Những thách thức đối với gia đình hiện nay

Gia đình là nơi giáo dục nhân cách đầu tiên cho con trẻ. (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Phú Yên). Ảnh: THIÊN LÝ

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra với tốc độ chưa từng thấy đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đất nước, cả chiều hướng tích cực và tiêu cực, làm biến đổi các giá trị gia đình Việt Nam.

Đáng nói nhất là các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam có biểu hiện xuống cấp, mai một. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống đang đặt ra những thách thức, có thể phá vỡ nền nếp gia phong của gia đình Việt Nam truyền thống.

Lệch chuẩn trong giáo dục con cái

Trước hết có thể thấy nhịp sống của nhiều gia đình Việt Nam ngày càng hối hả, tất bật hơn. Thời gian dành cho nhau giữa những người thân thiết trong gia đình ngày một ít, nhất là thời gian cha mẹ dành cho con cái. Một bộ phận cha mẹ mải mê làm ăn, đầu tư về kinh tế nhưng không đầu tư thời gian dành cho con. Theo một kết quả điều tra gia đình Việt Nam, gần 58% cha mẹ ở phía Nam và gần 63% cha mẹ ở phía Bắc không dành nổi 30 phút một ngày để giải trí với con. Mải miết với cơm áo gạo tiền và những nhu cầu khác không dành đủ thời gian bên con và cho con sẽ dẫn đến những hệ lụy. Các nhà giáo dục đã chỉ ra một số biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục con cái của không ít gia đình hiện nay.

Tại hội thảo “Xây dựng nhân cách người Phú Yên từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”, ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) cho rằng: Một trong những thách thức của gia đình hiện nay là giáo dục trong gia đình. Còn trên Tạp chí Gia đình, GS.TS Hoàng Bá Thịnh từng nhận xét: “Giáo dục của ta chưa coi trọng những vấn đề giáo dục về nhân cách, về lối sống, về những giá trị sống, về kỹ năng ứng xử... Giáo dục của chúng ta mới làm tốt vấn đề dạy chữ nghĩa, còn về mặt giáo dục nhân cách của trẻ thì chưa thực sự quan tâm đến”.

Không chỉ không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng, sự lệch chuẩn trong giáo dục gia đình còn là sự tâng bốc, chiều chuộng và cung phụng con quá mức; phó thác việc dạy con thành “người tử tế” trước khi thành “ông nọ bà kia” cho lực lượng khác ngoài gia đình đã khiến vai trò và bổn phận của cha mẹ trong giáo dục con cái trở nên mờ nhạt. Những điều ấy đã khiến nhiều đứa trẻ sinh ra thói ngạo mạn coi thường người khác (thậm chí thiếu tôn trọng cả thầy cô đang trực tiếp giảng dạy). Thực tế cho thấy, do tâm sinh lý lứa tuổi, do sự thiếu chăm sóc của gia đình và thiếu tu dưỡng bản thân, do cả những cám dỗ từ môi trường sống..., nhiều học sinh mới hôm qua còn khoác đồng phục tới trường, hôm nay đã biến thành nghi can của trọng án. Vì vậy, từ đứa trẻ vô hại đến tội phạm vị thành niên, con đường hoàn toàn có thể rất ngắn nếu cả gia đình, nhà trường và xã hội đều chưa ý thức rõ vấn đề giáo dục nhân cách con người cho thế hệ trẻ.

Chung tay giữ gìn

Thời nay, dù nền nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam có thay đổi rất nhiều so với ngày xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được. Vợ chồng và 2 con (1 trai, 1 gái) của gia đình chị Đào Thị Lành ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) luôn biết cách dung hòa các mối quan hệ với nhau. Hơn 10 năm chung sống, vợ chồng chị Lành không tránh khỏi cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng những lúc ấy, hai người sẽ “đóng cửa bảo nhau”, nói chuyện thẳng thắn và cùng giải quyết vấn đề. Trong việc dạy bảo các con, chị xác định làm bạn với con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, không áp đặt theo ý của mình. Bây giờ, điều chị tự hào là 2 con ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ.

Chị Lành tâm sự: “Với tôi, gia đình luôn là nơi bình yên nhất, nơi nuôi dưỡng những ước mơ, nơi đầu tiên giáo dục cho các con về cách đối nhân xử thế. Cho dù sau này các con có trưởng thành, có đi đâu thì vẫn là con của mình, không được quên đi cội nguồn và phải giữ nếp nhà. Đây là nền tảng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì thế, vợ chồng tôi luôn ý thức làm gương cho các con noi theo trong từng cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói...”.

Thời đại mới mở ra những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình. Để vun đắp, phát triển hệ giá trị gia đình trong điều kiện hiện nay, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: Cùng với tiếp tục tham mưu, giúp lãnh đạo chính quyền các cấp nghiên cứu, xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện, Sở VH-TT-DL tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc lồng ghép tuyên truyền, vận động các gia đình giữ gìn nề nếp gia phong gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tập trung triển khai Kế hoạch 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 06, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL. Tiếp tục thực hiện các đề án, chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đồng thời tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao gắn với công tác gia đình nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11)...

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/267767/nhung-thach-thuc-doi-voi-gia-dinh-hien-nay.html