều người dân, đặc biệt là trong mùa dịch khó khăn này. Với những tính ưu việt, lợi ích nêu trên, em mong sản phẩm của mình sẽ được áp dụng vào thực tế, được mọi người đón nhận để cùng chung tay bảo vệ môi trường”, Diễm My gửi gắm thông điệp.
Giải pháp lưu trữ thông tin đa nền tảng
Lê Tuấn Anh, lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (thành phố Đông Hà) là thí sinh đoạt giải Nhì cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị” lần thứ X năm 2021 với sản phẩm dự thi “APOLUS - Giải pháp lưu trữ thông tin công việc hiệu quả đa nền tảng”. Tuấn Anh cho biết, ngày nay với sự phát triển theo “chiều thẳng đứng” của công nghệ thông tin, hầu như mọi người đều sử dụng internet để làm việc. Mọi người làm nhiều công việc trên nhiều nền tảng, từ google drive, gmail, onedrive, google docs, notion... cho đến figma, office 365 online mà chưa có bất kỳ một công cụ/phần mềm nào hỗ trợ tìm kiếm, quản lý tất cả các nền tảng công việc đó.
Từ vấn đề cấp thiết nêu trên, Tuấn Anh đã nghiên cứu và tạo ra giải pháp nhằm giúp người dùng đỡ mất thời gian tìm kiếm các trang web/ file về công việc. Đó là một công cụ dựa trên lịch sử trình duyệt, xử lý và tập hợp tất cả các thông tin công việc của người dùng vào một nơi - nơi đó chính là công cụ. Người dùng có thể tìm kiếm dựa trên tên của tệp tin bất kỳ. Đặc biệt, có thể tìm kiếm được tệp gốc chỉ thông qua nội dung bên trong tệp đó.
Ngoài tìm kiếm, người dùng còn có thể quản lý được các nền tảng công việc này chỉ dựa trên một công cụ, giúp người dùng có được cái nhìn tổng quan hơn về công việc trực tuyến. Tuấn Anh nêu một ví dụ thực tế: Học sinh B mỗi tuần thường được cô giáo gửi 4 file đề cương và bài tập để ôn luyện thi học sinh giỏi văn hóa. 4 tháng sau, B cần tìm lại đáp án của một câu hỏi nhưng lại ngại hỏi cô giáo. Đáng nói là câu hỏi lại không nằm ở tiêu đề tệp tin/file nên không thể tìm kiếm như cách bình thường (tìm lại tất cả các file cô giáo gửi và dò tiêu đề xem có trùng không). Nhưng nhờ công cụ APOLUS, B đã tìm ra được file gốc chứa đáp án của câu hỏi đó.
Nếu không có công cụ thì chắc B phải tốn rất nhiều thời gian cho việc tìm đáp án. Về tính mới của giải pháp, Tuấn Anh cho biết: “Công cụ này là giải pháp đầu tiên có thể tập hợp tất cả mọi thứ liên quan đến công việc vào một nơi - ngay cả những ứng dụng/nền tảng chỉ mới ra mắt. Và người dùng hoàn toàn có thể chắc chắn rằng mọi thứ mình cần đều nằm ở đó. Công cụ có thể bật ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ tab nào với phím tắt (phím tắt này người dùng có thể tự tùy chỉnh được) giúp thuận tiện hơn trong công việc”.
Giải pháp này được đánh giá cao, tác giả chỉ cần công khai công cụ lên chrome store tiếp cận với hàng trăm triệu người dùng của các trình duyệt chạy nhân chromium là có thể công bố sản phẩm ra thị trường. Lúc này, người dùng chỉ cần tìm kiếm tên phần mềm trên mạng và cài đặt vào trình duyệt chưa đầy 30 giây. Với nhu cầu cấp thiết hiện nay về một giải pháp tìm kiếm và lưu trữ thông tin công việc đa nền tảng, cộng với sự hữu ích, nhỏ gọn và dễ sử dụng của giải pháp chắc chắn sẽ được người dùng đón nhận tích cực khi ra mắt rộng rãi.
Giấy chống thấm từ thân cây chuối và vỏ tôm
Đề tài “Sản xuất giấy chống thấm từ thân cây chuối và vỏ tôm” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Chung và Hoàng Anh Phúc, lớp 12B1, Trường THPT Triệu Phong, huyện Triệu Phong đoạt giải Nhì cuộc thi “Sáng tạo trẻ Quảng Trị” lần thứ X năm 2021.
Em Chung cho biết: “Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách của toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường là từ rác thải nhựa, ni lông, xốp… và những loại này phải mất đến hàng trăm năm mới phân hủy. Qua nghiên cứu các đặc tính, tính chất hóa học, nhóm em đã kết hợp thân cây chuối và vỏ tôm để sản xuất giấy chống thấm, tạo ra loại vật liệu mới thân thiện với môi trường”. Quy trình sản xuất ra giấy chống thấm gồm các bước chính: Thân cây chuối thái nhỏ, ngâm với dung dịch NaOH 0,1M, nấu 60 phút. Sau đó rửa sạch rồi trộn với nước, xay và cho vào chậu nước để tạo bột giấy, xeo thành giấy rồi phơi khô.
Đồng thời, vỏ tôm được ngâm với dung dịch HCl 7% trong 24 giờ, sau đó rửa sạch rồi tiếp tục nấu với dung dịch NaOH 8% trong 24 giờ, rửa sạch sấy khô để chiết xuất ra chất chitin. Chitin tiếp tục nấu với dung dịch NaOH 40% trong 7 giờ rửa sạch, sấy khô điều chế ra chất chitosan. Giấy được điều chế từ thân cây chuối sau đó được phủ lên chất chitosan, đóng rắn trong 4 - 6 ngày, sau đó giấy được phủ chitosan tiếp tục rửa bằng dung dịch NaOH, rửa sạch bằng nước cất và etanol, sấy khô.
Sau các công đoạn này, giấy chống thấm được tạo thành. “Giấy thu được khi phủ lên bề mặt một lớp màng chitosan để đóng rắn trong 6 ngày có bề mặt mịn, dai, không bị nát, rách khi ngâm trong nước lâu ngày, có khả năng chống thấm. Giấy chống thấm được phân hủy sinh học nên an toàn cho môi trường, có thể dùng làm túi đựng, ly và nhiều đồ dùng khác thay thế vật liệu nhựa”, em Chung cho biết thêm.