Những tác động tới thị trường tài chính trong nước sau cuộc họp của FED
Sau khi FED kết thúc cuộc họp tháng 3, nhiều diễn biến kinh tế tài chính thế giới đã có sự thay đổi và điều này đang có những yếu tố tác động khác nhau đối với thị trường tài chính trong nước.
Củng cố khả năng giảm lãi suất
Vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã hoàn thành cuộc họp chính sách tiền tệ với kết quả là vẫn tiếp tục duy trì mức cao nhất 23 năm là 5,25 - 5,5%. Đây là một kết quả không quá bất ngờ và đã được thị trường dự báo từ trước. Tuy nhiên, một nội dung quan trọng đáng quan tâm sau cuộc họp này của FED là đưa ra thông điệp có tính chắc chắn hơn về khả năng sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay. Cho dù tuyên bố này đi kèm với điều kiện về việc cần có thêm bằng chứng rõ rệt về sự đi xuống của lạm phát, nhưng điều này cũng đã làm thay đổi các quan điểm dự báo trước đó của thị trường tại thời điểm trước khi cuộc họp diễn ra.
Trước cuộc họp này của FED, có những thời điểm các dự báo về 3 đợt giảm lãi suất của FED trong năm 2023 có vẻ chắc chắc, nhưng sau đó, niềm tin này trở nên lung lay hơn sau khi các số liệu về chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 của Mỹ được công bố.
Cụ thể, hồi giữa tháng 3/2023, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số CPI tháng 2/2024 tăng 0,4% so với tháng trước đó và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số này đều cao hơn dự báo của giới phân tích và cao hơn tháng 1. Trong khi lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,4% so với tháng trước đó và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các con số này khiến cho một số nhà đầu tư tỏ ra lo lắng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất của FED.
Ông Stephen Juneau - nhà kinh tế tại Công ty chứng khoán Bank of America Securities, viết trong một báo cáo cho biết, một chỉ số lạm phát phù hợp với kỳ vọng sẽ giúp FED đi đúng hướng trong việc bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6. Nhưng nếu CPI lõi cao hơn kỳ vọng, điều đó sẽ làm tăng khả năng FED bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất muộn hơn.
Những tác động với thị trường Việt Nam
Diễn biến trên cho thấy, các thông điệp của FED sau cuộc họp vừa diễn ra đã củng cố tốt hơn niềm tin của giới tài chính đối với lộ trình giảm lãi suất của FED trong năm 2024. Công cụ FEDWatch dự báo động thái của FED cho kết quả về khả năng 63,7% FED sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6/2024, cao hơn khá nhiều so với dự báo trước khi có kết quả cuộc họp tháng 3 vừa diễn ra. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng phản ứng tăng điểm tích cực sau khi có kết quả cuộc họp tháng 3 của FED. Chỉ số Dow Jones duy trì đà tăng liên tục trong các ngày 20 và 21/3 và đạt mốc cao nhất mọi thời đại của chỉ số này.
Tại thị trường tài chính Việt Nam, nhiều áp lực tâm lý duy trì trên thị trường trước đó cũng đã được giải tỏa. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn giữa tháng 3 cũng có một số phiên giảm điểm mạnh, đơn cử như phiên giao dịch 18/3, chỉ số VN-Index giảm tới trên 20 điểm. Tại thời điểm đó, một số quan điểm cho rằng ảnh hưởng tiêu cực này do tác động của việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện đợt hút tiền qua thị trường mở. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó cũng có một số quan điểm phân tích cho rằng, sự ảnh hưởng đối với tâm lý thị trường không nằm động thái hút tiền, mà thực chất nằm ở những lo ngại về các yếu tố không chắc chắn đối với hành động của FED.
Bà Phan Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Khối phân tích đầu tư thuộc Công ty chứng khoán VPBank cho biết, việc bán tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước không phải là yếu tố đáng lo với thị trường chứng khoán, mà cái đáng quan tâm nhất hiện này là liệu rằng FED có thực hiện cắt giảm lãi suất trong tháng 6 này hay không.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect, trong nhận định của mình cũng tỏ ra quan tâm về những ảnh hưởng của các hành động của FED trong tháng 6 đối với thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ông Hinh, thị trường đang kỳ vọng những hé lộ mới về hướng đi tiếp theo của FED, cụ thể là thời điểm dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành và mức độ cắt giảm dự kiến trong năm nay. “Nếu kịch bản của FED đưa ra không quá ‘diều hâu’ so với kỳ vọng trước đó của thị trường, thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phản ứng tích cực của các thị trường tài chính” - ông Hinh đánh giá.
Giá vàng tăng mạnh, nhưng quay đầu giảm sau đó
Sau cuộc họp tháng 3 của FED vừa diễn ra, không những thị trường chứng khoán có sự hưng phấn mà thị trường vàng cũng gia tăng sức nóng. Giá vàng thế giới bắt đầu tăng vọt từ chiều ngày 20/3 và tiếp tục duy trì sức nóng trong ngày 21/3, với đỉnh điểm có lúc vượt 2.210 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng đã điều chỉnh giảm mạnh sau đó và đến sáng ngày 22/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng đã quay về còn 2.171 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng miếng SJC 9999 sáng ngày 22/3 cũng đã điều chỉnh giảm về mức chỉ còn 78,3 triệu đồng/lượng mua vào và 80,3 triệu đồng/lượng bán ra; giá vàng nhẫn SJC 9999 được niêm yết mức 67,9 triệu đồng/lượng mua vào và 69,2 triệu đồng/lượng bán ra.