Những thách thức cho Nhật Bản sau thất bại lịch sử của đảng cầm quyền
Lần đầu tiên kể từ năm 2009, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền mất đa số trong Hạ viện Nhật Bản sau thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử ngày 27/10. Thất bại khiến Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tình hình chính trị Nhật Bản sẽ khó tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng.
"Nước cờ" sai lầm của ông Ishiba
Theo kết quả cuộc bầu cử, đảng LDP đã phải chịu thất bại lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 27/10. Ngay cả với sự ủng hộ của đảng Komeito, đảng đã liên minh với LDP trong một phần tư thế kỷ, kết quả cuộc bầu cử cũng không thể giúp đảng cầm quyền và Thủ tướng Shigeru Ishiba duy trì đa số trong 465 ghế ở Hạ viện.
Có nhiều ý kiến giải thích cho thất bại của đảng LDP cầm quyền xuất phát từ vụ bê bối rửa tiền của giới tinh hoa trong đảng bị phanh phui vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự bất mãn ngày càng gia tăng của người dân Nhật Bản đối với các chính sách kinh tế - xã hội của chính phủ, dẫn đến sự suy giảm đáng kể mức sống của đại đa số người Nhật. Tất cả điều này đã làm sụt giảm nghiêm trọng uy tín của đảng LDP, đến mức buộc Fumio Kishida - người tiền nhiệm của ông Shigeru Ishiba - phải từ chức và không tái tranh cử chức lãnh đạo đảng.
Sau khi được bầu làm Thủ tướng, Shigeru Ishiba nhanh chóng giải tán Hạ viện và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Giới phân tích cho rằng, ông Ishiba muốn tận dụng xếp hạng cá nhân cao của mình bằng hình ảnh một chính trị gia trong sạch và thu hẹp cơ hội của các lực lượng đối lập không thể tập hợp sự đoàn kết trong một khoảng thời gian ngắn.
Tuy nhiên, tính toán của Thủ tướng Shigeru Ishiba đã hoàn toàn sai lầm bởi ông đã đánh giá thấp mức độ không hài lòng của người dân đối với đảng cầm quyền. Kết quả là chiến lược tổ chức bầu cử Hạ viện sớm đã phản tác dụng. Thất bại này cũng là một thảm họa đối với đảng Komeito, vốn bị vướng vào một vụ bê bối khiến lãnh đạo mới của đảng, Keiichi Ishii, mất ghế trong quốc hội.
Mặc dù, thất bại của đảng LDP cầm quyền không có nghĩa là sẽ có sự thay đổi nhân sự cấp cao trong chính phủ, tuy nhiên để thực hiện chủ trương, đường lối của mình, Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ phải xây dựng một liên minh cầm quyền mới với đảng đối lập. Nhiều ý kiến cho rằng, đó có thể là Đảng Dân chủ Nhân dân, song đảng này lại có quá nhiều điểm khác biệt với đảng LDP cầm quyền, và sẽ vô cùng khó khăn để thành lập một liên minh như vậy trước phiên họp quốc hội tiếp theo, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/11.
Nguy cơ bất ổn chính trị
Thất bại nặng nề của đảng LDP cầm quyền trong cuộc bầu cử Hạ viện sớm sẽ khiến nền chính trị nước này rơi vào tình trạng bất ổn và khiến Thủ tướng Shigeru Ishiba khó có thể theo đuổi những cải cách cần thiết để giành lại sự ủng hộ của cử tri.
Ông Ishiba từng cam kết trước hết sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực của lạm phát đối với các hộ gia đình, tăng cường an ninh-quốc phòng của Nhật Bản trước những “mối đe dọa an ninh” với nước này ở khu vực Đông Bắc Á, giải quyết bài toán tỷ lệ sinh giảm, tăng tỷ lệ sinh, bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế và tăng cường khả năng chống chọi với thiên tai của đất nước…
Rõ ràng, Thủ tướng Shigeru Ishiba đã trở nên thực tế hơn, từ bỏ một số cam kết trước đây của mình, chẳng hạn như giảm phụ thuộc năng lượng hạt nhân để chuyển sang năng lượng tái tạo, thành lập “NATO châu Á”, sửa đổi hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật theo hướng bình đẳng và nhiều vấn đề khác.
Những đề xuất này chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi và sự phản đối không chỉ của các nước láng giềng châu Á của Nhật Bản mà còn từ phía đồng minh quan trọng của nước này là Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã bảo đảm với Tokyo rằng, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Nhật Bản với tư cách là đồng minh thân cận về các thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các vấn đề toàn cầu và đặc biệt là thúc đẩy hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chính sách tăng cường quân sự sẽ gặp khó?
Trong bối cảnh vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên “nóng” lên, không ngạc nhiên khi Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ tiếp tục con đường của người tiền nhiệm Kishida, không chỉ tăng cường hợp tác quân sự với Washington và Seoul, mà còn đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội với kỳ vọng đưa chi tiêu quân sự của Nhật Bản lên 2% GDP vào năm 2027, tức là ở mức trung bình của các nước NATO.
Chiến lược an ninh quốc gia được thông qua dưới thời của cựu Thủ tướng Fumio Kishida giúp quân đội Nhật Bản có được khả năng tấn công, cách giải thích khác với bản hiến pháp thời hậu thế chiến II, vốn đặt ra những hạn chế đối với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), theo đó lực lượng này chỉ được sử dụng đúng với tên gọi là bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản.
Chiến lược an ninh mới không chỉ cung cấp cho Tokyo vũ khí tầm xa như tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất, mà còn tích cực phát triển tên lửa tầm xa của riêng mình, có thể tấn công các căn cứ mà từ đó những đối thủ tiềm tàng có thể tấn công lãnh thổ Nhật Bản. Ngoài ra, Thủ tướng Shigeru Ishia sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với NATO, thúc đẩy triển khai khuôn khổ “Bộ Tứ kim cương” (Nhật - Mỹ - Úc - Ấn Độ) cũng như các hợp tác đa phương và song phương khác.
Tuy nhiên, thất bại của đảng LDP cầm quyền sẽ khiến Thủ tướng Shigeru Ishiba gặp khó trong việc thúc đẩy quan điểm, lập trường cứng rắn về các vấn đề an ninh và quốc phòng. Ông Ishiba luôn ủng hộ việc hiện đại hóa SDF và việc nước này tham gia tích cực hơn vào các hoạt động quân sự quốc tế.
Các chuyên gia đánh giá, quan điểm chủ động răn đe của ông Ishiba nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ đảng đối lập, bởi nó đi ngược lại với quan điểm “phòng vệ” trong hiến pháp nước này. Nhìn chung, hiện tại rất khó để dự đoán Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ có thể thực hiện được những gì từ kế hoạch của mình trong tình hình chính trị nội bộ bất ổn ở Nhật Bản hiện nay.