Những sơn nữ giữ rừng Trường Sơn
Hàng ngày, những người phụ nữ ở rừng Trường Sơn vượt suối, băng rừng đối diện với muôn vàn những khó khăn để giữ rừng được xanh tươi.
Vào những ngày tháng 3, khi những ngọn núi hùng vĩ cùng dòng sông Đakrông uốn lượn bị che phủ bởi màn sương dày đặc, chị Hồ Thị Men và đồng đội lại lặng lẽ tiến sâu vào rừng già, bắt đầu hành trình tuần tra.
Công việc vượt suối, băng rừng lâu nay tưởng như chỉ dành riêng cho những người đàn ông sức dài vai rộng, nhưng trong tổ bảo vệ rừng thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) có ba người phụ nữ cũng ngày ngày đối mặt với muôn vàn khó khăn để bảo vệ đại ngàn Trường Sơn.
Gian nan giữ rừng
Năm 2019, chị Men cùng một số người dân trong thôn đăng ký tham gia công việc giữ rừng. Ngày tổ bảo vệ rừng được thành lập, chị được các thành viên tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Tổ được giao nhiệm vụ bảo vệ 1.150ha rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Chị Hồ Thị Men gắn bó với công việc giữ rừng Trường Sơn trong 5 năm qua.
"Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Trường Sơn, nên việc được góp sức bảo vệ rừng là niềm vui lớn. Dù biết rằng phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng tôi vẫn không ngại ngần", chị Men bộc bạch.
Để chuẩn bị cho chuyến tuần rừng kéo dài nhiều ngày, chị cùng các đồng nghiệp chuẩn bị theo lương thực, thực phẩm và các vật thiết yếu như thuốc men để đề phòng những bất trắc gặp phải ở chốn rừng thiêng nước độc.
"Mình phải chuẩn bị kỹ càng chứ, có nhiều lúc, sáng đi làm người rất khỏe mạnh nhưng khi vào trong rừng, đêm hôm lại nổi sốt. Những lúc này để ra bên ngoài mất cả buổi, thậm chí cả ngày nên phải có biện pháp kịp thời ứng phó" - chị Men nói.

Chị Men cùng chị Thế phát quang chặt bỏ những cây leo chèn ép cây rừng.
Những chuyến tuần tra kéo dài từ 1-2 ngày, có khi lên đến 5-6 ngày. Mỗi ngày, tổ tuần tra phải đi bộ hàng chục km với nhiều loại địa hình, ăn ngủ trong rừng sâu, vượt qua vô vàn khó khăn từ địa hình, thời tiết đến những hiểm nguy rình rập.
"Ở rừng núi nên không tránh khỏi những lần bị trượt ngã bị thương, nguy cơ từ những loài động vật có độc. Nhưng đổi lại mỗi lần tháo được bẫy thú hay ngăn chặn được các hành vi phá rừng thì anh chị em trong tổ rất vui, thấy công việc mình làm có ý nghĩa" - chị Men chia sẻ.

Những chuyến tuần tra bảo vệ rừng kéo dài một hoặc nhiều ngày.
Cùng tổ với chị Men, chị Hồ Thị Thế, một thành viên có hơn 7 năm kinh nghiệm giữ rừng, cũng gánh vác trọng trách ngăn chặn các hành vi phá rừng, săn bắn động vật và phối hợp xử lý vi phạm.
"Công việc này không chỉ đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, mà còn yêu cầu sự kiên nhẫn và kinh nghiệm phong phú trong việc khám phá rừng sâu. Những người làm công việc này luôn phải cẩn trọng từng bước đi, vì chỉ một chút lơ đễnh thôi cũng có thể bị lạc đường" - chị The nói.
Để cây rừng mãi che chở sự sống của muôn loài
Theo chị Men thì trái với những khó khăn về công việc giữ rừng thì phụ nữ cũng sẽ có những lợi thế riêng. Trong quá trình tuyên truyền sẽ dễ thuyết phục người dân hơn hoặc kẻ gian sẽ ít "động tay động chân" mỗi lần bị bắt gặp trong rừng.

Trong Tổ Bảo vệ rừng thôn Tà Lao có 3 người phụ nữ tham gia.
"Người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc tuyên truyền cũng gặp không ít những khó khăn. Nhưng tôi và các chị em trong tổ mỗi lần đi tuyên truyền thì vẫn thuận lợi hơn vì vừa là dân địa phương vừa là phụ nữ nên họ cũng lắng nghe, việc tuyên truyền ngày một hiệu quả" - chị Men nói.
Với chị Men, chị Thế và các thành viên tổ bảo vệ rừng thôn Tà Lao, khó khăn, gian khổ chưa bao giờ khiến họ từ bỏ công việc đã gắn bó suốt nhiều năm. Họ vẫn nỗ lực mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ, bởi rừng không chỉ là nguồn sống mà còn là một phần linh hồn của người đồng bào Vân Kiều.
"Đi nhiều rồi cũng quen, chúng tôi gần như thuộc hết mọi lối mòn, từng khu vực trong rừng. Chỉ cần có dấu hiệu lạ, chúng tôi có thể nhận ra ngay. Với tinh thần trách nhiệm và sự hỗ trợ của cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tôi luôn động viên anh em làm tốt công việc" - chị Men chia sẻ.

Tổ bảo vệ rừng thôn Tà Lao đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Rừng như người bạn gắn bó thân thiết, che chở bao thế hệ người Vân Kiều ở huyện Đakrông. Vì thế, bảo vệ rừng với họ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cách giữ gìn cuộc sống của chính mình.
Ban quản lý Rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị cho biết tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, đơn vị đã khoán rừng cho 16 cộng đồng và nhóm hộ gia đình để thực hiện công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Các tổ bảo vệ rừng cộng đồng đang làm rất tốt, đặc biệt là những tổ viên là phụ nữ. Ngoài tuần tra, họ còn tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách bảo vệ rừng đến bà con các bản làng.
Ông Hồ Viết Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị, cho biết trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Ban quản lý Rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng đã có những đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học.

Tổ bảo vệ rừng thông Tà Lao góp phần giữ cho những ha rừng Trường Sơn luôn xanh tươi.
"Người dân tham gia nhận khoán không chỉ bảo vệ rừng mà còn hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Việc phát triển rừng đặc dụng không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học mà còn giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương" - ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, tại Tổ bảo vệ rừng thôn Tà Lao có sự tham gia của các chị em phụ nữ, các chị em phụ nữ tham gia rất năng động, trách nhiệm, luôn tiên phong trong mọi hoạt động.
"Không chỉ dừng lại ở vai trò tuần tra, những chị em này còn là những người có uy tín trong cộng đồng, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ không chỉ rừng đặc dụng mà còn cả các diện tích rừng khác trên địa bàn của thôn. Đây là minh chứng rõ nét cho sự đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học" - ông Thắng nói.
Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có diện tích hơn 37.000 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên trên 32 ha gồm: rừng giàu gần 5,7ha, rừng trung bình trên 12.000 ha, rừng nghèo 14.000 ha...
Đây là khu bảo tồn có hệ thực vật đa dạng và phong phú với hơn 1.576 loài thực vật có mạch. Trong đó, có 182 loài đặc hữu của Việt Nam, 57 loài đặc hữu của khu vực Trung bộ; 288 loài quý hiếm ưu tiên bảo vệ được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam.
Động vật ghi nhận có 95 loài thú; 201 loài chim; 32 loài bò sát; 17 loài lưỡng cư. Khu bảo tồn có 345 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 62 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 52 loài ghi trong danh mục sách đỏ thế giới.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhung-son-nu-giu-rung-truong-son-post840444.html