Những siêu sân vận động độc đáo nhất hành tinh
Đó có thể là sân vận động Một tháng Năm có sức chứa khủng 150.000 chỗ, sân Cao Hùng hình bán nguyệt sử dụng toàn bộ năng lượng mặt trời hay sân Azteca, nơi Maradona ghi dấu ấn với Bàn thắng thế kỷ...
Trung Quốc sắp có sân bóng tỉ đô với sức chứa 100.000 khán giả ở Quảng Châu, Tây Ban Nha có các "thánh đường túc cầu giáo" tráng lệ Nou Camp, Bernabeu còn Brazil từng có Maracana lớn nhất thế giới... Tuy nhiên, những sân vận động được giới thiệu sau đây không phải ai cũng đã từng nghe nhắc đến.
1.Sân Rungrado 1-5 (Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên)
Với sức chứa 150.000 khán giả, đây là cầu trường lớn nhất thế giới, sân nhà của đội tuyển bóng đá CHDCND Triều Tiên. Sân có mái che hình cánh hoa mộc lan, ngoài các sự kiện thể thao và bóng đá, sân còn là nơi tổ chức các buổi trình diễn âm nhạc, địa điểm diễu binh mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước.
2. Sân vận động quốc gia Kaohsiung (Cao Hùng, Đài Loan TQ)
Không có tên trong danh sách các sân vận động lớn nhất thế giới với chỉ 55.000 chỗ ngồi nhưng sân vận động quốc gia Kaohsiung - được thiết kế bởi kiến trúc sư Nhật Bản Toyo Ito - chắc chắn là một trong những sân có cảnh quan tuyệt vời nhất.
Thiết kế hình bán nguyệt khiến sân Kaohsiung khác biệt hẳn với môtip thường thấy ở mọi sân vận động khi bỏ ngỏ hẳn lối vào ở một đầu sân và là sân bóng đá đầu tiên trên thế giới vận hành toàn bộ bằng nguồn năng lượng mặt trời tự cung cấp.
Sân vận động quốc gia Kaohsiung được xây dựng để đăng cai đại hội thể thao World Games 2009 (dành cho những môn không có tên trong hệ thống Olympic) và giờ đây, hàng chục nghìn khán giả hàng tuần có thể đến dự khán các trận đấu bóng đá đỉnh cao.
3. Sân vận động Michigan (Mỹ)
Mang biệt danh "Ngôi nhà lớn" với 107.601 chỗ ngồi, sân vận động Michigan lớn thứ ba thế giới và là sân nhà của đội bóng đá kiểu Mỹ "The Wolverines" thuộc Đại học Michigan.
Sân được xây dựng vào năm 1927, chủ yếu để đăng cai các giải đấu của Hiệp hội thể thao các trường đại học quốc gia Hoa Kỳ (NCAA). Tuy nhiên, cầu trường lớn nhất Hoa Kỳ này cũng được sử dụng để tổ chức nhiều trận đấu bóng đá quốc tế vào mùa hè.
Sân bóng khổng lồ này đăng cai nhiều mùa International Champions Cup, từng tiếp đón các đội bóng hàng đầu thế giới, trong đó, khi Man United và Real Madrid gặp nhau tại International Champions Cup 2014 đã có hơn 109.000 khán giả đến sân, được ghi nhận là trận đấu đông người xem nhất trên thế giới trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
4. Sân vận động Salt Lake (Kolkata, Ấn Độ)
Được xây dựng vào năm 1984, sân Salt Lake có sức chứa ban đầu lên tới 120.000 người, trở thành sân vận động lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ hai trên thế giới. Năm 1997, hơn 137.000 người đã có mặt tại sân để theo dõi trận bán kết Cúp Liên đoàn Ấn Độ giữa Mohun Bagan và Đông Bengal.
Sân được cải tạo vào năm 2011, chỉ còn khoảng 85.000 chỗ ngồi và là nơi diễn ra trận chung kết World Cup U17 năm 2017. Tuyển U17 Anh đăng quang ngôi vô địch sau khi đánh bại U17 Tây Ban Nha với tỉ số 5-2.
5. Estadio Azteca (Mexico City, Mexico):
Estádio Azteca, sân nhà của CLB America Cruz Azul và đội tuyển Mexico, chính là một trong những cầu trường nổi tiếng nhất thế giới khi là địa điểm đầu tiên hai lần đăng cai trận chung kết World Cup 1970 và 1986.
Sân được khánh thành vào năm 1961 và đến nay đã qua 4 lần tu sửa, số lượng chỗ ngồi hiện là 87.523. Sân Azteca còn đi vào lịch sử khi chứng kiến một trong những trận đấu nổi tiếng nhất của bóng đá thế giới khi Diego Maradona lần lượt ghi cả "Bàn thắng thế kỷ" và pha lập công bị lên án "Bàn tay của Chúa" trong trận tứ kết World Cup năm 1986 giữa Argentina và tuyển Anh.
6. Sân Olympic Quảng Đông (Quảng Châu, Trung Quốc)
Sau hai năm xây dựng, sân Olympic Quảng Đông đã mở cửa vào tháng 9-2001 để trở thành sân vận động lớn nhất của Trung Quốc với sức chứa 80.012 khán giả.
Được thiết kế chủ yếu sử dụng cho các trận đấu bóng đá, sân Olympic Quảng Đông đã đăng cai nhiều môn thi tại Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 2010. Sân còn được dự kiến sẽ là địa điểm tổ chức chính thức Thế vận hội Olympic 2008 cho đến khi chính quyền Trung Quốc quyết định giao trọng trách này cho sân vận động quốc gia Bắc Kinh, còn được biết đến với tên gọi "Tổ chim".
7. Sân Gelora Bung Karno (Jakarta, Indonesia)
Nằm ở trung tâm TP Jakarta, sân vận động Gelora Bung Karno đi vào hoạt động từ năm 1962 với sức chứa 77.193 khán giả và trở thành sân vận động lớn thứ ba châu Á.
Sân được đặt theo tên của vị tổng thống đầu tiên Sukarno, từng là nơi đăng cai Đại hội thể thao châu Á – ASIAD 1962. Đây cũng từng được chọn làm địa điểm tranh tài trận đấu quyền Anh giữa tay đấm huyền thoại Muhammad Ali và Rudie Lubbers vào năm 1973 - trận đấu mà Ali nắm hoàn toàn ưu thế trước khi được công bố giành chiến thắng sau 12 hiệp.
8. Sân vận động Quốc gia Bukit Jalil (Kuala Lumpur, Malaysia)
Với 87.411 chỗ ngồi, sân Bukit Jalil lớn thứ 8 trên toàn thế giới và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là sân nhà của đội tuyển bóng đá Malaysia, cũng là nơi đăng cai các trận đấu quan trọng như chung kết FA Cup Malaysia, Malaysia Cup và các sự kiện thể thao hàng đầu khu vực khác trong đó có SEA Games 2017.