Những thách thức của tân Chủ tịch Samsung

Ghế chủ tịch bị bỏ trống hai năm của Samsung đã có chủ. Nhưng ông Lee Jae-yong sẽ phải lèo lái gã khổng lồ công nghệ trong một giai đoạn không dễ dàng.

 "Thái tử Samsung" đã được thăng chức thành chủ tịch. Ảnh: Reuters.

"Thái tử Samsung" đã được thăng chức thành chủ tịch. Ảnh: Reuters.

Theo Nikkei Asia, hôm 27/10, Samsung Electronics cho biết đã bổ nhiệm ông Lee Jae-yong làm chủ tịch. Cháu trai của người sáng lập sẽ lèo lái nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Ông Lee từng ngồi tù trong vụ hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye nhưng được ân xá vào tháng 8. Ghế chủ tịch bị bỏ trống 2 năm của Samsung sau khi ông Lee Kun-hee qua đời giờ đã có chủ.

Lệnh ân xá là nỗ lực của Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, Samsung là một đế chế khổng lồ, đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế đất nước, còn cố Chủ tịch Lee Kun-hee được xem như một biểu tượng của giới kinh doanh.

 Samsung tuyên bố bổ nhiệm chủ tịch mới sau khi ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong quý III. Ảnh: Reuters.

Samsung tuyên bố bổ nhiệm chủ tịch mới sau khi ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong quý III. Ảnh: Reuters.

Người lèo lái đế chế công nghệ khổng lồ

Tờ Fortune từng nhận định ông Jae-yong là "tất cả những gì mà Samsung muốn". Ông nhận bằng đại học về lịch sử Đông Á tại Đại học Quốc gia Seoul và bằng thạc sĩ ở Đại học Keio Nhật Bản. Tân chủ tịch của Samsung cũng theo học tiến sĩ tại Trường Kinh doanh Harvard trong vòng 5 năm dù không nhận bằng.

Con trai duy nhất của ông Lee Kun-hee thông thạo tiếng Anh và tiếng Nhật, quen biết rộng khắp châu Á và phương Tây. Kỹ sư phần mềm Ryozo Yoshikawa kể rằng vào thời điểm ông Jae-yong làm việc chính thức tại Samsung hồi năm 2001, ông ngồi giữa các bàn thư ký của từng đơn vị kinh doanh. Họ giúp người thừa kế tìm hiểu về mọi ngóc ngách của tập đoàn.

Ông David Herro, Giám đốc đầu tư của Harris Associates LP (Chicago), đã gặp ông Jae-yong vài lần, trong đó có một cuộc nói chuyện 90 phút tại trụ sở chính của Samsung. "Thay vì khoác lác, thái độ của ông ấy là: 'Được rồi, chúng ta đã đến được đây nhưng không dễ để ở lại'", ông Herro kể lại.

"Một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông ấy là làm cách nào để tập đoàn luôn tiến lên phía trước. Theo tôi, đó là một tư duy kinh doanh rất trưởng thành", ông bình luận.

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông ấy là làm cách nào để tập đoàn luôn tiến lên phía trước. Theo tôi, đó là một tư duy kinh doanh rất trưởng thành

Ông David Herro, Giám đốc đầu tư của Harris Associates LP

Ông Lee Jae-yong giữ ghế chủ tịch Samsung sau khi tập đoàn công nghệ công bố báo cáo tài chính quý III. Theo đó, lợi nhuận hoạt động của tập đoàn chỉ đạt 10.850 tỷ won, tương đương 7,7 tỷ USD, giảm khoảng 31% so với con số 15,8 tỷ won đạt được cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận ròng quý III đạt 9.400 tỷ won (tương đương 6,7 tỷ USD), giảm 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Samsung cho biết lợi nhuận ròng đã lao dốc 15,4% so với quý II.

Lợi nhuận của Samsung sụt giảm dù doanh thu tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 76.800 tỷ won. Các số liệu kinh doanh đều nhỉnh hơn dự báo được công bố hồi đầu tháng này.

Kết quả kinh doanh của Samsung tác động tới nền kinh tế Hàn Quốc. Hôm 27/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo GDP đã tăng 0,3% trong quý III so với quý liền trước, giảm tốc từ mức tăng trưởng 0,7% vào quý II.

Cơ quan này cho rằng sự sụt giảm trong xuất khẩu chất bán dẫn là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Giai đoạn thử thách

Samsung cho biết những bất ổn địa chính trị có khả năng kéo tụt nhu cầu đối với chip DRAM - được sử dụng trong nhiều sản phẩm điện tử - đến nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ Hàn Quốc dự báo nhu cầu có thể phục hồi trong cuối năm tới, nhờ vào việc tái lắp đặt các trung tâm dữ liệu và áp dụng một số chip mới.

Lợi nhuận hoạt động trong bộ phận giải pháp thiết bị (DS) của Samsung - chuyên sản xuất chất bán dẫn - đã giảm 50% xuống còn 5.100 tỷ won trong quý III vì nhu cầu chip thấp.

Lợi nhuận hoạt động trong bộ phận trải nghiệm thiết bị (DX), bộ phận sản xuất điện thoại thông minh, TV và thiết bị gia dụng, giảm 14,9% xuống còn 3.500 tỷ won. Nguyên nhân nằm ở sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

"Thu nhập từ mảng kinh doanh bộ nhớ giảm do điều chỉnh hàng tồn kho vượt quá kỳ vọng của thị trường. Thêm vào đó, nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng vẫn yếu", Samsung cho biết trong một thông cáo báo chí.

"Lợi nhuận của mảng kinh doanh hệ thống LSI sụt giảm vì nhu cầu điện thoại di động và TV yếu kém", Samsung nói thêm.

Nhưng Samsung cho biết điểm sáng nằm ở mảng kinh doanh đúc chip máy tính cho những công ty khác. Mảng này vừa ghi nhận doanh thu kỷ lục trong quý III nhờ cải thiện sản lượng của các sản phẩm tiên tiến.

Trong phiên giao dịch chiều 27/10, giá cổ phiếu của Samsung đã tăng nhẹ 0,5% lên 59.700 won/cổ phiếu.

 Chủ tịch mới của Samsung sẽ phải lèo lái tập đoàn qua giai đoạn thách thức. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch mới của Samsung sẽ phải lèo lái tập đoàn qua giai đoạn thách thức. Ảnh: Reuters.

Ngoài lạm phát và nền kinh tế toàn cầu suy yếu, Samsung còn đối mặt với tình trạng bấp bênh tại Tây An (Trung Quốc) - nơi sản xuất chip nhớ NAND.

Mỹ đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với những mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc bằng công nghệ của Mỹ. Washington muốn chặn đường tham vọng của Bắc Kinh trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Các đối thủ của Samsung, SK Hynix và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., được miễn trừ tuân thủ hạn chế trong vòng một năm. Nhưng tương lai của họ vẫn rất bấp bênh. Hôm 26/10, SK Hynix cho biết đã lên kế hoạch bán các cơ sở sản xuất chip nhớ tại Trung Quốc trong trường hợp xấu nhất.

Đến nay, Samsung vẫn chưa biết liệu có được miễn trừ từ phía Washington hay không. Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc không đề cập đến vấn đề này trong các cuộc họp về thu nhập.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-thach-thuc-cua-tan-chu-tich-samsung-post1369333.html