Những thạc sĩ bị coi là 'rác phẩm hồi hương' ở Trung Quốc
Nhiều thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài không cạnh tranh nổi trong thị trường lao động Trung Quốc, chịu thất nghiệp hoặc làm công việc với lương bèo bọt.
Wang Shan (quê Thành Đô, Trung Quốc) du học Mỹ 7 năm và tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý từ một trường đại học hàng đầu. Nhưng cô cảm thấy chán nản, bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể đạt được thành công khi trở về nước.
Ban đầu, cô muốn vào một nhà máy trong nước với tư cách thực tập sinh về quản lý. Nhưng vì không có bất kỳ kinh nghiệm thực tập nào trong các nhà máy lớn, hồ sơ của cô thường bị loại trong giai đoạn sàng lọc đầu tiên.
Trong lúc tuyệt vọng, cô không còn cách nào khác là phải phỏng vấn cho vị trí cơ bản nhất là kiểm toán viên.
Cuộc phỏng vấn kiểm toán viên diễn ra trực tuyến. Khi Wang Shan xuất hiện trước ống kính với mái tóc nhuộm trắng và lộ hình xăm, cô bắt gặp ánh mắt ngập ngừng hiện rõ trên khuôn mặt của người phỏng vấn.
Ngay sau đó, người bên kia nở một nụ cười lịch sự, anh ta vội vàng hỏi vài câu. Trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc, Wang Shan đoán rằng mình đã trượt một lần nữa.
Cô nghĩ rằng có lẽ chính hình ảnh của các du học sinh Mỹ khiến người ta có cảm giác họ chơi bời, thiếu sự tin tưởng. Nhưng điều quan trọng nhất là trình độ thạc sĩ của một du học sinh như cô quá cao so với nhu cầu "cao đẳng trở lên" cho vị trí này. Không ai có thể nghĩ rằng ứng viên như cô có đủ kiên nhẫn để ở lại.
Từng có thời, những người du học trở về từ các trường danh tiếng ở nước ngoài được trọng vọng chốn công sở Trung Quốc. Tuy nhiên, với số lượng du học sinh hồi hương ngày càng lớn, sự cạnh tranh của họ với lực lượng lao động trong nước cũng trở nên gay gắt.
Thị trường công việc lương cao đã bão hòa, nhiều du học sinh về nước đành từ bỏ tham vọng về vị trí lớn trong các cơ quan, mác "du học sinh" giờ đây thành vật cản cồng kềnh khi họ đi xin việc.
Không ít người tự ti khi bị coi là "rác phẩm hồi hương", thất vọng vì từng bỏ số tiền lớn để ra nước ngoài học tập nhưng chịu cảnh thất nghiệp sau khi tốt nghiệp về nước.
Thạc sĩ thất nghiệp
Lily (26 tuổi) tốt nghiệp thạc sĩ tại một Học viện Mỹ thuật nổi tiếng của Pháp. Về Trung Quốc, cô sống một mình tại thành phố du lịch hạng hai và thỉnh thoảng bị bố mẹ gây áp lực về mức thu nhập quá thấp, công việc thì bình thường.
"Lương thấp, và chẳng ai biết tôi. Gần 30 tuổi rồi, vẫn chỉ có mức lương ấy, tôi không biết mình sẽ phải làm gì trong tương lai", cô bày tỏ.
Tham gia một nhóm tập hợp những du học sinh bị coi là "rác phẩm hồi hương" trên Douban, Lily cảm thấy được giải tỏa và chia sẻ.
Năm 2020, số lượng lớn sinh viên du học trở về Trung Quốc đã khiến cụm từ "sự cạnh tranh khốc liệt dành cho những người trẻ về nước" leo lên top chủ đề nóng. Có khoảng 30.000 du học sinh hồi hương thất nghiệp hoặc không đạt được kỳ vọng trong công việc và cuộc sống.
Zhaopin Recruitment đã công bố "Báo cáo khảo sát việc làm và doanh nhân ở Trung Quốc hồi hương năm 2020", cho thấy số lượng người quay trở lại có ý định phát triển trong nước đã tăng 33,9% so với năm 2019.
Sinh viên du học trở về thể hiện bản thân là người có kiến thức, điều kiện tài chính nhưng bị gắn mác "lãng phí tài năng" vì không xin được việc.
Khi Lily lần đầu tiên đăng bài trong nhóm, cô đang trải qua giai đoạn suy sụp vì công việc.
Tháng 3/2020, Lily trở về Trung Quốc tham gia đợt tuyển dụng mùa xuân ở Thượng Hải, cô đã gửi rất nhiều hồ sơ xin việc, nhưng không nhận được phản hồi nào khả quan.
Cuối cùng, cô chỉ có thể lui tới một thành phố du lịch hạng hai xa lạ và làm việc trong một công ty khởi nghiệp nhỏ, hệ thống còn mơ hồ.
Lily vừa lập kế hoạch, vừa thiết kế, đôi khi kiêm cả viết lách bán thời gian. Công việc tẻ nhạt, lương tháng chỉ 5.500 tệ nhưng tiền sinh hoạt của cô chắt bóp cũng phải khoảng 6.000-7.000 tệ.
Công ty trả cho nhân viên 5 khoản bảo hiểm xã hội và một quỹ nhà ở theo tiêu chuẩn tối thiểu, và không có bất kỳ quyền lợi nào khác.
Một người bạn cùng lớp đại học làm việc ở Thâm Quyến nói với Lily rằng lương trợ lý của cô ấy còn không thấp bằng cô.
Liu Meng (26 tuổi) là thành viên của Beidiao Media. Về Trung Quốc xin việc vào năm 2020, lần đầu cô trải qua giai đoạn khó khăn lớn trong cuộc đời.
Hơn 30 lá thư từ chối của các công ty đã chật kín hộp thư của Liu, tất cả đến từ các công ty truyền thông cô muốn ứng tuyển, kể cả một số doanh nghiệp ít tiếng tăm.
Trước đây, cô đều theo học tại các trường trọng điểm, sau đó theo học tại Đại học Công nghệ Nanyang, nơi được coi là trường "số 1 châu Á", "trường con nhà người ta".
Liu Meng yêu thích truyền thông, nhưng ngành này coi trọng kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc cho một cơ sở đào tạo tiếng Trung ở Singapore trong một năm nên cũng không có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
Cuối cùng, một công ty truyền thông cho Liu cơ hội thử việc, với mức trợ cấp 2.400 nhân dân tệ - chỉ bằng 1/10 thu nhập trước đây. Để tiết kiệm tiền nhà, cô ở chung phòng, ngủ chung giường với một cô gái lạ. Căn hộ cô thuê được chia nhỏ và có 7 cô gái ở chung.
Sau thời gian thực tập, Liu trở thành nhân viên chính thức của một công ty truyền thông khác. Song mức lương chưa đến 8.000 tệ/tháng không đủ chi tiêu hàng ngày, thậm chí tiền thuê nhà bây giờ còn phải nhờ gia đình hỗ trợ.