Những siêu dự án quân sự không bao giờ xuất hiện trên chiến trường
Trên thế giới từng có nhiều dự án quân sự phát triển vũ khí khá ấn tượng, nhưng lại không thành công vì nhiều lí do khác nhau.
Sau đây cùng Popmech.ru điểm qua những siêu dự án quân sự không bao giờ xuất hiện trên chiến trường:
XM29 OICW - chương trình phát triển vũ khí cá nhân tiên tiến (Objective Individual Combat Weapon) là một trong nhiều dự án phát triển vũ khí tương lai do Quân đội Mỹ bảo trợ. Với ý tưởng phát triển một mẫu súng kết hợp giữa súng trường tấn công và súng phóng lựu trên cùng một vũ khí. XM29 OICW được lên kế hoạch như một loại vũ khí mới về cơ bản được chế tạo theo sơ đồ mô-đun với một nửa súng trường bắn đạn tiêu chuẩn 5,56 mm, một nửa súng phóng lựu 20 mm với đạn cho đạn pháo thông minh. Năm 2003, mô-đun súng trường bị tạm dừng và 2 năm sau đó dự án bị hủy bỏ.
“Khinh khí cầu điệp viên” có vẻ như ra đời từ những năm 20 của thế kỷ trước, nhưng thực chất nó là một phát triển khá hiện đại. Một khí cầu khổng lồ dài hàng trăm mét được cho là bay lượn trên chiến trường, thu thập thông tin bằng cách sử dụng thiết bị chính xác cao. Dự án đã đóng cửa vào năm 2013.
Robot chiến đấu trên mặt đất (TALON). Máy bay không người lái đã trở thành một trong những vũ khí chính của quân đội Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Robot chiến đấu mặt đất chủ yếu là phương án phụ. Vào năm 2007, các robot TALON được sửa đổi đã được chuyển giao cho Iraq, nhưng không bao giờ được đưa vào chiến trường.
“Ô tôtrực thăng” được phát triển trong Chiến tranh thế giới thứ 2 bởi các kỹ sư người Anh. Đó là một chiếc xe địa hình với phần đuôi và cánh quạt của máy bay trực thăng. Dự án đã không thành công vì hóa ra việc di thiết bị mặt đất trở nên dễ dàng hơn nhiều so với việc tạo ra các phương tiện lai.
“Diamond Pebble” được coi là một phần quan trọng của Sáng kiến phòng thủ chiến lược - SDI của Mỹ thời điểm đó để chống tên lửa toàn cầu trong Chiến tranh Lạnh. “Diamond Pebble” là một mạng lưới gồm 4.000 vệ tinh quân sự được cho là có thể bắn hạ tên lửa của Liên Xô phóng tới theo nguyên tắc va chạm trực tiếp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau dự án bị hủy bỏ vào năm 1993 sau khi Liên Xô sụp đổ.
Boeing YAL-1 là hệ thống vũ khí laser trên không được hãng Boeing phát triển trên cơ sở khung gầm máy bay chở khách Boeing 747-400F. Hệ thống vũ khí này được cho là có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương bằng cách sử dụng tia laser hóa học cực mạnh. Vấn đề chính là trọng lượng của các mô-đun laser vì máy bay chỉ có thể chở 6 mô-đun loại này. Máy phóng tia laser được gắn trên một tháp pháo ở đầu máy bay Boeing 747-400F, các thiết bị hồng ngoại và thiết bị laser hỗ trợ bắn được gắn trên lưng của máy bay. Năm 2011, dự án đã bị đình trệ do ngân sách quân sự của Mỹ bị cắt giảm.
“Gyrojet” được công ty Mỹ MBAssociates phát triển vào thập niên 1960, súng bắn ra những viên rocket nhỏ gọi là Microjet, được trang bị hệ thống tên lửa đẩy loại nhỏ để chỉnh đạn. Hoạt động êm ái và tương đối hiệu quả trên 55 mét. Nhưng ngoài màn ra mắt trong bộ phim “You Only Live Twice” năm 1967, vũ khí kỳ diệu không tiến xa được hơn. Lý do cho điều này là súng bị kẹt đạn thường xuyên, hầu như vô hại ở cự ly gần và nhà sản xuất tại Mỹ buộc lòng phải hủy bỏ nó.
“Tailsitter” - chiếc máy bay không người lái có khả năng hạ cánh xuống bất cứ đâu bằng đuôi, một phiên bản đầu tiên của máy bay cất cánh thẳng đứng. Quá trình phát triển đã diễn ra từ năm 1950, nhưng việc cất cánh và hạ cánh những cỗ máy này đòi hỏi kỹ năng không thể tưởng tượng của các phi công. Dự án nhanh chóng bị loại bỏ, mặc dù ý tưởng về bộ điều chỉnh đuôi đã được thực hiện trong một số máy bay không người lái.
VZ-1 Pawnee là một thiết kế năm 1950 với kiểu dáng rất tương lai. Thiết bị bay này về cơ bản là một máy bay trực thăng thu nhỏ sử dụng hai động cơ pit-tông Nelson H-59 công suất 44 mã lực (33 kW) cùng với 2 cánh quạt bằng hộp số trực thăng. Theo lý thuyết, VZ-1 Pawnee có vẻ là hoàn hảo cho nhiệm vụ trinh sát trong một khu vực rộng lớn vì người sử dụng có thể nhìn được rất xa từ trên cao. Việc điều khiển được thực hiện bằng cách sử dụng độ nghiêng của cơ thể phi công. Mặc dù đã thử nghiệm thành công, nhưng dự án được coi là quá mong manh và chậm chạp cho các hoạt động thực chiến.
RAH-66 Comanche được cho là máy bay trực thăng tấn công và trinh sát thế hệ mới, kết hợp giữa công nghệ tàng hình và thiết bị kỹ thuật số hiện đại. Chương trình nghiên cứu RAH-66 Comanche được thực hiện từ những năm 1990, nhằm tạo ra thiết kế trực thăng làm nhiệm vụ trinh sát và chiến đấu thay thế 3.000 chiếc AH-1, OH-6 và OH-58 trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, dự án đã ngốn gần 7 tỉ USD đã phải đóng cửa vào năm 2004 do máy bay không người lái an toàn và hiệu quả hơn nhiều để thu thập thông tin.
Bình Nguyên (theo Popmech.ru)