Những sự kiện văn học nghệ thuật nổi bật của lực lượng CAND năm 2022
Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN + 2022, Cuộc thi viết và Trại sáng tác Văn học; cuộc thi ảnh và video clip về đề tài Cảnh sát nhân dân, Tuần lễ kịch CAND và những bộ phim truyền hình về hình tượng người chiến sĩ CAND là những sự kiện văn học nghệ thuật nổi bật của lực lượng CAND năm 2022.
“Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN + 2022”: Đại tiệc âm nhạc mang đậm dấu ấn văn hóa
Diễn ra trong 2 ngày (mùng 9 - 10/7) tại khu vực phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, “Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022” do Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022). Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, “Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022” có sự tham gia của 8 đoàn với tổng số hơn 400 nhạc công, nghệ sĩ. Trong đó, có 6 đoàn nhạc quốc tế đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Lào, Myanmar, Brunei. Hai đoàn nhạc đến từ nước chủ nhà Việt Nam là Đoàn nhạc Bộ Công an và Đoàn nhạc Bộ Quốc phòng với sự góp mặt của 238 nhạc công, nghệ sĩ.
Để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng đại biểu, nhân dân và du khách là gần 100 tiết mục nhạc kèn tưng bừng, đậm bản sắc văn hóa các nước do các nghệ sĩ - chiến sĩ của 8 đoàn biểu diễn. Chương trình biểu diễn hòa nhạc ngoài trời được tổ chức tại quảng trường - tượng đài Lý Thái Tổ đầy ắp tinh thần giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể hiện tài năng, tình yêu nghệ thuật, đam mê âm nhạc của đoàn nhạc Cảnh sát các quốc gia. Trước chương trình chính là màn diễu hành kỵ binh quanh Bờ Hồ của các chiến sĩ CAND cùng màn biểu diễn trống hội sôi động của 300 học viên Học viện Cảnh sát nhân dân.
“Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN + 2022” là một sự kiện đặc biệt, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân, CAND Việt Nam và các nước ASEAN+; góp phần nâng cao văn hóa, nghệ thuật và sự hiểu biết lẫn nhau về bản sắc văn hóa dân tộc, đất nước, con người, quá trình trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam và Cảnh sát các nước.
Cuộc thi viết và Trại sáng tác Văn học; cuộc thi ảnh và video clip về đề tài Cảnh sát nhân dân
Cuộc thi viết và trại sáng tác văn học; cuộc thi ảnh và video clip về đề tài Cảnh sát nhân dân là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện văn hóa - nghệ thuật nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022). Với cuộc thi viết về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, Ban tổ chức đã nhận được 270 bài dự thi (trong đó, 215 bài dự thi trong lực lượng Công an và 55 bài dự thi của các tác giả ngoài lực lượng Công an). Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 2 Giải A; 3 Giải B; 5 Giải C; 10 Giải Khuyến khích cho các tác phẩm.
Trại sáng tác Văn học về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân do Thường trực Ban Tổ chức (X03) phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Công an tỉnh Đắk Nông. Tham dự có 40 tác giả (trong đó có 11 tác giả trong Công an và 29 tác giả ngoài Công an được Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu). Kết thúc trại sáng tác, các tác giả, tác giả đã gửi về Thường trực Ban tổ chức 51 tác phẩm dự thi, gồm: thể loại bút ký có 5 tác phẩm; truyện ngắn có 39 tác phẩm; tiểu thuyết có 6 tác phẩm, truyện dài có 1 tác phẩm. Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao tặng 1 Giải đặc biệt; 5 Giải A; 15 Giải B; 20 Giải C; 30 Giải Khuyến khích cho các tác giả.
Cuộc thi ảnh nghệ thuật và video clip với chủ đề “Những chiến sĩ mang sứ mệnh bảo vệ cuộc sống bình yên”, Ban tổ chức đã nhận được 348 ảnh đơn và 175 bộ và 182 video clip. Ban tổ chức đã trao 1 Giải đặc biệt; 10 Giải A; 15 Giải B; 20 Giải C; 25 Giải Khuyến khích; 5 Giải sáng tạo nghệ thuật trong dàn dựng.
Mặc dù đây là lần đầu tiên cuộc thi viết và trại sáng tác văn học cuộc thi ảnh và video clip về đề tài Cảnh sát nhân dân được tổ chức, nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo tác giả trong và ngoài lực lượng Công an tham gia, góp phần tô thắm thêm truyền thống và làm đẹp hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong lòng công chúng.
Dấu ấn đẹp về tuần lễ kịch CAND
“Tuần lễ kịch CAND” được tổ chức tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) từ ngày 5 đến 9/7/2022 là một trong những hoạt động nghệ thuật đặc biệt được Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022). 5 vở diễn được chọn lựa tham gia “Tuần lễ kịch CAND” là những vở diễn đặc sắc, từng đoạt các giải thưởng cao tại các kỳ Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND như: “Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi trẻ, “Vẫn sống” của Nhà hát CAND, “Kẻ trộm” của Nhà hát Kịch Hà Nội; vở chèo “Ngày trở về” của Nhà hát Chèo Quân đội và vở kịch “Trả giá” được Nhà hát CAND dàn dựng mới nhất chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của lực lượng CSND.
Với 5 vở diễn được lựa chọn từ các nhà hát uy tín hàng đầu của Thủ đô biểu diễn trong “Tuần lễ kịch CAND”, cán bộ, chiến sĩ và khán giả Thủ đô có cơ hội cảm nhận và thấu hiểu hơn về những chiến công, sự hi sinh thầm lặng và cả những đau đớn, mất mát mà người chiến sĩ Cảnh sát nói riêng và người chiến sĩ CAND nói chung phải đối mặt, vượt qua trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Không chỉ khắc họa đậm nét, chân thực và lan tỏa hình ảnh đẹp người chiến sĩ CAND trên sân khấu, “Tuần lễ kịch CAND” còn góp phần củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với lực lượng Công an, khích lệ, động viên, cổ vũ nhân dân tích cực đồng hành với lực lượng Công an trên mặt trận phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên.
“Được mùa” phim truyền hình về hình tượng người chiến sĩ CAND
Năm 2022 được đánh giá là năm “được mùa” của dòng phim truyền hình về lực lượng CAND. Liên tục các bộ phim được lên sóng truyền hình “giờ vàng” và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng. Trong số đó phải kể tới bộ phim “Đấu trí”, cũng là bộ phim đánh dấu sự trở lại của sêri phim “Cảnh sát hình sự”. Kịch bản phim lấy cảm hứng từ những sự kiện nóng hổi tính thời sự, đó là “đại án” tham nhũng, tiêu cực trong ngành y tế. Phim còn phơi bày những mưu mô, thủ đoạn của nhóm tội phạm “cổ cồn trắng”, vạch trần liên minh lợi ích giữa doanh nghiệp và quan chức.
Trước đó, “Bão ngầm” cũng thu hút sự quan tâm của khán giả bằng kịch bản phim hấp dẫn, đề cập tới vụ án điều tra đường dây ma túy xuyên quốc gia, vạch trần bộ mặt của tên trùm tội phạm trong vỏ bọc doanh nhân thành đạt. “Phố trong làng” lại kể câu chuyện về những vất vả của lực lượng Công an chính quy về xã. Những nhân vật Công an trong phim được đặt trong những tình huống éo le, phức tạp diễn ra ở một vùng quê đang trong quá trình đô thị hóa. “Mặt nạ gương” là hành trình phá những vụ án bí ẩn liên quan đến trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ…
Sự nở rộ của dòng phim hình sự cho thấy đề tài này vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ, có sức hút với khán giả. Dòng phim hình sự đã có sự thay đổi về mặt kết cấu, ngôn ngữ để phù hợp với thời đại và thị hiếu người xem. Nhân vật chiến sĩ Công an cũng gần gũi, đời thường hơn. Bên cạnh câu chuyện phim gần gũi, hấp dẫn, điều khiến các bộ phim truyền hình này nhận được sự yêu mến của khán giả chính là nhờ vào sự hóa thân chân thực của dàn diễn viên. Họ là những nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều kinh nghiệm diễn xuất như NSND Trần Nhượng, NSƯT Minh Thảo, nghệ sĩ Trung Anh… nhưng cũng có thể là những gương mặt trẻ như Duy Khánh, Xuân Phúc, Hà Việt Dũng… Sự thay đổi ấy đã nhận được những tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, trong quá trình phát sóng, các bộ phim đều được khán giả háo hức đón xem, trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên các trang báo cũng như mạng xã hội.