Những tác động tiêu cực của nạn bán xe 2 giá

Tình trạng ghi giá hóa đơn thấp hơn so với giá thực tế của các đại lý bán xe đang diễn ra phổ biến trên thị trường, trong bối cảnh nguồn cung cấp xe khan hiếm.

Như Người Đưa Tin phản ánh trong bài viết Xe máy khan hàng: Giá mua một đằng, hóa đơn một nẻo, doanh nghiệp khi mua xe máy, ô tô gặp phải tình trạng các đại xe máy bán chênh so với giá xuất hóa đơn.

Việc làm này đã vi phạm gì, ảnh hưởng như thế nào đến thu ngân sách nhà nước, biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng trên? Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến, Giám đốc Công ty TNHH Gia Võ.

Có tình trạng “chơi giá”

Người Đưa Tin (NĐT):Thưa luật sư, việc ghi giá hóa đơn thấp hơn so với giá trị thực tế của các đại lý bán xe đang diễn ra. Bà nhìn nhận về thực trạng này thế nào và nguyên nhân do đâu?

Nguyễn Thị Minh Yến: Vấn đề xuất hóa đơn thấp hơn so với giá trị thực tế của các đại lý bán xe diễn ra trong nhiều năm qua và giá cả chệnh lệch giữa giá bán và giá mua ngày càng tăng là tình trạng đang diễn ra phổ biến trên thị trường. Việc này không những gây ra tình trạng thiếu minh bạch trong kinh doanh, tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường bị suy giảm mà còn gây thiệt hại đáng kể cho khách hàng. Đặc biệt, điều này còn tác động không nhỏ, khiến cho nguồn thu thuế của Nhà nước bị thất thoát.

Theo cá nhân tôi nhận định, nguyên nhân xảy ra tình trạng này xuất phát từ 3 yếu tố chủ yếu sau:

Thứ nhất, do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, các quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở cho các tổ chức kinh doanh trục lợi. Thí dụ, trong ngành kinh doanh mua bán xe, có rất nhiều các đại lý bán xe nhập các xe cũ từ các cá nhân không có nhu cầu sử dụng và không có hóa đơn đầu vào, do vậy dù không cần xuất hóa đơn đầu ra vẫn có thể “cân đối” được chi phí. Cho nên, dù cơ quan thuế yêu cầu kê khai định mức trên một loại hàng hóa, các cơ sở kinh doanh này vẫn có thể linh hoạt kê khai chi phí theo hướng có lợi bằng cách giảm chi phí vốn. Bên cạnh đó, quy trình kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm tại các cơ sở kinh doanh, đại lý bán xe chưa được xây dựng rõ ràng theo một trình tự, thủ tục luật định.

Thứ hai, thói quen không lấy hóa đơn khi mua xe của khách hàng cũng khiến các đơn vị kinh doanh dễ dàng trục lợi. Thái độ “thờ ơ” với hóa đơn VAT của khách hàng vô tình tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh trốn thuế, bởi hóa đơn là chứng từ gốc xác định doanh thu, từ đó làm cơ sở tính nhiều sắc thuế quan trọng liên quan, như thuế thu nhập, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, việc không lấy hóa đơn VAT cũng sẽ gây ra nhiều bất lợi cho người tiêu dùng, bởi người bán không bị ràng buộc pháp lý với người mua, ít phải chịu trách nhiệm, bồi thường trong những trường hợp xảy ra sự cố như hỏng hóc, xe kém chất lượng,...

Lý giải cho thói quen của khách hàng phần lớn xuất phát từ trình độ của người dân còn thấp, nhất là trong việc nắm bắt các quy định, nội dung của các luật thuế. Điều này dẫn đến tình trạng tiếp tay với các hành vi cố ý của các đại lý bán xe trong việc xuất hóa đơn thấp hơn so với giá trị thực tế chiếc xe nhằm trục lợi. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách thuế của Nhà nước nhìn chung vẫn chưa đến được với mọi tầng lớp nhân dân, nên người dân không nhận thức rõ nghĩa vụ và quyền lợi khi đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Mặt khác, một bộ phận khách hàng vì muốn giảm số tiền lệ phí trước bạ phải nộp khi đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản là xe máy, ô tô trước cơ quan nhà nước đã chấp nhận sự chênh lệch giá giữa hóa đơn (giá niêm yết) với giá trị thực tế phải thanh toán khi giao dịch với các đại lý.

Thứ ba và cũng là nguyên nhân chủ chốt trong tình trạng này, đó chính là nguyên nhân xuất phát từ chính các cơ sở kinh doanh, đại lý bán xe hiện nay. Cụ thể, các đại lý này vì các mục đích lợi nhuận mà bất chấp việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất hóa đơn VAT để thực hiện nghĩa vụ kê khai và thanh toán các khoản thuế với Nhà nước, bất chấp vi phạm các quy định của pháp luật nhằm giảm các nghĩa vụ về thuế đối với cơ quan nhà nước (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,...)

LS. Nguyễn Thị Minh Yến

LS. Nguyễn Thị Minh Yến

NĐT: Như luật sư phân tích ở trên hành vi này là thiếu minh bạch, theo bà lý do mà các đại lý bán xe không ghi phần chi phí chênh lệch vào hóa đơn là gì và hệ lụy của việc này ra sao?

Nguyễn Thị Minh Yến: Trình trạng ghi và xuất giá hóa đơn thấp hơn so với giá trị thực tế của các đại lý bán xe chính là hành vi thiếu tính minh bạch trong kinh doanh, cụ thể là việc kê khai và thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản thế đối với Nhà nước. Bên cạnh đó, tình trạng này còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường giữa các cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề.

Việc các đại lý bán xe không ghi phần chi phí chênh lệch vào hóa đơn gây ra nhiều những tác động tiêu cực.

Đầu tiên, nó xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng khi thực hiện việc mua xe tại các đại lý.

Tiếp đến, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của Nhà nước, ví dụ cụ thể: Theo thông tin từ Honda Việt Nam đưa ra, trong tháng 3/2022 hãng này bán được hơn 180 nghìn chiếc xe máy, trong đó xe Vision là khoảng 46 nghìn chiếc. Tuy nhiên, để mua một xe Honda Vision, các đại lý Honda Việt Nam hầu như bán chênh lệch 10 triệu đồng/xe. Cụ thể, giá niêm yết 35 triệu đồng, bán ra gần 45 triệu đồng nhưng đại lý không ghi vào hóa đơn số tiền chênh lệch. Như vậy, số tiền “kê thêm” trong tháng 3/2022, có thể tạm tính khoảng 46 nghìn xe Vision nhân với 10 triệu đồng/chiếc, đã là khoảng 460 tỷ đồng. Chỉ riêng xe Honda Vision đã khoảng 460 tỷ đồng, giả sử tất cả các xe đều bị chênh lệch 10 triệu đồng nhân với 180 nghìn chiếc xe máy bán ra trong tháng 3/2022, thì số tiền không ghi vào hóa đơn là cực lớn.

Từ những con số nêu trên, tôi khẳng định không chỉ khách hàng chịu thiệt, mà Nhà nước còn bị mất nguồn thu thuế với con số khủng. Đây chỉ mới là phép tính tương đối, nhưng đáng để cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để Nhà nước không bị thất thu thuế.

Lý do dẫn đến tình trạng này như tôi đã nói trước đó, và nguyên nhân lớn nhất chính là do lòng tham, sự lợi nhuận mà các đại lý bán xe bất chấp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo của các quy định pháp luật chính là tiền đề cho các hành vi vi phạm của các đại lý này.

Thất thu ngân sách nhà nước

NĐT: Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng này, phải chăng vẫn còn những sơ hở trong việc quản lý của cơ quan chức năng cũng như quy định pháp luật?

LS. Nguyễn Thị Minh Yến: Hiện nay, tình trạng xuất hóa đơn thấp hơn so với giá trị thực tế của chiếc xe, giá trị thực tế khách hàng phải thanh toán khi mua xe lớn hơn nhiều so với giá niêm yết đang diễn ra rất phổ biển trên thị trường.

Đặc biệt, tình trạng này hiện nay không những vẫn chưa có quy định nào thật sự đảm bảo tính chặt chẽ để xử lý triệt để mà còn có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Chúng ta cần đánh giá chính xác sự ảnh hưởng tiêu cực của hành vi này đến người tiêu dùng cũng như Nhà nước để nhanh chóng đưa ra các biện pháp khắc phục, xử lý và hoàn thiện các quy định pháp luật.

NĐT: Theo người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để giải quyết tình trạng này?

LS. Nguyễn Thị Minh Yến: Trước hết, đối với người tiêu dùng, trường hợp khách hàng vì muốn giảm số tiền lệ phí trước bạ phải nộp khi đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản là xe máy, ô tô trước cơ quan nhà nước đã chấp nhận sự chênh lệch giá giữa hóa đơn (giá niêm yết) với giá trị thực tế phải thanh toán khi giao dịch với các đại lý.

Việc khách chấp nhận lấy hóa đơn (giá niêm yết) khi mua xe tại các đại lý là tự bản thân mình tước bỏ quyền được bảo vệ của người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2018. Bởi lẽ, trong trường hợp xảy ra tranh chấp (về chất lượng của chiếc xe ảnh, sự cố kỹ thuật,...) thì người tiêu dùng thiếu căn cứ để chứng minh giá trị thực tế mà mình đã thanh toán khi mua xe nhằm ràng buộc trách nhiệm của các đại lý này trong việc giải quyết tranh chấp trước cơ quan nhà nước. Trường hợp, khách hàng đưa ra được những căn cứ để chứng minh giá trị thực của chiếc xe cũng đồng nghĩa với việc khách hàng tự thừa nhận việc có hành vi trốn thuế.

Đối với Nhà nước, việc các đại lý bán xe xuất hóa đơn thấp hơn so với giá trị thực tế khi giao dịch với khách hàng là hành vi có dấu hiệu trốn thuế bằng việc chiếm đoạt khoản chênh lệch mà không phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và thanh toán thuế trước cơ quan nhà nước. Thuế là khoản thu mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho Nhà nước. Hậu quả của hành vi trốn thuế là những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế,... Hậu quả trực tiếp của hành vi trốn thuế là gây thiệt hại cho Nhà nước, làm cho Nhà nước không thu được một khoản ngân sách mà lẽ ra phải thu được.

NĐT: Bà vừa nói đây là hành vi trốn thuế, vậy hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?

LS. Nguyễn Thị Minh Yến: Trốn thuế được hiểu hành vi vi phạm quy định về quản lý thuế của Nhà nước nhằm mục đích không hoàn thành hoặc hoàn thành không đầy đủ nghĩa vụ nộp cho Nhà nước.

Hành vi “Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán” là một trong những hành vi trốn thuế. Như vậy, việc ghi giá trị bán vào hóa đơn giá bán xe thấp hơn so với giá bán thực tế giao động từ 2 triệu đến 20 triệu đồng là hành vi trốn thuế.

Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy từng trường hợp.

Căn cứ theo điểm đ Khoản 1 Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì, tổ chức, pháp nhân thương mại có thể bị phạt đến 2 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế. Bên cạnh đó, tổ chức, pháp nhân vi phạm phải buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước, buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế nếu có.

Nếu số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế và chưa được xóa án tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, có mức phạt tù thấp nhất 3 tháng, cao nhất là 7 năm tù.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền thấp nhất 300 triệu đồng, cao nhất 10 tỷ đồng tùy theo số thuế trốn. Ngoài ra, còn có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong khoảng thời gian từ 1 - 3 năm.

NĐT: Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trao đổi này!

Đỗ Tuấn Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-tac-dong-tieu-cuc-cua-nan-ban-xe-2-gia-a553375.html