Những sự kiện giáo dục năm 2024 tác động lớn tới người học

Năm 2024 là năm có nhiều sự kiện tác động trực tiếp tới người học ở tất cả các cấp học.

 Cả triệu thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình GDPT 2018

Cả triệu thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình GDPT 2018

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018 vì vậy những thay đổi trong kỳ thi này ảnh hưởng lớn tới tâm lý cũng như quá trình học tập của cả triệu thí sinh.

Việc Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều điểm mới sẽ tác động không nhỏ tới học sinh THPT trong đó có thể kể đến quy định tỷ lệ điểm học bạ tăng từ 30 lên 50%, sử dụng cả điểm lớp 10 và 11 thay vì chỉ dùng lớp 12, sẽ giúp đánh giá học sinh toàn diện hơn.

Cả triệu thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình GDPT 2018

Cả triệu thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình GDPT 2018

Học sinh phải tập trung học ngay từ năm đầu của bậc THPT. Điều này cũng phù hợp với việc đánh giá năng lực của người học theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, bởi muốn đánh giá được thì cần thời gian dài.

Bên cạnh đó, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó, nhiều câu hỏi đưa ra các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình GDPT 2018

Năm học 2024-2025 là năm triển khai đầy đủ 12 lớp phổ thông theo Chương trình GDPT 2018

Năm học 2024-2025 là năm triển khai đầy đủ 12 lớp phổ thông theo Chương trình GDPT 2018

Năm học 2024-2025 là năm học được triển khai đầy đủ chu trình Chương trình GDPT 2018 ở tất cả các khối, lớp học bậc phổ thông. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một bước tiến, phù hợp với xu thế của thời đại và trên thế giới" với đánh giá chương trình mới giúp học sinh tiếp thu tương đối tốt và phát huy được năng lực của bản thân, mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp trong cuộc sống.

Việc đổi mới phương pháp giáo dục đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục, hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Vai trò chủ động của học sinh được phát huy. Giáo viên tự tin, làm chủ lớp học tốt hơn, năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện rõ vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng.

Việc đánh giá học sinh chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại học sinh theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện. Hình thức đánh giá đa dạng hơn, kết hợp giữa đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết, có sự tham gia đánh giá từ nhiều bên.

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Hà Nội hỗ trợ các trường học ở Mèo Vạc, Hà Giang dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học

Hà Nội hỗ trợ các trường học ở Mèo Vạc, Hà Giang dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học

Một nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Yêu cầu này đã thúc đẩy nhiều địa phương đưa ra các giải pháp đầu tư cho giảng dạy tiếng Anh trong trường học theo hướng trở thành công cụ học tập, giao tiếp thay vì chỉ đơn thuần là một môn học.

Nhiều địa phương miễn, giảm học phí cho học sinh năm học 2024-2025

Từ cuối tháng 5/2024, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền đóng học phí theo đúng quy định tại Nghị định 81. Tiền miễn học phí được cấp từ ngân sách địa phương.

Bộ GD-ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện quy định đối với các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025.

Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập ngoài học phí được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo quy định.

Tính đến thời điểm này, có 8 tỉnh thành miễn học phí 100% cho học sinh từ mầm non tới hết lớp 12 trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2024-2025 là Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái. Riêng tỉnh Bình Dương và Long An áp dụng chính sách giảm học phí 50%.

Trong số các địa phương kể trên, có những địa phương đã miễn học phí 100% cho học sinh từ mầm non tới hết lớp 12 ở năm học trước là Hải Phòng, Đà Nẵng.

Chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ

Đầu tháng 9/2024, cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh khu vực Bắc bộ nước ta. Ngành Giáo dục cũng gánh chịu ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn.

Theo tổng hợp thiệt hại của ngành Giáo dục đến ngày 16/9/2024: Có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích. Tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng.

Hình ảnh mới nhất của thầy trò trường Marie Curie đến thăm Làng Nủ mới

Trước, trong và sau cơn bão, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả đồng bộ, kịp thời. Trong bối cảnh khó khăn, thiệt hại, toàn ngành Giáo dục đã chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả để sớm nhất ổn định việc dạy và học. Ngành Giáo dục cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước.

Trước những tình cảm và sự giúp đỡ, sẻ chia kịp thời của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với ngành Giáo dục trong thiên tai, hoạn nạn, ngày 19/9/2024, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi thư cảm ơn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ, hỗ trợ, chung tay, tiếp sức cùng ngành Giáo dục khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Thu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-su-kien-giao-duc-nam-2024-tac-dong-lon-toi-nguoi-hoc-20241227225603525.htm