Những sự thật thú vị về Nghị viện các nước trên thế giới
Đằng sau sự uy nghiêm của những tòa Nghị viện cổ kính, nơi được coi là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhiều Nghị viện trên thế giới còn ẩn giấu nhiều sự thật thú vị.
Nghị viện Anh
Tòa nhà Nghị viện chắc chắn là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất không chỉ của London mà của cả xứ sở sương mù. Khi tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của nó, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra nhiều sự thật thú vị.
Trước hết, Tòa nhà Nghị viện Anh có một cái tên khác, và cái tên này thực sự lâu đời hơn nhiều so với hiện thân của nó. Từng được biết đến nhiều hơn với tên gọi Cung điện Westminster sau khi được xây dựng vào thế kỷ XI, tòa nhà chính ở đây vốn là một cung điện hoàng gia lớn. Cấu trúc ban đầu này bị hư hại nặng trong một trận hỏa hoạn vào năm 1512, rồi sau đó bị phá hủy hoàn toàn bởi trận hỏa hoạn tiếp theo vào năm 1834. Sau những thiệt hại nặng nề đó, tòa nhà được thay thế bằng cấu trúc chắc chắn hơn.
Mặc dù phần lớn được xây dựng lại, nhưng có một số phần của Tòa nhà Nghị viện vẫn giữ được các dấu tích thời trung cổ. Chúng bao gồm Hội trường Westminster (thực tế đây là nơi vẫn có mái nhà thời trung cổ lớn nhất ở Anh, và chính là khu vực mà các vị vua sinh sống và làm việc), Nhà nguyện St Mary Undercroft, Tháp Ngọc và Tu viện Thánh Stephen, tất cả đều là những phần lâu đời nhất của cấu trúc tòa nhà.
Thiết kế mới của Tòa nhà Nghị viện là kiến trúc sư Charles Barry, xây dựng theo phong cách Phục hưng Gothic. Cung điện mới lớn hơn nhiều so với ban đầu. Và một trong những bộ phận quan trọng nhất của Tòa nhà Nghị viện là chiếc đồng hồ lớn, được gọi là Big Ben. Nó nằm trong Tháp Elizabeth Click và là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất của London.
Một sự thật thú vị khác nữa là tuy Tòa nhà Nghị viện là nơi họp chính thức của cơ quan lập pháp, nhưng vì Vương quốc Anh là chế độ quân chủ lập hiến nên về mặt kỹ thuật, chúng thuộc sở hữu của Quốc vương trị vì. Trong các sự kiện nghi lễ, địa điểm này được giữ nguyên mục đích ban đầu là nơi ở của hoàng gia và Nữ hoàng đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện như Khai mạc Nghị viện - truyền thống có từ nhiều thế kỷ.
Bên cạnh đó, mặc dù Cung điện Westminster hiện là trụ sở của cơ quan lập pháp hiện đại, nhưng nó cũng được biết đến là nơi tôn trọng các truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước. Xưa kia, trong nhiệm kỳ Nghị viện đầu tiên, những người tham dự sẽ mang theo kiếm của mình - vì vậy nơi đây có một khu riêng để treo những thanh kiếm này.
Ngoài ra, sàn trong các phòng đều có đánh dấu, mỗi phòng cách nhau khoảng “hai chiều dài thanh kiếm”. Người ta cho rằng điều đó nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc “ẩu đả” có thể xảy ra trong tòa nhà.
Còn một điều đặc biệt nữa là, trong Tòa nhà Nghị viện có rất nhiều cầu thang, trên thực tế có tới hơn 100 cầu thang cũng như khoảng 3 dặm hành lang để khám phá. Chính vì vậy, một chuyến tham quan ở đây có thể khá… mỏi chân.
Nghị viện châu Âu
Xưa kia ở Tây Âu, 6 quốc gia đã quyết định sẽ thành lập một tổ chức gọi là Cộng đồng Than và Thép châu Âu hay ECSC. Đó là đầu những năm 1950, lúc châu Âu vẫn quay cuồng với "chấn thương" của Thế chiến II. Trong nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến tranh khác, những người sáng lập ECSC tìm cách tập trung hóa quy định của hai ngành công nghiệp chính liên quan đến sản xuất đạn dược chiến tranh, than đá và thép. Do đó, năm 1951, Bỉ, Pháp, Italy, Luxembourg, Hà Lan và Tây Đức ký hiệp ước ở Paris thành lập ECSC, hạt giống đầu tiên nảy nở thành Liên minh châu Âu (EU) sau này.
Đó cũng là thời điểm Nghị viện châu Âu ra đời. Nhưng vào thời điểm đó, nó được gọi là Hội đồng chung, một trong bốn tổ chức ban đầu được thành lập để quản lý ECSC. Ba cơ quan khác là Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án Tư pháp và Cơ quan Cấp cao, mà ngày nay gọi là Ủy ban châu Âu.
Nghị viện châu Âu đã phát triển về quy mô và quyền lực trong những năm qua với ngày càng nhiều quốc gia tham gia hội nhập châu Âu. Với một chặng đường phát triển dài như vậy, có khá nhiều sự thật thú vị mà nó chứa đựng.
Đầu tiên, nó là cơ quan quốc tế lớn nhất và duy nhất được bầu trực tiếp trên thế giới. Với hơn 700 thành viên đại diện cho hơn 400 triệu công dân từ 27 quốc gia thành viên EU, không có cơ quan quốc tế nào khác trên thế giới có thể vượt qua quy mô của Nghị viện châu Âu.
Kể từ cuộc bầu cử Nghị viện đầu tiên năm 1979, Nghị viện châu Âu cũng trở thành cơ quan quốc tế duy nhất có các thành viên được bầu trực tiếp, cả ở EU và trên toàn thế giới.
Sự thật đáng chú ý thứ hai là, trong những năm đầu tiên sau khi được thành lập, Nghị viện châu Âu hoạt động đơn giản như một cơ quan tư vấn mà không có bất kỳ quyền lực thực tế nào ngoại trừ việc giám sát Cơ quan quyền lực tối cao. Hội đồng chung đầu tiên bao gồm 78 người được bổ nhiệm từ 6 quốc gia thành viên của ECSC.
Sự thật tiếp theo là Nghị viện châu Âu từng trải qua hai lần đổi tên. Năm 1958, Hội đồng chung đổi tên thành Hội đồng Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, nó vẫn là một cơ quan tư vấn của các thành viên được bổ nhiệm. Trong giai đoạn này, hai cơ quan châu Âu bổ sung được thành lập để hoạt động cùng với ECSC: Cộng đồng kinh tế châu Âu (ECC) và Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom). Hội đồng Nghị viện châu Âu đóng vai trò là cơ quan tư vấn cho ba tổ chức, tất cả được gọi chung là Cộng đồng châu Âu (EC).
Năm 1962, Hội đồng cuối cùng đã lấy tên hiện tại là Nghị viện châu Âu. Nhưng cơ quan này không chứng kiến bất kỳ sự gia tăng quyền hạn đáng kể nào cho đến những năm 1970. Tuy nhiên, sau đó, từ một cơ quan tư vấn không có quyền lực đáng kể, Nghị viện châu Âu đã phát triển thành một thể chế đáng gờm của EU. Ngoài việc có quyền lập pháp trong hơn 80 lĩnh vực chính sách khác nhau, Nghị viện châu Âu cũng có thể phê duyệt hoặc từ chối các đề xuất ngân sách của EU…
Ngoài ra, ít người biết rằng, vị Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện châu Âu được bầu là một phụ nữ. Trong toàn bộ lịch sử của Nghị viện châu Âu, 30 người đã từng là chủ tịch. Chỉ có hai người trong số họ là phụ nữ, cả hai đều đến từ Pháp. Bà Simone Veil của Đảng Tự do và Dân chủ là Chủ tịch đầu tiên được bầu năm 1979. Sau đó, bà Nicole Fontaine của Đảng Nhân dân châu Âu giữ vị trí này từ năm 1999 đến 2002.
Còn một sự thật thú vị nữa là Nghị viện châu Âu có tới ba trụ sở chính thức là các thành phố: Brussels, Strasbourg và Luxembourg, trong đó, thành phố Strasbourg được coi là trụ sở chính.
Các nghị sĩ châu Âu tham dự các phiên họp toàn thể hàng tháng tại Strasbourg. Những phiên họp toàn thể bổ sung và cuộc họp của các Ủy ban Nghị viện và các nhóm chính trị diễn ra tại Brussels. Trong khi đó, Ban Thư ký của Nghị viện châu Âu được đặt tại Luxembourg.
Quốc hội Ấn Độ
Tòa nhà Quốc hội Ấn Độ được mệnh danh là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất thế giới. Cấu trúc tòa nhà được Sir Edwin Lutyens và Sir Herbert Baker xây dựng. Do thiết kế theo hình tròn, Tòa nhà Quốc hội ban đầu được gọi là Nhà Tròn. Hình tròn trong cấu trúc của tòa nhà biểu tượng cho sự liên tục, cho thấy quyền lực sẽ duy trì và không bao giờ kết thúc.
Có điều thú vị là kích thước của sảnh Lok Sabha (Hạ viện) và Rajya Sabha (Thượng viện) có hình giống một con ngựa. Ngoài ra, các bức tường và trần của Nghị viện được khắc những đoạn văn có ý nghĩa cao cả, đóng vai trò như hướng dẫn tinh thần cho hai viện của Nghị viện Ấn Độ. Chẳng hạn, phần trích dẫn tiếng Phạn được dịch ở lối vào như sau:
“Mở cửa cho người dân
Và hãy để chúng tôi nhìn thấy bạn
Vì mục tiêu đạt được chủ quyền”
Màu của thảm được trải ở Lok Sabha là xanh lá cây, cho thấy Ấn Độ là nước nông nghiệp và những nghị sĩ được chọn lọc và bầu từ cấp những người dân bình thường nhất. Trong khi đó, màu thảm được trải ở Rajya Sabha là đỏ, thể hiện hoàng tộc, cũng như hàm ý tưởng nhớ về sự hy sinh của những người đấu tranh cho tự do và máu của họ đã đổ để giành độc lập cho Ấn Độ.
Một sự thật thú vị nữa liên quan đến Nghị viện Ấn Độ, Thư viện Quốc hội là thư viện lớn thứ hai của đất nước, lớn nhất là Thư viện Quốc gia ở Kolkata. Các bản viết tay của Hiến pháp Ấn Độ bằng tiếng Hindi và Agraji do các thành viên Hội đồng Hiến pháp thực hiện được bảo quản cẩn thận trong buồng chứa đầy khí nitơ tại thư viện này.
Nghị viện Australia
Tòa nhà Nghị viện Australia chỉ mới 34 tuổi nhưng đằng sau đó ẩn chứa nhiều sự thật đáng kinh ngạc về thiết kế, đặc điểm và cấu trúc của tòa nhà mà công chúng xứ chuột túi cũng như thế giới vẫn còn chưa thực sự tỏ tường.
Quá trình xây dựng được bắt đầu từ tháng 11.1981 và Tòa nhà Nghị viện mới được khai trương vào tháng 5.1988. Cho tới nay, công trình này vẫn là một trong những tòa nhà lớn nhất ở Nam bán cầu.
Một điểm thú vị nữa là tấm thảm Đại sảnh trong Tòa nhà cũng là một trong những tấm thảm lớn nhất thế giới với chiều rộng 20m và chiều cao 9m. Tác phẩm do nghệ sĩ Arthur Boyd vẽ và các thợ dệt đã phải mất hai năm để hoàn thành tấm thảm.
Ngoài ra, có một mảnh san hô hóa thạch đã được gắn vào một trong những viên gạch màu đen trong tiền sảnh bằng đá cẩm thạch của Nghị viện. Nó được gọi là Shawn the Prawn và có niên đại lên tới 345 triệu năm.
Chưa hết, Tòa nhà Quốc hội Australia còn sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật riêng với hơn 6.500 tác phẩm từ tất cả các thể loại nghệ thuật của đất nước chuột túi. Các thành viên của Quốc hội đã chọn các tác phẩm nghệ thuật này để treo trong văn phòng làm việc của mình. Kể từ năm 1911, hơn 200 bức chân dung của các Toàn Quyền, Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện đã được đặt hàng và treo trong tòa nhà…
Quốc hội Mỹ
Quốc hội đã hoạt động được 233 năm. Ít nhất 12.421 người đã phục vụ trong Hạ viện và Thượng viện kể từ khi Quốc hội đầu tiên được triệu tập, theo hồ sơ của Hạ viện Mỹ. Khoảng 680 người đã phục vụ trong cả hai viện.
Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ) là nơi thu hút giới trẻ tới làm việc. Khoảng 60% nhân viên của Quốc hội dưới 35 tuổi và 75% dưới 40 tuổi, theo Báo cáo của tổ chức New America năm 2020. Hầu hết nhân viên là thuộc thế hệ Millennials (gồm những người từ 26 đến 41 tuổi), với độ tuổi trung bình từ 26 đến 30.
Những sự thật thú vị khác liên quan đến các nghị sĩ. Các nhà lập pháp thường có xu hướng ở lại làm việc cho cơ quan lập pháp. Theo báo cáo của CRS, thời gian phục vụ trung bình tại Thượng viện là 11 năm (1,8 nhiệm kỳ) và trung bình tại Hạ viện là 8,9 năm (4,5 nhiệm kỳ). Thành viên phục vụ lâu nhất trong Quốc hội hiện là Dân biểu Don Young của Alaska, người đã phục vụ 48 năm, theo Axios.
Tuy nhiên, việc ở lại rất tốn kém vì các nhà lập pháp phải dành nhiều thời gian để gây quỹ. Theo Trung tâm chính trị đáp ứng (Center for Responsive Politics), chi phí trung bình của một chiến dịch giành chiến thắng tại Hạ viện là 2,4 triệu USD vào năm 2020. Tại Thượng viện, chi phí là 27 triệu USD. Có một sự thật đáng chú ý là: những phụ nữ tranh cử vào Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2020 đã phải gây quỹ trung bình nhiều hơn 29% so với nam giới để giành được ghế, theo một phân tích của Capitol Canary…