Những tấm huy chương Olympic làm nên 'thương hiệu Toán Việt Nam'
Nhiều học sinh Việt Nam, sau khi đoạt huy chương Olympic Toán học quốc tế (IMO) đã ra nước ngoài nghiên cứu, giảng dạy và có những đóng góp lớn, tạo nên 'thương hiệu Toán Việt Nam' trên trường quốc tế.
Giáo sư Ngô Bảo Châu
GS Ngô Bảo Châu nổi tiếng với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands. Công trình nghiên cứu này đã giúp ông nhận giải Fields danh giá năm 2010. Ngoài ra, GS Ngô Bảo Châu cũng là thí sinh đầu tiên trong đoàn Việt Nam đoạt hai huy chương vàng IMO liên tiếp (năm 1988 và năm 1989).
Tính đến năm 2021, sau 45 lần tham dự IMO, học sinh Việt Nam đã giành 65 Huy chương Vàng, 111 Huy chương Bạc và 78 Huy chương Đồng. Nếu tính về thứ hạng, đoàn Việt Nam đạt thành tích tốt nhất tại IMO 1999, 2007 và 2017 (đều đứng thứ 3 toàn đoàn với 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc). Thành tích cao nhất xét trên số huy chương là IMO 2004 với 4 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc.
Sau khi mang vinh quang về cho Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu sang Pháp và trở thành sinh viên của Đại học Paris 6. Ông đã đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp và được bạn bè quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng uy tín.
GS Ngô Bảo Châu là một trong số nhiều thí sinh IMO của Việt Nam thành danh ở nước ngoài, góp công lớn làm nên “thương hiệu Toán Việt Nam” trên trường quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng
Năm 1985, Nguyễn Tiến Dũng trở thành thí sinh Việt Nam trẻ nhất giành huy chương Vàng IMO, khi chưa tròn 15 tuổi. Nhờ thành tích này ông được đặc cách tốt nghiệp THPT.
Năm 1986, ông sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp Lomonosov, tốt nghiệp với tấm bằng đỏ vào năm 1991. Sau khi tốt nghiệp, ông nhận được nhiều lời mời tham dự những sự kiện Toán học uy tín và học bổng.
Năm 2001, ông bảo vệ tiến sĩ khoa học và được nhận làm giáo sư tại Đại học Tổng hợp Toulouse (Pháp). Sau nhiều nỗ lực, năm 2015, ông được Ủy ban Quốc gia Đại học (CNU) của Pháp công nhận và phong giáo sư hạng đặc biệt.
GS Nguyễn Tiến Dũng từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc và Giám đốc của Phân viện Toán Cơ bản cũng như phụ trách chương trình cao học toán cơ bản tại Đại học Toulouse trong một số năm.
Ông có hơn 40 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín cao như in Mathematics, Journal of Differential Geometry…
Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng
Năm 1995, Lê Tự Quốc Thắng gây tiếng vang lớn trên trường Toán học quốc tế khi cùng hai nhà khoa học người Nhật Bản phát minh ra bất biến lượng tử mang tên Le — Murakami — Ohtsuki, mở ra hướng mới cho ngành lý thuyết bất biến và đa tạp ba chiều.
Những công trình nghiên cứu của ông đều xuất hiện trên các tạp chí quốc tế lớn như Inventiones Mathematicae, Uspekhi Mat. Nauk và Adv. Math.
Sau khi công tác tại nhiều cơ quan khác nhau như Viện Toán học Steklov (Nga), Viện Toán học Max — Planck (Đức), Viện Vật lý Lý thuyết Trieste (Italy), Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Đại học New York (Mỹ), hiện tại, người đàn ông này dừng chân tại Viện Công nghệ Georgia (một trong 5 trường kỹ thuật mạnh nhất nước Mỹ).
GS Lê Tự Quốc Thắng cũng được công nhận là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Topo vi phân, đa tạp 3 chiều, lý thuyết nút và quasicrystal.
Giáo sư Đàm Thanh Sơn
Năm 1984, Đàm Thanh Sơn cùng 5 thí sinh khác lên đường sang Tiệp Khắc tham dự IMO lần thứ 25. Chàng trai 15 tuổi khi ấy đã làm rạng danh hai chữ “Việt Nam” khi đứng nhất toàn đoàn với số điểm tuyệt đối 42/42.
Khác với đa số lớp anh chị IMO trước đó, Đàm Thanh Sơn giỏi Toán không phải bởi yêu Toán. Ông muốn trở thành một nhà Vật lý lý thuyết lỗi lạc như người chú ruột Đàm Trung Đồn. Ông quan niệm muốn như vậy, phải học Toán thật giỏi.
Biết rõ mơ ước này, đích thân GS Tạ Quang Bửu khi ấy là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đã gửi ông sang Đại học Tổng hợp Lomonosov. Ở tuổi 25, ông nhận bằng tiến sĩ Vật lý và sang Mỹ để phát triển.
Tại Mỹ, đầu năm 2005, Đàm Thanh Sơn cùng hai nhà Vật lý khác công bố công trình mới về một mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều trên Physical Review Letters, một trong những tạp chí Vật lý hàng đầu thế giới. Khám phá này gây tiếng vang lớn trong giới học giả. Nhiều tạp chí khoa học uy tín như New Scientist và Physics Today đều hết lời ca ngợi.
Với nhiều cống hiến quan trọng, ông từng nhận giải thưởng Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc của Cơ quan Năng lượng Mỹ. Trải qua vị trí giáo sư tại nhiều trường đại học danh giá ở Mỹ, tháng 9/2012, Đàm Thanh Sơn trở thành giáo sư của Đại học Chicago. Hai năm sau, ông được bầu là viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. Ông là thí sinh IMO duy nhất của đoàn Việt Nam trở thành một trong những nhà Vật lý hàng đầu thế giới.
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình
Lê Bá Khánh Trình là người duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán quốc tế và được mệnh danh là “cậu bé vàng của Toán học Việt Nam”.
Tại IMO năm 1979, Lê Bá Khánh Trình đã dùng kiến thức lớp 9 để đưa ra lời giải bài toán hình học ngắn hơn đáp án của ban tổ chức và đạt số điểm 40/40, đứng nhất toàn đoàn.
TS Trình được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ của Đại học Tổng hợp Lomonosov. Dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar (người từng giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga), ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở về Việt Nam.
Sau đó, ông chọn làm giảng viên khoa Toán - Tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Từ đó đến nay, ông nhiều lần là trưởng đoàn, phó đoàn đưa đội tuyển Việt Nam dự thi IMO.
Tiến sĩ Hoàng Lê Minh
TS Hoàng Lê Minh, người mang về huy chương Vàng đầu tiên trong năm đầu tiên Việt Nam tham dự IMO năm 1974. Khi đó, ông là học sinh lớp 10, khối chuyên Toán A0 của Trường Đại học Tổng hợp.
Trong kỳ thi này, thí sinh Hoàng Lê Minh đạt 38/40 điểm, xếp thứ 9 toàn đoàn. Sau đó, ông sang Liên Xô học Đại học Tổng hợp Lomonosov, làm nghiên cứu sinh và tham gia công tác với nhiều viện nghiên cứu nổi tiếng. Trong thời gian ở Liên Xô, ông đạt được nhiều thành tích. Đến năm 1991, tiến sĩ và gia đình quyết định về Việt Nam công tác.
PGS Phan Thị Hà Dương
PGS Phan Thị Hà Dương là một trong số ít nữ sinh tham gia IMO và giành huy chương Đồng về cho Việt Nam, có sự nghiệp rộng mở tại Pháp trước khi trở về.
Năm 1999, luận văn tiến sĩ của người phụ nữ này được hội đồng chấm luận án của Đại học Paris 7 xếp loại xuất sắc. Cùng năm, bà trở thành Phó Giáo sư khoa Tin học của trường, sau khi vượt qua hơn 100 người ứng tuyển dày kinh nghiệm để đứng vị trí thứ nhất.
Tháng 8/2005, bà từ bỏ vị trí bao người mơ ước để về đầu quân cho Viện Toán học Việt Nam.
Đạt thành tích cao ở sân chơi Olympic quốc tế, dù chọn ở nước ngoài hay trở về quê hương, những nhân tài Toán học đều đã và đang góp phần mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Thành công của họ nơi đất khách đã góp phần tạo nên vị thế Toán học, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc 5 châu.