Những thách thức mà CEO mới của Boeing phải đối mặt

Ngày 8/8, Giám đốc điều hành (CEO) mới của Boeing, Kelly Ortberg, cho biết ông sẽ làm việc tại Seattle, quê hương của hãng sản xuất máy bay, gần khu vực nhà máy hơn để kiềm chế cuộc khủng hoảng an toàn của Boeing.

Ông Robert Kelly Ortberg, khi còn là Giám đốc điều hành công ty Rockwell Collins, tại Manchester, Iowa, Mỹ, ngày 31/8/2016. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

Ông Robert Kelly Ortberg, khi còn là Giám đốc điều hành công ty Rockwell Collins, tại Manchester, Iowa, Mỹ, ngày 31/8/2016. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

Việc ông Ortberg xác nhận trong các báo cáo trước đó rằng ông sẽ chuyển đến Puget Sound, Washington, thay vì trụ sở công ty ở Washington D.C., sau nhiều tháng chịu áp lực trước cuộc khủng hoảng lớn thứ hai của Boeing trong những năm gần đây. Hồi tháng 1/2024, .

Ông Ortberg, 64 tuổi, sẽ dành ngày làm việc đầu tiên của ông để gặp gỡ các công nhân sản xuất máy bay phản lực 737 MAX bán chạy của công ty tại một nhà máy ở Renton, ngoại ô Seattle, khi ông phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là "khôi phục niềm tin".

Quá trình sản xuất và giao hàng của dòng máy bay 737 MAX đã chậm lại sau vụ việc cửa thoát hiểm của máy bay Boeing 737 MAX 9 bất ngờ bung ra trên chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines do bị thiếu 4 bu lông ở những vị trí quan trọng vào hồi tháng Một năm nay, trong khi sản lượng của dòng máy bay 787 Dreamliner hiện chưa đến 5 chiếc mỗi tháng do các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Danh sách việc cần làm của Ortberg bao gồm việc tăng sản lượng máy bay MAX từ khoảng 25 máy bay lên 38 máy bay mỗi tháng vào cuối năm và đảm bảo một thỏa thuận lao động để tránh một cuộc đình công có thể xảy ra trong năm nay. Các giám đốc điều hành ngành hàng không tuy lạc quan về thành công của ông Ortberg nhưng đang thúc giục ông ưu tiên giao máy bay sau khi sự chậm trễ giao hàng làm ảnh hưởng đến kế hoạch của các hãng hàng không.

Trước đó, Boeing ngày 6/8 cho biết có kế hoạch thực hiện các thay đổi thiết kế để ngăn chặn sự cố cửa thoát hiểm bị bung ra giữa không trung tương tự như vụ việc xảy ra trên chuyến bay 737 MAX 9 của Alaska Airlines vào tháng 1/2024. Vụ việc đó đã đẩy nhà sản xuất máy bay của Mỹ vào một cuộc khủng hoảng lớn thứ hai trong những năm gần đây.

Bà Elizabeth Lund, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chất lượng của Boeing, cho biết nhà sản xuất máy bay đang nghiên cứu các thay đổi thiết kế mà họ hy vọng sẽ triển khai trong năm nay và sau đó sẽ trang bị lại cho toàn bộ đội máy bay.

Trong phiên điều trần của Ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) kéo dài hai ngày tại Washington, bà Lund nói: "Chúng tôi đang nghiên cứu một số thay đổi thiết kế sẽ cho phép phích cắm cửa không thể đóng nếu có bất kỳ vấn đề gì cho đến khi nó được bảo đảm chắc chắn".

Lời bình luận của bà Lund được đưa ra sau những câu hỏi về lý do tại sao Boeing không sử dụng một loại hệ thống cảnh báo cho phích cắm cửa mà nhà sản xuất máy bay sử dụng trên các cửa thông thường, gửi cảnh báo nếu nó không được bảo đảm an toàn.

Vụ việc đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Boeing và dẫn đến việc dòng máy bay MAX 9 bị cấm bay trong hai tuần, Cục Hàng không Liên bang (FAA) ban hành lệnh cấm Boeing mở rộng sản xuất, tiến hành một cuộc điều tra hình sự và buộc một số giám đốc điều hành chủ chốt của hãng này phải từ chức. Boeing đã cam kết thực hiện các cải tiến chất lượng quan trọng.

Theo báo "The National News" của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hãng hàng không Qatar Airways của Qatar (Ca-ta) ngày 23/7 đã đặt mua thêm 20 máy bay thân rộng Boeing 777X với tổng trị giá 8,8 tỷ USD theo giá niêm yết, nâng tổng số máy bay dòng 777X mà hãng này đặt hàng lên 94 chiếc.

CEO của Qatar Airways, ông Badr Mohammed Al-Meer khẳng định: "Qatar Airways là công ty dẫn đầu trong ngành hàng không, với một phi đội máy bay mới và hiện đại. Với quyết định mở rộng đơn hàng mua Boeing 777X, chúng tôi sẽ tiếp tục mang lại các dịch vụ tốt nhất cho hành khách của Qatar Airways". Theo báo cáo mới nhất của Qatar Airways, hãng này đã đạt lợi nhuận ròng kỷ lục 1,7 tỷ USD trong tài khóa 2023-2024, với tổng doanh thu ghi nhận 22,2 tỷ USD, tăng 6% so với tài khóa trước.

Tính đến nay, Qatar Airways đã đặt mua tổng cộng 60 chiếc máy bay chở khách Boeing 777-9 và 34 máy bay vận tải Boeing 777-8. Hồi tháng trước, CEO của Qatar Airways cho hay hãng đang thảo luận với tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing về các đơn đặt hàng máy bay thân rộng. Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế diễn ra tại Dubai (UAE), ông Al-Meer tiết lộ đơn đặt hàng của Qatar Airways nằm trong phạm vi ba chữ số. Ngoài mẫu 777X, Qatar Airways cũng đặt mua 12 chiếc 787 Dreamliner và 25 chiếc 737 Max.

Mẫu máy bay 777X của Boeing đã bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm vào đầu tháng 7/2024. Mẫu này dự kiến sẽ được cấp giấy chứng nhận đưa vào sử dụng trong năm 2025, muộn hơn 5 năm so với kế hoạch.

Minh Trang /TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-thach-thuc-ma-ceo-moi-cua-boeing-phai-doi-mat-20240809120035692.htm