Những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc: Tài sản vô giá của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức gặp mặt, chúc mừng, tri ân và giao lưu với các nghệ sỹ nhiếp ảnh từng công tác tại TTXVN được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh...
Sáng 18/5, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức gặp mặt, chúc mừng, tri ân và giao lưu với các nghệ sỹ nhiếp ảnh từng công tác tại TTXVN được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.
* Đồng hành cùng dân tộc trong những thời khắc lịch sử
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đoàn Thị Tuyết Nhung cho biết: Sau 6 đợt xét tặng từ năm 1996 đến 2022, TTXVN đã vinh dự có 19 tác giả được vinh danh, với 4 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 18 Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, lĩnh vực Nhiếp ảnh.
Trong đó, Nhà báo - Liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, cố Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Võ An Khánh và nhà báo Chu Chí Thành vinh dự được tặng cả 2 Giải thưởng. Đa số các tác phẩm ảnh xuất sắc được vinh danh đều được thực hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ có bộ ảnh "Sự giản dị hiếm thấy của một vĩ nhân" (chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp) của nhà báo Trần Văn Tuấn được thực hiện sau ngày đất nước thống nhất.
Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, nhân dân dành tặng cho TTXVN, cho Nhiếp ảnh Thông tấn và những nhà báo quả cảm, đã đồng hành cùng dân tộc trong những thời khắc lịch sử, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là niềm tự hào, niềm vinh dự to lớn đối với các thế hệ phóng viên, biên tập viên, viên chức, người lao động của TTXVN - Phó Tổng Giám đốc nêu rõ.
Phó Tổng Giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung khẳng định: Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi nhận, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, TTXVN luôn làm tốt vai trò cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng, Nhà nước. Phóng viên TTXVN đã có mặt khắp các chiến trường, tại những nơi hiểm nguy nhất, ghi lại những thời khắc, khoảnh khắc lịch sử, lên án tội ác chiến tranh, phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân, dân ta để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Nhiều phóng viên TTXVN đã anh dũng hy sinh trên chiến trường khi thực hiện nhiệm vụ thông tin. TTXVN là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất, với hơn 260 liệt sỹ, trong tổng số hơn 400 nhà báo liệt sỹ của cả nước.
Đặc biệt với đội ngũ phóng viên ảnh đông đảo, kho tư liệu với hơn 1 triệu bản phim, ảnh, TTXVN là trung tâm tư liệu ảnh quốc gia lưu giữ số lượng ảnh lớn nhất, sinh động nhất về các cuộc kháng chiến, các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc gắn liền với các cuộc kháng chiến, sự kiện lịch sử của đất nước, dân tộc do các thế hệ nhà báo TTXVN thực hiện, đã trở thành tài sản vô giá cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như nền Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam.
Những giải thưởng cao quý, những tấm gương lao động nghệ thuật, hy sinh quên mình của các thế hệ đi trước sẽ tiếp tục truyền lửa, cổ vũ mạnh mẽ cho những người làm báo Thông tấn trong hành trình xây dựng TTXVN thành cơ quan Thông tấn quốc gia chủ lực đa phương tiện, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, phát triển lớn mạnh của đất nước - Phó Tổng Giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh.
* Truyền lửa cho thế hệ trẻ TTXVN
Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 19/5, nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đợt này, 128 tác giả, đồng tác giả được được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
TTXVN có 7 nghệ sỹ nhiếp ảnh là các nhà báo lão thành có các tác phẩm được trao Giải thưởng đợt này, gồm: Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh "Hai người lính", gồm 4 ảnh. Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Lộc, được tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh "Phụ nữ miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước", 8 ảnh.
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Phạm Văn Thính, được tặng Giải thưởng Nhà nước với hai tác phẩm "Cầu người" và "Trên vành đai thép Tây Ninh". Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, được tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh "Địch phá ta cứ đi", gồm 5 ảnh. Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Văn Tuấn, được tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh "Sự giản dị hiếm thấy của một vĩ nhân", gồm 8 ảnh.
Cố Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Võ An Khánh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang", gồm 10 ảnh. Cố Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Đặng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh "Nam bộ - Thành đồng Tổ quốc", gồm 10 ảnh… Đây là niềm tự hào, niềm vinh dự to lớn đối với các thế hệ phóng viên, biên tập viên, viên chức, người lao động của TTXVN.
Tại buổi gặp mặt, các nhà báo lão thành đã chia sẻ niềm đam mê nghề nghiệp; những câu chuyện lịch sử, những ký ức của một thời bom đạn đầy gian khổ nhưng rất vẻ vang; kỷ niệm về các tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật...
Bày tỏ cảm xúc tại buổi gặp mặt, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành thể hiện niềm vinh dự, tự hào khi được là một phóng viên TTXVN. Ông luôn nhắn nhủ với gia đình, con cháu rằng, nếu không có TTXVN, sẽ không có Chu Chí Thành, không có những giải thưởng cao quý như hôm nay…
Là một trong lớp phóng viên được đào tạo đầu tiên về nhiếp ảnh, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Đinh Quang Thành cho biết vẫn nhớ như in những năm tháng được làm việc tại TTXVN. Giao lưu cùng các đoàn viên, phóng viên trẻ, Nhà báo Đinh Quang Thành đã chia sẻ về cách tạo cảm hứng trong công việc để ra đời các tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc, ấn tượng nhất.
Theo nghệ sỹ, kiến thức xã hội là tiêu chí quan trọng nhất giúp nâng giá trị tác phẩm nhiếp ảnh, cũng như ảnh báo chí. Là một phóng viên TTXVN, việc học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội càng đặc biệt quan trọng...
Những chia sẻ, kinh nghiệm của các nhà báo lão thành đã tạo cảm hứng, giúp các phóng viên, biên tập viên trẻ của TTXVN có thêm kinh nghiệm quý báu trong hoạt động tác nghiệp, để có được những tác phẩm chất lượng, phản ánh chân thực, sinh động hơi thở của cuộc sống, từ đó nuôi dưỡng thêm tình yêu nghề, yêu ngành, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, không ngừng nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của TTXVN./.