Những tấm gương Thủ đô học tập, làm theo theo gương Bác Hồ
Kintedothi - Thời gian qua, Hà Nội có nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương vì đã dám làm, hết lòng, hết sức vì lợi ích của cộng đồng; vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo gương Bác Hồ.
Một số gương cá nhân, tập thể điển hình đã được tuyên dương, giới thiệu đến công chúng thông qua triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Báo Kinh tế & Đô thị giới thiệu một số gương điển hình học tập, làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh:
1. Nhân viên Đội Quản lý, Vận hành - Công ty Điện lực Ba Đình (Hà Nội)
Một trong những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là Đội Quản lý, Vận hành thuộc Công ty Điện lực Ba Đình, Hà Nội. Hiện tại, Đội đang quản lý 752 trạm biến áp/914 máy biến áp với tổng dung lượng 769.455 KVA, 232km đường dây trung thế, phối hợp với quản lý vận hành 51 đường dây trung thế được cấp điện từ 7 trạm 110kV: E5, E8, E9, E11, E14, E18, E21.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, Đội đã phấn đấu thi đua đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác quản lý vận hành. Kết quả từ năm 2007 - 2019, Công ty Điện lực Ba Đình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đạt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao, đặc biệt công tác quản lý vận hành lưới điện liên tục nhiều năm.
Đơn vị đã đạt các thành tích về: Các chỉ tiêu về suất sự cố theo quy định của EVN; Duy trì không có hộ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; không để xay ra tai nạn lao động; công tác ứng trực, khắc phục sự cố luôn được chủ động, nhanh chóng, đảm bảo cấp điện lại kịp thời.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Đội Vận hành luôn được đẩy mạnh từ công tá quán triệt, tuyên truyền và tổ chức học tập theo chuyên đề. Những tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo lời Bác mỗi năm lại tăng lên, góp phần làm rực rỡ vườn hoa nghìn việc tốt kính dâng lên Bác Hồ kính yêu.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông (Hà Nội)
Một trong những phong trào tiêu biểu của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông phải kể đến là phong trào “Phòng chống rác thải nhựa”. Với mục tiêu vì một đô thị Hà Đông sáng, xanh, sạch, đẹp, Hội đã phát động nhiều đợt ra quân vệ sinh môi trường; duy trì hoạt động 292 đoạn đường phụ nữ tự quản “An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp”; 29 tuyến phố vệ sinh, văn minh đô thị; chăm sóc, bảo trì 15 vườn hoa, 5 sân chơi.
Ngoài ra, Hội đã tặng 682 làn nhựa; 5.000 túi thân thiện với môi trường; 540 hộp đựng thức ăn; 22.000 chai thủy tinh cho cán bộ, hội viên phụ nữ sử dụng thay vì đồ dùng nhựa.
Từ những sáng kiến nhỏ trong cuộc sống mà các mô hình “Sống xanh”, “đổi phế liệu giữ màu xanh”, “thùng rác thân thiện”, “thùng rác từ thiện”… của Hội ra đời, phát triển và có sức lan tỏa lớn. Bằng việc phân loại rác từ đầu nguồn, phân loại rác có thể tái sử dụng, mang bán phế liệu, chị em phụ nữ đã xây dựng được tổng số quỹ gần 300 triệu đồng tại 251 chi hội trong toàn quận.
Những năm qua, Hội còn chung tay cùng cộng đồng hỗ trợ, đồng hành cùng chị em phụ nữ biên giới, hải đảo. Trong 3 năm (từ 2017 - 2019), các cấp hội phụ nữ Quận đã tặng quà; khám bệnh, cấp hát thuốc miễn phí, tặng cờ tổ quốc, sách giáo khoa đồ dùng học tập với tổng giá trị gần 300 triệu đồng cho ngư dân tại các huyện đảo.
Bằng những việc làm thiết thực, Hội đã từng bước nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, hội viên; đưa việc học và làm theo gương Bác trở thành việc làm thường xuyên trong các cấp Hội, góp phần từng bước xây dựng hình ảnh người phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới.
3. Người quản trang Nguyễn Khánh Toàn nhiệt tình, trách nhiệm
Cựu chiến binh - thương binh Nguyễn Khánh Toàn (SN 1935) là người trông nom nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông tận tình, chu đáo chăm nom nghĩa trang từ năm 1986 đến nay.
Lúc đầu, chế độ cho quản trang chỉ có 100.000 đồng/tháng, nhưng ông không phàn nàn và đỏi hỏi gì, vẫn phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Từ năm 2000 trở đi, chế độ mới được nâng lên 500.000 đồng/tháng. Từ năm 2017, chế độ được nâng lên mỗi tháng 1,3 triệu đồng. Ông thường xuyên có mặt tại nghĩa trang để trông nom, quyét dọn vệ sinh sạch sẽ, tự bỏ tiền mua nhang nến quanh năm.
Để nghĩa trang đỡ trơ trọi, ông mua cây về trồng và chăm sóc. Năm này qua năm khác với bàn tay cần mẫn của ông, cây xanh dần tỏa bóng nhiều hơn. Ông còn mua cây cảnh về trồng, tao cho khu nghĩa trang trở thành một khuôn viên đẹp che phủ cho những anh linh liệt sĩ mát mẻ nơi vĩnh hằng.
Với những công hiến đó, ông Nguyễn Khánh Toàn được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương chiến công; Huân chương chiến sĩ Quân giải phóng hạng Nhất, Hai, Ba; danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Bằng khen của TP và Ngành Thương binh - Xã hội; Danh hiệu người tốt - việc tốt của huyện và TP Hà Nội và nhiều giấy khen của các cấp.
4. Ông Nguyễn Văn Cao xây dựng Phòng lưu niệm Bác Hồ
Với tình cảm đặc biệt và kính yêu vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Cao (83 tuổi) ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để xây dựng một phòng lưu niệm đặc biệt về Bác Hồ trong chính căn nhà của mình.
Phòng lưu niệm đặc biệt ấy rộng hơn 20 mét vuông được đặc trang trọng trên tầng 3 của căn nhà, nơi trưng bày hơn 300 bức ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, mà ông đã dày công đi nhiều nơi, tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu để sưu tầm được trong suốt hơn 10 năm.
Ông đã dành gần 12 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm ít ỏi của mình để làm cá khung ảnh và trang trí phòng lưu niệm. Cùng với hàng trăm bức ảnh giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phòng lưu niệm còn có một cuốn sách đặc biệt do ông tự viết, tự in và gìn giữ như một báu vật. Đó là cuốn sách in bài sử dài tới 1.456 câu thơ lục bát ông tự sáng tác trong gần 10 năm về những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác.
Hàng năm, phòng lưu niệm về Bác Hồ thường xuyên được đón nhận sự quan tâm từ các đoàn tham quan, học tập trong và ngoài địa phương, đặc biệt là các em học sinh trên địa bàn xã thường đến thăm và nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ do chính ông kể và giới thiệu với niềm say mê, hứng khởi. Ông thực sự là một tấm gương điển hình về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” của cán bộ và Nhân dân xã Đại Yên.
5. Ban Chỉ huy quân sự quận Hà Đông (Hà Nội)
Những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự quận Hà Đông, Hà Nội đã chỉ đạo triển khai tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua quyết thắng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các nội dung, chỉ tiêu thi đua chủ yếu tập trung đột phá vào nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện theo phương châm: “Kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo, lấy làm theo là chủ yếu, bằng hành động, việc làm cụ thể, thiết thực”.
Cấp ủy, chỉ huy cũng đã xác định rõ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung thường xuyên, trọng tâm và xuyên suốt. Chính vì vậy, định kỳ tổ chức sinh hoạt để phổ biến, quán triệt, đánh giá kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”.
Nhiều năm liền, đơn vị được Bộ Quốc phòng, UBND TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng cờ thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen. Đơn cử như: Năm 2018, đơn vị được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng hai bằng khen trong các phong trào thi đua; năm 2019 đoạt giải nhất toàn đoàn trong Hội thao quốc phòng và Hội thao thể dục, thể thao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và được công nhận danh hiệu đơn vị vững mạnh toàn diện.
Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh khai mạc ngày 7/5 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Triển lãm với gần 200 tài liệu, bài viết và hiện vật giới thiệu đến công chúng 130 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của 55 tập thể và 75 cá nhân được được lựa chọn từ hơn 400 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.