Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 7/11 - 12/11
Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất một 'cơ chế điều chỉnh thị trường' thay thế cho việc tạo ra trần giá khí đốt; các tàu chở dầu có thể sớm bị mắc kẹt trên biển trong thời gian tới... là những điểm nhấn nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.
1. Ủy ban châu Âu mới đây cho rằng không có cách nào để tạo ra trần giá khí đốt như yêu cầu trước đó của các nhà lãnh đạo EU. Thay vào đó, EC đã đề xuất một "cơ chế điều chỉnh thị trường".
Theo EC, không có cách nào để giới hạn giá khí đốt mà không ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn hiện có. Ý tưởng ban đầu về giới hạn giá khí đốt nhập khẩu vào Liên minh châu Âu ban đầu được đề xuất bởi một số thành viên EU, bao gồm Bỉ, Hy Lạp, Ý và Ba Lan.
2. Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ công bố một thỏa thuận về phát thải khí metan trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Thỏa thuận dự kiến sẽ được công bố trong tuần này, sẽ bao gồm các điều khoản không chỉ hướng tới các chỉ số phát thải của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch với các biện pháp can thiệp trong nước mà còn các biện pháp quốc tế.
Các chính sách sẽ bao gồm việc buộc các công ty phải khắc phục sự cố rò rỉ cơ sở hạ tầng, và có thể bao gồm các điều khoản yêu cầu các công ty giám sát và báo cáo lượng khí metan của họ.
3. Bộ Ngoại giao Nga ngày 10/11 cho biết, Nga sẽ công bố kế hoạch về các hợp đồng khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc họp G20 ở Indonesia vào tuần tới.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đề cập đến "các sáng kiến cụ thể" đã được lên kế hoạch, bao gồm "tăng cường hợp tác khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ" dưới hình thức một trung tâm khí đốt ở quốc gia này, cũng như tổ chức các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón lớn. Sau đó, khí đốt sẽ được bán ở thị trường châu Âu.
4. Các nhà điều hành cấp cao trong ngành mới đây nói với Reuters rằng, hàng hóa dầu có thể sớm bị mắc kẹt trên biển nếu G7 không thông báo cho các công ty bảo hiểm thông tin chi tiết về cơ chế giới hạn giá dầu thô của Nga.
Kế hoạch của G7 nhằm tìm cách hạn chế doanh thu mà Nga nhận được từ việc bán dầu thô, đồng thời cho phép những người có nhu cầu vẫn mua dầu từ quốc gia bị trừng phạt.
5. Bộ trưởng Bộ Than, Mỏ và Các vấn đề Nghị viện của Ấn Độ Pralhad Joshi đã tuyên bố rằng nước này không có ý định sớm loại bỏ than khỏi hỗn hợp năng lượng của mình. Phát biểu trước một ủy ban quốc hội, Bộ trưởng Pralhad Joshi nói rằng than đá sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ở Ấn Độ cho đến ít nhất là năm 2040.
Tại Hội nghị thượng đỉnh COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi hành động khẩn cấp để cắt giảm khí thải, bao gồm loại bỏ dần than vào năm 2040 trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ "nói không" với việc từ bỏ than đá.
6. Theo Bloomberg, xuất khẩu dầu thô đường biển của Nga đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 tháng vào tuần trước khi người mua tranh giành để có được càng nhiều dầu thô giá rẻ của Nga càng tốt trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực vào tháng tới.
Xuất khẩu dầu thô của Nga qua đường biển đã tăng lên 3,6 triệu thùng mỗi ngày - mức cao nhất kể từ đầu tháng 6. Ngay cả mức trung bình trong 4 tuần cũng đạt mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 8 là 3,18 triệu thùng/ngày.