Những tác dụng không ngờ cho sức khỏe của món chuối ngâm giấm
Chuối giàu kali, vitamin B2 và nhiều chất dinh dưỡng khác. Khi kết hợp giấm và chuối sẽ cho ra một loại thức uống tốt cho sức khỏe.
Những công dụng chính của giấm chuối
Hạ đường huyết: Một trong những tác dụng của giấm chuối là giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo, giấm chuối sẽ không chữa khỏi bệnh tiểu đường và nó không thể thay thế cho lối sống lành mạnh hoặc phương pháp điều trị y tế cho bệnh tiểu đường.
Giảm chất béo trung tính trong máu: Giấm chuối có thể làm giảm nồng độ chất béo trung tính trong huyết thanh (triglyceride là một loại chất béo trong máu). Tuy nhiên, giấm chuối không có tác dụng đáng kể đối với LDL-C (lipoprotein mật độ thấp hoặc cholesterol xấu), cholesterol toàn phần hoặc HDL-C (lipoprotein mật độ cao hoặc cholesterol tốt).
Hỗ trợ giảm cân: Nghiên cứu chỉ ra rằng khi tiêu thụ trước bữa ăn, nó có khả năng làm giảm sự thèm ăn, tăng cảm giác no và đẩy nhanh cảm giác no, có khả năng hỗ trợ kiểm soát béo phì. Trên thực tế, một nghiên cứu đã chứng minh rằng những người đang đối mặt với bệnh béo phì khi kết hợp axit axetic (thành phần chính trong giấm chuối) vào chế độ ăn của họ trong khoảng thời gian 12 tuần đã giảm đáng kể về cân nặng, mỡ bụng và vòng eo.
Mặc dù nó có thể mang lại một số lợi ích tiềm năng nhưng vẫn phải nhấn mạnh giấm chuối không phải là giải pháp thần kỳ để giảm cân. Việc giảm cân toàn diện bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch: Giấm chuối có thể có vai trò tiềm năng trong việc giảm cholesterol trong máu, bao gồm cholesterol toàn phần, lipoprotein mật độ thấp (LDL, cholesterol xấu) và chất béo trung tính, đồng thời tăng lipoprotein mật độ cao (HDL, cholesterol tốt). Cholesterol trong máu cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra cơn đau tim, bệnh tim và đột quỵ.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu về vai trò của giấm chuối trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch.
Ngăn ngừa tăng huyết áp: Đã có những nghiên cứu cho thấy, huyết áp tâm thu giảm trung bình 6,5% và huyết áp tâm trương (áp lực máu thấp nhất trong mạch máu xảy ra giữa các nhịp tim) giảm 8% sau 10 tuần sau khi sử dụng giấm, sở dĩ là do giấm có thể điều chỉnh hệ thống huyết áp, mở rộng mạch máu và từ từ ngăn chặn sự gia tăng huyết áp.
Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường: Một công dụng chính khác của giấm chuối là khả năng làm giảm lượng đường trong máu; cải thiện độ nhạy Insulin và phản ứng đường huyết của cơ thể sau bữa ăn. Một nghiên chỉ ra, hai thìa giấm trước khi đi ngủ làm giảm lượng đường huyết lúc đói từ 4 - 6%.
Tuy nhiên giới chuyên gia cũng lưu ý, giấm chuối có tính axit cao có thể ảnh hưởng đến đường dẫn thức ăn nếu uống nhanh và không có nước. Các tác dụng phụ hiếm gặp khác có thể xảy ra của giấm chuối là: Hạ Kali máu (kali thấp); buồn nôn và nôn; tương tác với thuốc…
Cách làm giấm chuối đơn giản tại nhà
Nguyên liệu gồm: 5 quả chuối chín; 100 gram đường cát trắng hoặc dừa tươi; 100 ml rượu gạo; 5 lít nước sôi để nguội; một hũ ngâm giấm có thể tích khoảng 7 lít.
Dừa chặt lấy nước, chuối bóc bỏ vỏ. Sau đó cho vào hũ thủy tinh cùng 100 ml rượu gạo và 5 lít nước sôi để nguội. Đậy kín nắp hũ, đặt nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp từ mặt trời và đặc biệt không xê dịch. Tùy vào thời tiết mà sau 45 - 60 ngày, trên bề mặt hỗn hợp sẽ xuất hiện một lớp váng trắng đục, đây được gọi là “con giấm”
Để càng lâu ngày, con giấm sẽ dày lên và có màu trong trong đục đục như sứa biển. Ngoài ra, khi con giấm bắt đầu hình thành, nước trong hũ cũng trở thành giấm chua, để càng lâu giấm sẽ càng chua. Do đó nên canh chừng thời gian phù hợp. Nếu thấy độ chua vừa ý thì bắt đầu chiết giấm.
Giấm đã chiết ra là có thể sử dụng, muốn giấm ngon hơn cho giấm qua 1 tấm vải thưa hoặc lọc lại 1 lần nữa. Muốn sử dụng lâu thì nấu sôi giấm sau đó để nguội, cho vào chai/lọ thủy tinh là dùng được. Vì khi không đun sôi, giấm để lâu sẽ tiếp tục hình thành con giấm và chua hơn.