Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 25/1 - 30/1
OPEC+ tác động vào các chính sách cung cấp dầu toàn cầu để bình ổn thị trường; Chevron mong muốn chính phủ Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt Venezuela; Libya dần phục hồi sản lượng dầu... là những điểm nhấn trên bức tranh năng lượng toàn cầu tuần qua.
1. Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, tổ chức này đã giữ lại nguồn cung khoảng 1,3 tỷ thùng dầu trong năm ngoái để giữ giá không giảm hơn nữa.
Sự can thiệp của OPEC+ vào chính sách cung cấp dầu toàn cầu thực sự rất quan trọng để đảo ngược đà giảm giá dầu, mặc dù sau đó là kết quả của các động thái đầu cơ.
2. Người đứng đầu Chevron đang thảo luận với Bộ Ngoại giao Mỹ về khả năng giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt áp đặt lên ngành dầu mỏ của Venezuela do chính quyền Tổng thống Trump áp đặt.
Chevron đã hoạt động ở Venezuela trong nhiều thập kỷ, đã nhiều lần bị từ chối hoạt động ở quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Lần gia hạn mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 11/2020, cho phép Chevron ở lại Venezuela cho đến ngày 3/6/2021.
3. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman mới đây cho biết, nước này sẽ nỗ lực để trở thành nước Đức tiếp theo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hồi đầu tuần này, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng, Vương quốc này đặt mục tiêu thay thế việc sử dụng dầu mỏ để sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời và khí đốt.
Là một phần của chương trình "Tính bền vững của nhu cầu hydrocarbon", nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ hướng tới việc thay thế dầu mỏ bằng năng lượng mặt trời, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út nhấn mạnh.
4. Sau nhiều năm bất ổn, ngành công nghiệp dầu mỏ của Libya cuối cùng cũng bắt đầu phục hồi trở lại, với sự gia tăng sản lượng bắt đầu từ tháng 12/2020.
Libya hiện đang sản xuất 1,224 triệu thùng/ngày, tăng từ mức chỉ 121.000 thùng/ngày trong quý III/2020. Điều này cho thấy tầm quan trọng của thỏa thuận ngừng bắn trong việc hồi sinh ngành dầu mỏ và nền kinh tế Libya.
5. AP dẫn thông báo từ Nhà Trắng cho thấy, Tổng thống Mỹ đang tìm cách hồi sinh liên minh xuyên Đại Tây Dương với Đức, sau khi mối quan hệ này trở nên căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Hôm 25/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm và nhắc đến hàng loạt chính sách mới của Mỹ, trong đó có vấn đề kết nối liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Truyền thông quốc tế không đề cập đến nội dung về đường ống khí đốt đầy tranh cãi Nord Stream-2 - vấn đề bất đồng duy nhất giữa hai liên minh này.
Tuy nhiên, từ các động thái gần đây, Đức đang thể hiện quan điểm "Nước Đức trên hết" của mình và sẵn sàng phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào họ mà nước Mỹ đưa ra.
6. Phó giám đốc công ty tiếp thị dầu Iraq SOMO, Ali Nizar cho biết, nước này sẽ bơm ít dầu hơn trong tháng này và tháng tới với sản lượng trung bình 3,6 triệu thùng/ngày để bù đắp cho lượng dầu dư thừa năm ngoái.
Xuất khẩu cũng sẽ giảm xuống còn khoảng 3 triệu thùng/ngày từ 3,3 triệu thùng/ngày của tháng 12, miễn là chính quyền khu vực Kurdistan cũng đồng ý cắt giảm sản lượng dầu của họ, ông Nizar nói.
Ngoài ra, Iraq được cho là có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu thô sang Ấn Độ để duy trì hạn ngạch sản xuất của OPEC+.