Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 31/7 - 5/8
Ả Rập Xê-út và Nga lần lượt tuyên bố về việc siết chặt nguồn cung trong tháng 9; sản lượng dầu từ các thành viên OPEC giảm mạnh... là những điểm nhấn trên bức tranh thị trường năng lượng quốc tế tuần qua.
1. Ả Rập Xê-út cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 9, đồng thời nhấn mạnh việc cắt giảm này có thể được kéo dài hoặc giảm sâu hơn.
Theo Reuters, sản lượng của Ả Rập Xê Út dự kiến sẽ về khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 9.
2. Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9, Phó Thủ tướng Alexander Novak vừa tuyên bố.
Trước đó, Nga đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu khoảng 500.000 thùng/ngày từ tháng 3 cho đến cuối năm.
3. Đầu tuần này, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng sản lượng dầu từ các thành viên của OPEC đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021 hay 2020, do việc cắt giảm sản lượng tự nguyện từ Ả Rập Xê-út và sự sụt giảm không tự nguyện ở Nigeria, Angola và Libya.
Các nhà giao dịch cuối cùng đã bắt đầu chú ý đến các cảnh báo về nguồn cung và dự báo về nhu cầu mà các ngân hàng và các nhà phân tích khác đã đưa ra trong nhiều tuần.
4. Xuất khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển tiếp tục giảm trong tháng 7 và đạt trung bình dưới 3 triệu thùng mỗi ngày trong 4 tuần tính đến ngày 30/7, mức trung bình thấp nhất trong 4 tuần kể từ khi bắt đầu lệnh cấm vận của EU, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu được giám sát bởi Bloomberg cho thấy.
Nga ước tính đã vận chuyển trung bình 2,98 triệu thùng/ngày ra khỏi các cảng của mình trong khoảng thời gian 4 tuần tính đến ngày 30/7, theo dữ liệu được báo cáo bởi Julian Lee của Bloomberg.
5. Chi tiêu cho hoạt động thăm dò dầu khí truyền thống đang tăng trở lại và dự kiến sẽ đạt mức 50 tỷ USD trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2019, nhưng các nhà khai thác vẫn đang chờ đợi kết quả mà họ mong đợi.
Nghiên cứu của Rystad Energy cho thấy, mặc dù các khoản đầu tư tăng lên, khối lượng được phát hiện đang giảm xuống mức thấp mới.
6. Khi cuộc chiến giành các nguồn năng lượng của Anh ngày càng căng thẳng, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 31/7 cho biết việc mở rộng hoạt động khoan dầu khí ở Biển Bắc sẽ được tiến hành để đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Đồng thời, với nhu cầu xoa dịu sự phản đối ngày càng tăng đối với các kế hoạch kể trên, nhà lãnh đạo Anh đã công bố kế hoạch xây dựng hai địa điểm CCS (thu giữ và lưu trữ carbon) mới ở Biển Bắc, để bổ sung vào hai cơ sở hiện có. Các cơ sở mới dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030.