Những sinh viên tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài miễn phí

Vào đại học, Trọng Nhân (sinh viên ở TP.HCM) quyết định tìm cách ít đắt đỏ để đi nước ngoài. Đây cũng là lựa chọn của không ít bạn trẻ.

 Vũ Minh Nguyên tìm kiếm học bổng trao đổi ngắn hạn trong suốt 2 năm. Ảnh: NVCC.

Vũ Minh Nguyên tìm kiếm học bổng trao đổi ngắn hạn trong suốt 2 năm. Ảnh: NVCC.

Mùa hè 2024, Vũ Minh Nguyên tình cờ lướt trúng bài đăng về bài phát động cuộc thi Green Economy Forum & Exhibition 2024 (GEFE 2024) Business Challenge.

Lúc đó, nữ sinh năm ba ngành Hàn Quốc học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, không ngờ đó lại là cơ hội để mình có chuyến đi nước ngoài miễn phí đầu tiên trong đời.

“Săn” học bổng trao đổi ngắn hạn

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Minh Nguyên cho biết em vốn dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về phát triển bền vững và cũng có nguyện vọng “săn” các học bổng trao đổi ngắn hạn.

Nguyên từng tham gia một chương trình về phát triển bền vững và làm quen với nhiều anh chị đang theo đuổi con đường tương tự. Từ đó, trong suốt 2 năm, Nguyên không ngừng tìm kiếm cơ hội.

Vì vậy, thấy bài phát động, nữ sinh nhanh chóng đăng tin tìm “đồng đội” để thử sức. Và thực tế cho thấy rất nhiều sinh viên khác cũng mong muốn có cơ hội ra nước ngoài để trao đổi, khám phá, học hỏi thêm.

Thùy Dương, sinh viên năm cuối ngành Quan hệ quốc tế, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, là một trong số đó.

Từ khi vào đại học, biết anh chị khóa trước được tham gia chương trình trao đổi quốc tế, Dương đã đặt quyết tâm trong 4 năm đại học, phải được đi nước ngoài một lần.

Để thực hiện điều đó, trong 4 năm học, Thùy Dương tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, cả trong lẫn ngoài trường, để làm dày CV, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, mở rộng network.

Nỗ lực đó mang về cơ hội khi nhờ network tích lũy trong thời gian qua, Dương quen với Minh Nguyên và cùng nhau thực hiện dự định.

 Phương Thảo mong muốn trải nghiệm cuộc sống ở đất nước khác, mở rộng góc nhìn với thế giới. Ảnh: NVCC.

Phương Thảo mong muốn trải nghiệm cuộc sống ở đất nước khác, mở rộng góc nhìn với thế giới. Ảnh: NVCC.

Tương tự, Trương Mai Phương Thảo, sinh viên năm 3, khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng có dự định xuất ngoại ngắn hạn từ khi mới nhập học.

“Lúc đó, em tham gia sự kiện giao lưu với sinh viên trao đổi từ các nước khác đến trường. Nghe các bạn chia sẻ về những trải nghiệm mới mẻ khi học tập và sinh sống ở Việt Nam, em đã nhen nhóm ước mơ trải nghiệm cuộc sống ở đất nước khác, được mở rộng góc nhìn của bản thân với thế giới”, Phương Thảo nhớ lại.

Thảo thường xuyên tìm hiểu các khóa học hay trao đổi ngắn hạn. Đó là lý do em không ngần ngại chấp nhận lời đề nghị từ Minh Nguyên dù biết hành trình đó sẽ nhiều khó khăn khi các thành viên theo học chuyên ngành khác nhau.

Trong khi đó, dự định ra nước ngoài của Nguyễn Trọng Nhân, sinh viên năm 3, ĐH Quốc tế, bắt đầu sớm hơn. Từ hồi tiểu học, qua các video và trò chơi cho trẻ em, em đã dần được đắm mình hơn với các văn hóa và hình ảnh đại chúng ở phương Tây.

Từ đó, nam sinh đặt mục tiêu được tận mắt nhìn thấy chúng ngoài đời. Nhưng kinh tế gia đình chưa cho phép, Trọng Nhân tạm gác lại. Đến năm học THPT, đặc biệt khi lên đại học, thấy bạn bè chuyển qua sinh sống, học tập ở nước ngoài, với áp lực đồng trang lứa, Nhân mới bắt đầu tìm những cách không đắt đỏ để xuất ngoại.

 Là sinh viên RMIT, Nguyệt Minh có cơ hội qua Australia trao đổi 2 học kỳ. Ảnh: NVCC.

Là sinh viên RMIT, Nguyệt Minh có cơ hội qua Australia trao đổi 2 học kỳ. Ảnh: NVCC.

Khác với 4 sinh viên trên, Thái Nguyệt Minh, sinh viên năm 3, ngành Truyền thông học tại Đại học RMIT, may mắn hơn vì năm ngoái, em đã có 2 học kỳ trao đổi qua Australia để giao lưu văn hóa với sinh viên nước khác.

Nhưng nữ sinh vẫn mong đợi được đi ra thế giới, học hỏi những điều tốt đẹp để trở về xây dựng đất nước. Và mục tiêu đó chắc chắn không dừng lại ở việc chỉ đến một nước.

“Mỗi người ở mỗi quốc gia có góc nhìn rất khác về cùng một vấn đề. Khi mình kết hợp câu chuyện của bạn với mình, em nghĩ sẽ có bức tranh toàn cảnh, cái nhìn toàn diện hơn, từ đó có thể đưa ra bình luận hoặc những giải pháp tốt hơn”, Nguyệt Minh quan niệm.

 Minh Nguyên, Phương Thảo, Thùy Dương, Trọng Nhân, Nguyệt Minh cùng nhau giành được cơ hội ra nước ngoài miễn phí. Ảnh: NVCC.

Minh Nguyên, Phương Thảo, Thùy Dương, Trọng Nhân, Nguyệt Minh cùng nhau giành được cơ hội ra nước ngoài miễn phí. Ảnh: NVCC.

Không chỉ là chuyến đi miễn phí

Và với ý tưởng phát triển mô hình kinh doanh cho giải pháp xử lý bùn thải bền vững, Minh Nguyên, Thùy Dương, Phương Thảo, Trọng Nhân, Nguyệt Minh thành công giành học bổng toàn phần tham gia khóa học hè “Nhà lãnh đạo Phát triển bền vững” do Đại học Kühne Logistics (Đức) tài trợ.

Nhưng với các sinh viên, chuyến đi miễn phí chưa bao giờ là mục tiêu cao nhất.

“Điều quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm, mối quan hệ tích lũy được trong quá trình tìm kiếm cơ hội chứ không chỉ chú trọng vào giải thưởng”, Trọng Nhân chia sẻ.

Không chỉ những điều thu nhận được từ chuyến xuất ngoại, Nhân cho rằng khoảng thời gian nỗ lực để có cơ hội đó cũng là dịp để em học thêm nhiều điều.

Nam sinh cho hay trong suốt 3 tháng làm việc nhóm với những người bạn mới, với xuất phát điểm từ các chuyên ngành khác nhau, em học được cách làm việc lý tính hơn, biết thương lượng giải pháp khi có xích mích.

Nhân cũng học cách quản lý thời gian. Nam sinh bắt đầu tham gia ở thời điểm chuẩn bị thi cuối kỳ hè và một vòng quan trọng khác lại sát ngay kỳ thi giữa kỳ 1. Thế là, cậu sinh viên năm ba phải tất bật sắp xếp để đảm bảo cả 2 dù nhiều lúc vẫn phải thức khuya trả nợ “deadline”.

 Khóa hè, khóa trao đổi ngắn hạn là biện pháp "ít đắt đỏ" để Trọng Nhân ra nước ngoài. Ảnh: NVCC.

Khóa hè, khóa trao đổi ngắn hạn là biện pháp "ít đắt đỏ" để Trọng Nhân ra nước ngoài. Ảnh: NVCC.

Những sinh viên như Thùy Dương, Nguyệt Minh, Minh Nguyên, Phương Thảo cũng thừa nhận các em học hỏi được nhiều thứ, từ kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm đến áp dụng kiến thức chuyên ngành vào phần việc được phân công, mở rộng mối quan hệ cũng như hiểu biết xã hội…

Đó cũng là cơ hội để sinh viên nhận ra điểm yếu, điểm mạnh của bản thân, đồng thời từng bước xác định mục tiêu, con đường mình muốn theo đuổi lâu dài.

Như Thùy Dương, em dự định theo đuổi lĩnh vực ESG (Environmental - Social - Governance, tạm dịch: Môi trường - Xã hội - Quản trị Doanh nghiệp). Việc giành chiến thắng tại một cuộc thi liên quan đến yếu tố phát triển bền vững cũng như có chuyến trải nghiệm ở nước ngoài sẽ là thế mạnh của Dương trong quá trình tuyển dụng và làm việc sau này.

“Em kỳ vọng chuyến xuất ngoại sắp tới sẽ cung cấp cho em nhiều kiến thức về phát triển bền vững, đặc biệt là kiến thức về carbon credit bởi vì đây là lĩnh vực khá mới tại Việt Nam nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn khi năm 2029 Việt Nam sẽ vận hành thị trường carbon credit”, nữ sinh nói.

Tương tự, nỗ lực lần này cũng thúc đẩy Minh Nguyên theo đuổi lĩnh vực phát triển bền vững trong tương lai.

Trong khi đó, Phương Thảo muốn làm trong lĩnh vực Nhân sự hoặc Quản lý kế hoạch. Nữ sinh dự định du học bậc thạc sĩ và tin tưởng những thành tích, trải nghiệm từ khóa học hè ngắn hạn này là điểm cộng khi em nộp hồ sơ vào các ngành liên quan tới sự bền vững và kinh tế xanh.

Còn Trọng Nhân tin tưởng mình đang có bước chuẩn bị tốt cho quá trình tham gia ngành Marketing, đặc biệt tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực bền vững.

Nguyệt Minh cũng có cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai của mình. Em dự định học thêm về ngành Môi trường. Nữ sinh thích ý tưởng “biến thứ tưởng chừng như không còn được sử dụng nữa thành đồ hữu ích”.

Vì thế, khóa học hè ngắn hạn không chỉ là cơ hội để giao lưu văn hóa, gặp gỡ bạn bè quốc tế, trải nghiệm những thứ mới mẻ mà còn giúp Minh có cái nhìn rộng mở hơn về những lĩnh vực bền vững, môi trường xanh.

Đây cũng là động lực để thúc đẩy các sinh viên tiếp tục tìm kiếm các học bổng dạng trao đổi ngắn hạn. Trọng Nhân lên sẵn kế hoạch đầu năm 2025 sẽ tham gia một chương trình tương tự để có cơ hội qua nước khác giao lưu.

Trong khi đó, Phương Thảo đã hoàn tất việc nộp hồ sơ xin học bổng và có được 5 tháng trao đổi qua Đức.

Thảo luôn tâm niệm cơ hội có thể đến bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là sinh viên cần vượt qua định kiến, nỗi nghi ngờ bản thân để nắm lấy những cơ hội đó.

 Thùy Dương dự định theo đuổi lĩnh vực ESG và cho rằng khóa hè ngắn hạn là lợi thế khi em bước vào thị trường lao động. Ảnh: NVCC.

Thùy Dương dự định theo đuổi lĩnh vực ESG và cho rằng khóa hè ngắn hạn là lợi thế khi em bước vào thị trường lao động. Ảnh: NVCC.

Đây cũng là điều mà Thùy Dương, Trọng Nhân, Nguyệt Minh luôn tự dặn bản thân để có nhiều dịp ra quốc tế học hỏi thêm.

Nguyệt Minh nói thêm ngoài tinh thần sẵn sàng bước khỏi vùng an toàn, sinh viên cũng cần biết lập kế hoạch và hành động dựa trên đó, đồng thời chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Trong khi đó, Minh Nguyên cho rằng điều quan trọng không kém là việc luôn đặt câu hỏi phù hợp, từ việc hỏi các anh chị đi trước để có kinh nghiệm “săn” học bổng đến việc đặt câu hỏi trong suốt quá trình tham gia các chương trình có giải thưởng là các chuyến đi ra nước ngoài.

“Khi gặp những vấn đề nảy sinh, mọi người cứ đặt câu hỏi rằng liệu còn gì về nó mà mình chưa biết tới hay không, còn cách giải quyết nào tốt hơn không. Việc không ngừng đặt câu hỏi một cách phù hợp sẽ dẫn các bạn đến những chân trời mà mình không ngờ tới”, nữ sinh nhắn nhủ.

Hà Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-sinh-vien-tim-kiem-co-hoi-ra-nuoc-ngoai-mien-phi-post1520107.html