Những tài năng trẻ ở vùng sâu vùng xa chưa được phát hiện và bồi dưỡng
Sáng 12/12, trong khuôn khổ Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần III, Trung ương Đoàn tổ chức diễn đàn 'Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam' để các đại biểu dự Đại hội chia sẻ quan điểm, góc nhìn và đề xuất những giải pháp để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác tài năng trẻ Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia của 80 đại biểu là đại biểu chính thức của Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần III.
Tại diễn đàn các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Công tác phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ; Công tác hỗ trợ, bảo trợ, đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ; Công tác thu hút, tập hợp, kết nối và phát huy tài năng trẻ; Những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác tài năng trẻ.
1.Tài năng trẻ cần được phát hiện sớm tại nhiều lứa tuổi, nhiều địa phương
Các đại biểu tham dự diễn đàn đều có chung ý kiến cho rằng các tài năng trẻ đặc biệt là về âm nhạc, nghệ thuật, thể dục thể thao cần được phát hiện khi còn rất nhỏ.
Bạn Bùi Vũ Nguyệt Minh (Văn nghệ sĩ trẻ -TPHCM) cho rằng trong nghệ thuật phương Tây, hệ thống tuyển chọn chưa được tổ chức hợp lý. Các tài năng trẻ ở độ tuổi từ 9-14 tuổi mặc dù chưa đạt đến độ chín trong nghệ thuật nhưng lại là một ưu thế khi phát hiện và đào tạo từ sớm. Tuy nhiên hiện nay các cuộc thi dành cho lứa tuổi 9-14 không có nhiều.
Bạn Võ Anh Thư (Tỉnh Đoàn An Giang) cũng cho rằng để phát triển tài năng trong âm nhạc cần tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều cuộc giao lưu ở nhiều lứa tuổi nhất là những lứa tuổi nhỏ để sớm phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng thời các cấp chính quyền các cơ sở đoàn cũng phải quan tâm hơn nữa đến các tài năng trẻ ở vùng sâu vùng xa. Không chỉ trong âm nhạc, hầu như ở mọi lĩnh vực, các tài năng trẻ chủ yếu được phát hiện và bồi dưỡng ở các thành phố, những tài năng trẻ ở vùng sâu vùng xa chưa được quan tâm chú ý đến.
2. Quan tâm đến đời sống tâm tư, lý tưởng và đạo đức
Về công tác hỗ trợ, bảo trợ tài năng trẻ các đại biểu đều đưa đến ý kiến rằng các cấp cần chú quan tâm hơn đến đời sống tâm tư, lý tưởng và đạo đức của các tài năng trẻ. Có thêm nhiều chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tài năng trẻ phát huy hết bản thân.
Theo bạn Nguyễn Hùng Linh (Công nhân trẻ-TPHCM) công tác hỗ trợ, bảo trợ, đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ cần tăng cường bồi dưỡng đào tạo thêm kiến thức và đào tạo thêm các tư duy tích cực cho thanh niên. Có thêm nhiều chính sách chăm lo cho đời sống tài năng trẻ để có lối sống lành mạnh và tư duy đúng đắn.
Về công tác đào tạo, bạn Bùi Vũ Nguyệt Minh (Văn nghệ sĩ trẻ -TPHCM) cũng chia sẻ suy nghĩ rằng Việt Nam có thể nhập khẩu nền giáo dục, nền âm nhạc nước ngoài, áp dụng vào đào tạo tại Việt Nam để theo kịp sự phát triển của toàn cầu. Ví dụ như ở Đức tổ chức tuyển chọn tài năng trẻ rất độc đáo như: xóa tên thí sinh, để tuyển dụng,.. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng.
Nguyễn Văn Hoàn (Lạng Sơn) cho biết tại các địa phương còn nhiều tài năng, có ý tưởng nhưng chưa bắt nguồn từ đâu. Từ đó mong muốn các tổ chức đoàn quan tâm nhiều hơn đến các tâm tư, mong muốn, ý tưởng của các đoàn viên. Từ đó tạo điều kiện, tạo động lực cho các đoàn viên theo đuổi sáng kiến, theo đuổi ước mơ của mình.
3. Mong muốn có nhiều cuộc thi hơn nữa
Tham dự diễn đàn có 80 đại biểu ở các độ tuổi khác nhau, từ các lĩnh vực, từ các địa phương khác nhau, nhưng nhìn chung tất cả đều mong muốn có nhiều cuộc thi hơn nữa phù hợp với từng lĩnh vực, từng lĩnh vực để cọ xát, học hỏi và phát huy thêm các thế mạnh của bản thân.
Bạn Huỳnh Vũ Nhu Giang (8 tuổi, Vận động viên bơi lội – TPHCM) chia sẻ:Hiện nay, ở nước ta một số môn thể thao được đẩy mạnh, tập trung đào tạo và đưa ra thi nước ngoài. Nhưng môn bơi lội ở độ tuổi của em chỉ được tham gia một số giải nhỏ như giải mở rộng của Singapore. Các giải trong nước hầu như không có, em mong muốn được tham gia thêm nhiều giải đấu trong và ngoài nước để cọ xát và học hỏi thêm từ nhiều các đối thủ khác nhau.
Bạn Nguyễn Duy (Nghệ sĩ trẻ - Bắc Ninh) mong muốn có thêm nhiều cuộc giao lưu, cuộc thi dân ca, vừa để phát hiện sớm các tài năng trẻ, vừa để gìn giữ và truyền bá được loại hình âm nhạc truyền thống dân ca.
4.Thay đổi cơ chế thu hút tài năng trẻ
Từ những thực tiễn và mong muốn trên, các đại biểu đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác tài năng trẻ.
Bạn Nguyễn Duy (Nghệ sĩ trẻ- Bắc Ninh) luôntrăn trở về việc duy trì loại hình nghệ thuật là dân ca và mong muốn giảm bớt các thủ tục để các văn nghệ sĩ tuyển chọn vào các đoàn văn nghệ thuật dễ dàng hơn.
Đinh Thị Hằng (đại diện tỉnh đoàn Thái Nguyên) đưa ra ý kiến đóng góp rằng tổ chức Đoàn cần tham mưu giúp Đảng và Nhà nước có những chủ trương, cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng về đãi ngộ, trọng dụng tài năng và tạo môi trường phát huy tài năng trẻ, tạo điều kiện cho các bạn trẻ gánh vác những trọng trách phù hợp với năng lực và trình độ của họ để hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” như hiện nay.
Nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực vẫn chú trọng hình thức thi tuyển thay vì xét tuyển thẳng, hay một số cơ quan, các bộ ngành có áp dụng nghị định 140/2007/NĐ - CP Nghị định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào để tuyển dụng nhưng lại đòi hỏi các điều kiện khác kèm theo khiến cho những tài năng không có môi trường phù hợp để phát triển đúng với năng lực của mình. Kiến nghị cần có những giải pháp, cơ chế để những chính sách đưa ra áp dụng đối với tài năng trẻ được thực hiện một cách có hiệu quả, vừa giúp đất nước tận dụng được nhân tài vừa giúp cho nhân tài phát huy được khả năng, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Diễn đàn đã kết thúc sau hơn 3 tiếng trao đổi. Ban tổ chức đã lắng nghe các bạn đoàn viên, thanh niên tài năng trẻ tiêu biểu trên cả nước cùng giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tài năng trẻ và phát triển nguồn nhân lực trẻ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.