Những số phận bị bỏ quên trong đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc

Dịch virus corona làm đảo lộn cuộc sống của người lao động nghèo đến từ nông thôn Trung Quốc. Họ mất việc, bị đuổi khỏi nhà, bị cô lập, kỳ thị.

Kéo theo chiếc vali nhựa chứa đầy đồ đạc - từ chăn, bàn chải đánh răng, giày thể thao cho đến lược chải đầu - ông Wang Sheng, 49 tuổi, bôn ba tới nhiều nhà máy ở phía nam Trung Quốc để xin việc. Nhưng ông chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Theo New York Times, ông Wang từng làm việc ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Nhưng bây giờ, các nhà máy từ chối nhận ông vào làm việc chỉ vì ông đến từ tỉnh Hồ Bắc - với thủ phủ Vũ Hán là tâm chấn của dịch virus corona chủng mới (Covid-19) - dù ông đã không sống ở đó nhiều năm.

“Tôi không thể làm gì khác. Tôi chỉ có một mình, bị cô lập và bất lực”, ông Wang than thở. Ông chỉ còn lại một số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi, sống nhờ mì gói trong một căn phòng nhỏ có giá thuê 60 USD/tháng.

 Người lao động nông thôn ở huyện Giáng, thuộc Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, được đo thân nhiệt trước khi lên xe buýt trở về thành phố làm việc. Ảnh: Getty Images.

Người lao động nông thôn ở huyện Giáng, thuộc Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, được đo thân nhiệt trước khi lên xe buýt trở về thành phố làm việc. Ảnh: Getty Images.

Phân biệt đối xử

Trung Quốc có khoảng 300 triệu người lao động nông thôn chuyển đến các vùng khác để làm việc. Họ đã sống bên lề xã hội từ lâu, làm những công việc vất vả với đồng lương ít ỏi, không được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Giờ đây, họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chính phủ Trung Quốc áp dụng các biện pháp gắt gao nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Nhiều nhà máy lo sợ công nhân từ nông thôn có thể lây nhiễm virus corona.

Các quan chức địa phương phong tỏa thành phố, chủ nhà đuổi người lao động xa quê khỏi nhà, một số bị nhồi nhét trong các nhà nghỉ, dưới gầm cầu hoặc trên vỉa hè.

“Chúng tôi đã phải vật lộn để sống. Giờ, chúng tôi mất hết hy vọng”, bà Liu Wen - 42 tuổi, một công nhân nhà máy ở Trịnh Châu - tuyệt vọng nói trong nước mắt.

Bà Wen bị đuổi khỏi nhà trọ vì cô và chồng đến từ phía nam tỉnh Quảng Đông. Chủ nhà lo sợ hai người mang theo virus chết người. Hiện, vợ chồng cô Wen cùng 2 con phải sống trong một nhà nghỉ.

 300 triệu người nông thôn chuyển đến các vùng khác làm việc giờ rơi vào tình cảnh khốn đốn vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

300 triệu người nông thôn chuyển đến các vùng khác làm việc giờ rơi vào tình cảnh khốn đốn vì Covid-19. Ảnh: New York Times.

Hôm 23/2, chính quyền Trung Quốc thừa nhận tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp. Tuy nhiên, Bắc Kinh thúc giục các chính quyền địa phương tập trung vào việc khởi động lại các hoạt động sản xuất.

“Chúng ta phải biến áp lực thành động lực, biến khủng hoảng thành cơ hội, khôi phục trật tự sản xuất và sinh hoạt”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố.

Tuy nhiên, việc phong tỏa các thành phố khiến người lao động nông thôn khó trở lại thành phố. Nhiều công nhân bị mắc kẹt ở quê nhà sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

"Chúng tôi sẽ hết tiền trong vòng 1 tháng"

Một số nhà máy ở Trung Quốc đã bắt đầu trở lại hoạt động trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, một số khác vẫn phải đóng cửa hoặc hoạt động với năng suất thấp do thiếu hụt lao động.

Các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực - từ sản xuất, xây dựng đến vận tải - đều yêu cầu công nhân nghỉ phép không lương. Điều này khiến nhóm người lao động đến từ nông thôn khổ sở, họ không thể chi trả phí sinh hoạt ngày một cao ở các thành phố và thường không có nhiều tiền tiết kiệm.

Tuy tiền lương không cao, những người lao động đến từ nông thôn vẫn có thể kiếm được nhiều hơn so với ở quê nhà. Họ sẵn sàng đến các thành phố để có một cuộc sống tốt hơn, ngay cả khi họ phải ở trong những khu trọ tồi tàn.

Yang Chengjun, 58 tuổi, sống ở phía đông bắc Trung Quốc, cho biết ông và con trai đang phải bán gạo và rau củ tự trồng để kiếm sống. “Tôi lo rằng chúng tôi sẽ hết tiền trong vòng một tháng”, ông than vãn. “Áp lực đối với người lao động nhập cư như chúng tôi luôn rất lớn. Dịch bệnh càng khiến vết thương này thêm lở loét”, ông nói thêm.

Cuộc sống của những người lao động này càng khốn đốn khi quan chức các địa phương cảnh báo họ có thể mang theo virus corona chủng mới và là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

 Hàng triệu người lao động đến từ nông thôn Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn. Ảnh: Getty Images.

Hàng triệu người lao động đến từ nông thôn Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn. Ảnh: Getty Images.

Một số thành phố yêu cầu người từ nơi khác đến phải bị cách ly, theo truyền thông Trung Quốc. Ở các tỉnh thành khác, người lao động nhập cư bị cấm vào thành phố và bị xử lý nghiêm nếu chống cự.

Hệ thống hộ khẩu khiến người Trung Quốc khó thay đổi nơi cư trú hợp pháp. Họ bị coi là người ngoài ngay cả khi đã sống ở thành phố nhiều thập kỷ. Khả năng tiếp cận các quyền lợi như chăm sóc sức khỏe, trường học, lương hưu và một số lợi ích xã hội khác cũng bị hạn chế.

Khi dịch virus corona bùng phát, nhiều công nhân nông thôn bị viêm phổi hoặc có các triệu chứng khác không thể tìm được dịch vụ chăm sóc y tế có giá hợp lý ở thành phố lớn.

Những công nhân bị nhiễm virus corona chủng mới sẽ được điều trị miễn phí, nhiều bệnh viện rơi vào cảnh thiếu nguồn lực trầm trọng. Do đó, các công nhân nghèo buộc phải chi nhiều tiền để trả viện phí cho người thân bị bệnh.

Càng nghĩ về tương lai càng căng thẳng

Tại Hồ Bắc - tâm chấn của dịch bệnh, nhiều công nhân lo rằng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trong nhiều tháng hoặc lâu hơn. Tỉnh này có khoảng 10 triệu công nhân đến từ nơi khác.

Huang Chuanyuan, một công nhân 46 tuổi ở Hồ Bắc, đã ngừng mua thịt để tiết kiệm tiền. Ông không thể đi làm. “Tôi không muốn nghĩ về tương lai nữa. Càng nghĩ về nó, tôi càng căng thẳng”, ông Huang tuyệt vọng.

Các doanh nghiệp địa phương đã đề nghị chính quyền hỗ trợ để được hoạt động rở lại. Nhưng họ chỉ nhận được sự im lặng, vì chính quyền địa phương đang tập trung vào ngăn ngừa virus lây lan.

Ông Wang lo lắng rằng mình sẽ thất nghiệp trong vài tháng tới. Ông dành cả ngày để tìm việc làm và xem tin tức về dịch Covid-19. Thậm chí, ông còn đăng một bài thơ trên mạng xã hội để thể hiện sự bất lực và cảm giác bị cô lập của mình.

"Một mình bạn chịu đựng nỗi cô đơn. Nhưng bạn vẫn nhận những ánh nhìn kỳ thị. Phòng Lao động: Im lặng. Còn tôi: Một mình ở Thâm Quyến", ông Wang viết.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhung-so-phan-bi-bo-quen-trong-dai-dich-covid-19-o-trung-quoc-post1051708.html