Những tấm gương Bộ đội Cụ Hồ trên đỉnh Pu Sâng
Xuyên những cánh rừng heo hút, Đồn Biên phòng (ĐBP) Mường Lèo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sơn La nằm trong màn sương mờ ảo trên đỉnh Pu Sâng. Nơi heo hút đó lan tỏa những hình ảnh đẹp về tấm gương người tốt, việc tốt, tô thắm hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Dũng cảm cứu người đuối nước
Mường Lèo là xã vùng III biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, cách trung tâm huyện hơn 60km đường dốc núi, có đường giáp ranh với tỉnh Điện Biên và nước CHDCND Lào. Toàn xã có 13 bản với 3 dân tộc cùng sinh sống: Thái, Mông, Khơ Mú với 677 hộ (trong đó có 238 hộ nghèo, chiếm 35,31%); 114 hộ cận nghèo (chiếm trên 16,91%).
Mặc dù hoạt động ở địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng cán bộ, chiến sĩ ĐBP Mường Lèo đã phối hợp tốt cấp ủy, chính quyền địa phương, vận động nhân dân tham gia quản lý bảo vệ biên giới; ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, không để xảy ra đột biến xấu trên biên giới; tổ chức hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo.
Thực hiện “ba bám, bốn cùng”, trong năm 2023, Đồn đã phối hợp ngăn chặn cháy rừng, khắc phục hậu quả thiên tai sau sạt lở đất, ươm những mầm xanh cho biên cương.
Mới đây, Đại úy Quàng Văn Tám, Chính trị viên phó ĐBP Mường Lèo đã không quản thân mình cứu người bị đuối nước. Khoảng 16h ngày 5/9, trên đường dự khai giảng năm học mới của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở Mường Lèo trở về đơn vị, Đại úy Tám nghe tiếng hô hoán có một người dân bị đuối nước dưới suối Nậm Pừn, đoạn gần trung tâm xã.
Không màng nguy hiểm, Đại úy Tám đã trượt từ mái taluy cao 5m xuống bờ suối, rồi nhảy xuống dòng nước để cứu người bị nạn là anh Giàng A Dệnh (SN 1982, ngụ bản Sam Quảng). Khi đi bộ gần suối, do sơ ý, anh Dệnh trượt chân rơi xuống taluy âm, ngã xuống suối và bị ngất ngay sau đó, gãy 4 xương sườn, một số phần mềm bị chấn thương.
Sau khi được cứu khỏi đuối nước, anh Dệnh đã tím tái, tiểu ra máu, mất nhận thức, ngừng thở. Đại úy Tám và người dân gần đó vội hô hấp nhân tạo, sơ cứu ban đầu và chuyển nạn nhân về trạm y tế xã cấp cứu, rồi chuyển lên bệnh viện huyện tiếp tục điều trị và theo dõi sức khỏe. Hiện anh Dệnh đã bình phục.
Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên ĐBP Mường Lèo cho biết, Đại úy Tám là cán bộ trẻ, nhiệt huyết, có năng lực và trình độ tốt. Thời gian qua, Đại úy Tám cùng tập thể Đảng ủy, Ban Chỉ huy ĐBP Mường Lèo lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, được cấp trên đánh giá cao.
Ngày 20/9, thừa ủy quyền của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Sơn La đã trao Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Đại úy Tám vì hành động dũng cảm cứu người đuối nước.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Tỉnh đoàn đã biểu dương hành động dũng cảm cứu người dân bị đuối nước của Đại úy Tám. Hành động của anh là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, là tấm gương cho đoàn viên thanh niên trong tỉnh học tập, noi theo, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của đoàn viên thanh niên về tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.
Trước đó, UBND huyện Sốp Cộp cũng tặng Giấy khen cho Đại úy Tám vì hành động đẹp này. Nhân dịp này, Ban Chỉ huy ĐBP Mường Lèo đề nghị cán bộ, chiến sĩ đơn vị học tập theo tinh thần không quản khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân của Đại úy Tám, góp phần củng cố vững chắc mối quan hệ gắn bó quân - dân khu vực biên giới.
Tổ chức lớp học xóa mù chữ
Là xã khó khăn nhất huyện, số học sinh học hết THCS ở Mường Lèo không nhiều. Có những em lớp 8 - 9 đã bỏ học để lấy vợ, lấy chồng. Mặt khác, do điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn lạc hậu nên tình trạng mù chữ, tái mù của người dân tại 13 bản vẫn diễn ra. Trước thực trạng này, nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ ĐBP Mường Lèo đã tổ chức các lớp học xóa mù hỗ trợ người dân tăng cường kiến thức, kỹ năng cơ bản…
Thiếu tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lèo (thời điểm tháng 3/2023) cho biết: Tháng 5/2023, Đồn khai giảng lớp xóa mù tại bản Pá Khoang. Ban Chỉ huy Đồn giao nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy trực tiếp cho Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hờ A Thành, nhân viên Đội Vận động quần chúng. Lớp học mở tại nhà văn hóa xã.
Nói về hành trình trở thành thầy giáo “quân hàm xanh”, Thiếu tá Thành kể: “Tôi sinh ra lớn lên ở bản Long Ke (xã Huổi 1, huyện Sông Mã, Sơn La), bản vùng cao lại còn sâu và xa, hồi đó ăn còn không đủ chứ nói gì đi học. Mãi đến năm 12 tuổi, tôi mới được bố cho đi học Trường Nội trú thiếu nhi dân tộc tại thị trấn Sông Mã”.
Xa gia đình, tự lập mọi thứ, cứ mỗi khi được nghỉ, cậu bé lại đi bộ gần 30km đường rừng về phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy. Học xong cấp 1, Thành tiếp tục xin học tại Trường Nội trú tỉnh Sơn La, nơi cách nhà hơn 100km.
Năm 24 tuổi, thay vì tốt nghiệp đại học như bạn bè cùng trang lứa thì anh mới chỉ tốt nghiệp cấp 3. Trong thâm tâm của chàng trai vẫn muốn được đi học tiếp, nhưng nghĩ lại gia cảnh, anh đành ở nhà. Đến năm 26 tuổi anh đăng kí nhập ngũ BĐBP Sơn La.
Nhận thấy Binh nhất Hờ A Thành nhanh nhẹn, ham học hỏi lại có trình độ văn hóa, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La cử anh đi học Trường Trung cấp Truyền hình Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 2016, anh tiếp tục theo học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đào tạo tại TP Sơn La) và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.
Những lớp học biên phòng được ĐBP Mường Lèo bắt đầu triển khai từ năm 2021 tại 2 bản Huổi Lạ và Huổi Luông, xã Mường Lèo, đến nay đã xóa mù chữ được cho khoảng 100 người dân là đồng bào dân tộc Mông ở vùng biên giới.
Còn lớp ở bản Pá Khoang có 34 thành viên, 100% là người Mông. Người lớn tuổi nhất là anh Sồng A Tủa (hơn 50 tuổi); ít tuổi nhất là Giàng Thị Mẩy (18 tuổi). Các buổi học diễn ra từ 7h30 - 9h30 tối Thứ Hai đến Thứ Sáu trong tuần. Tuy nhiên, thể theo đề nghị được học thêm cả tối Thứ Bảy của học viên, Thiếu tá Thành đã sắp xếp công việc để dạy.
Lớp học của Thiếu tá Thành dạy từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó trọng tâm giúp học viên cách đọc hiểu, viết, phép tính đơn giản để sử dụng vào cuộc sống.
Lớp học có 34 học viên đăng ký, ý thức học tập tăng lên, song số buổi duy trì được 100% học viên không nhiều bởi bà con bận bịu với lao động, sản xuất. Đặc biệt, vào vụ mùa, khi thời tiết mưa gió lớp chỉ duy trì từ 15 - 20 học viên/buổi.
Như chị Giàng Thị Mẩy đăng ký tham gia lớp học khi có bầu. Học vài tháng, chị đến ngày sinh nở. Song chỉ 1 tháng sau sinh, vào các buổi tối chị gửi con để tới lớp. Nhiều hôm không nhờ được người trông, chị địu cả con đến lớp. Mẹ học, con ngủ trong tiếng ê a đánh vần.
“Trước đây vì hoàn cảnh em không được học. Khi lớp xóa mù mở ở bản và được các chú bộ đội vận động, bản thân thấy việc học cần cho cuộc sống và sau này có thể nuôi dạy con cái nên quyết tâm theo học. Biết chữ ra đường em thấy tự tin hơn; đi chợ không phải nhờ người “phiên dịch”. Em sẽ cố gắng học cho tới khi lớp kết thúc”, chị chia sẻ.