Những thách thức lớn của Ngành Thủy lợi
Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, chất lượng công trình thủy lợi thấp, chậm đổi mới phương pháp quản lý… là những thách thức lớn cho Ngành Thủy lợi Việt Nam. Làm thế nào để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phục vụ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học 'Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp' do Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 26-8.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu hụt lượng mưa, mưa trái mùa hoặc mưa tập trung với cường độ cao trong thời gian ngắn… gây nên tình trạng dòng chảy sông, suối bị suy giảm, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh: Hệ thống công trình thủy lợi hiện nay chỉ thiết kế phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, không đáp ứng nhu cầu phục vụ nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và hiện đại. Các hệ thống thủy lợi mới tập trung cung cấp nước cho cây lúa bằng biện pháp lạc hậu, lãng phí nước…
Hoạt động quản lý khai thác công trình thủy lợi còn chậm đổi mới theo cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi hoạt động theo phương thức giao kế hoạch, dẫn đến vừa thiếu công cụ giám sát cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, vừa hạn chế quyền hoạt động tự chủ của doanh nghiệp. Do vậy, chất lượng quản trị của doanh nghiệp yếu kém, bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp, số lượng cán bộ, công nhân có xu hướng ngày càng tăng; hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp nhanh, chất lượng cung cấp dịch vụ thấp…
Để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống công trình thủy lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác thủy lợi. Đồng thời, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước; huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ. Với chủ trương xã hội hóa, khu vực tư nhân, các thành phần kinh tế khác và cộng đồng tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác, chất lượng công trình sẽ được nâng cao, chống xuống cấp, bền vững và sử dụng nước tiết kiệm. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đặc biệt công trình có quy mô nhỏ. Huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia công tác thủy lợi, góp phần phát huy tối đa hiệu quả và kéo dài tuổi thọ các công trình, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, phải chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”. Việc này sẽ làm thay đổi nhận thức của nhiều người về công tác thủy lợi là phục vụ sang đúng bản chất là tính dịch vụ, coi dịch vụ thủy lợi là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất. Với cơ chế giá sẽ đưa công tác thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường, tạo động lực cho các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động thủy lợi, gắn trách nhiệm của bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi. Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế giá, Nhà nước sẽ phải có cơ chế trợ giá cho các đối tượng sử dụng dịch vụ thủy lợi với mục tiêu công ích và các đối tượng khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, hầu hết các công ty công trình thủy lợi được giao chức năng là chủ quản lý, khai thác, tuy nhiên thực tế hoạt động có những bất cập, không có vai trò xử phạt các hành vi vi phạm công trình thủy lợi. Do đó, cần thay đổi phương thức hoạt động trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi, giảm tối đa hình thức giao kế hoạch, chuyển mạnh sang phương thức đặt hàng, đấu thầu quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Chuyển mạnh đối tượng phục vụ của công tác thủy lợi sang các mục đích dịch vụ có giá trị cao như cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt… Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ, trên diện rộng, thúc đẩy tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, giảm rủi ro cho cây trồng chủ lực.