Những thách thức từ xu hướng cho trẻ học ngoại ngữ từ sớm
Thành thạo ngoại ngữ được xem là một lợi thế quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhận thức được điều đó, nhiều phụ huynh muốn cho con bắt đầu học ngoại ngữ từ khi còn nhỏ để chuẩn bị cho tương lai. Nhưng liệu xu thế này có đang đặt áp lực lớn lên trẻ hay không?
Thế hệ trẻ ngày càng giỏi Tiếng Anh
Những năm gần đây, số lượng học sinh thi xét tuyển đại học thông qua hình thức kết hợp điểm thi THPT hoặc xét học bạ kèm chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng tăng. Điều này là minh chứng cho thấy sự đầu tư rất lớn vào việc học ngoại ngữ của các bạn. Có thể nói, nhiều bạn trẻ Việt ngày nay dù độ tuổi còn nhỏ đã có thể thành thạo ngoại ngữ ở trình độ tương đối cao.
Xuất phát từ mong muốn của nhiều bậc phụ huynh, trẻ em ngày nay được tạo điều kiện tiếp xúc sớm với các ngoại ngữ. Gia đình đưa các con đi học lớp ngoại ngữ từ bé, thậm chí có cha mẹ hoàn toàn giao tiếp với con bằng ngoại ngữ.
Cũng vì nhu cầu ấy mà nhiều trường học và tổ chức giáo dục mở lớp học ngoại ngữ cho trẻ em ngay từ lứa tuổi mẫu giáo. Đến bậc THCS và THPT, có một số trường xây dựng chương trình chuyên đào tạo ngoại ngữ. Ngoài Tiếng Anh, ngôn ngữ Trung, Hàn, Nhật cũng phổ biến tại trường phổ thông ở Việt Nam. Vì vậy mà nhiều lứa học sinh sau khi học hết chương trình phổ thông đã hoàn toàn thành thạo một loại ngoại ngữ.
Có con học lớp 7 tại trường THCS Marie Curie, chị Phương Hoa (Hà Nội) cho biết: “Mình cho con tiếp xúc với Tiếng Anh từ nhỏ, hiện tại bạn ấy học rất tốt môn Tiếng Anh trên trường, phát âm chuẩn cũng như vô cùng tự tin và hăng hái khi học”.
Ngoài ra, còn một bộ phận học sinh có định hướng học ngành ngôn ngữ, đi du học cũng hết sức đầu tư cho việc học ngoại ngữ từ sớm. Các em thường học để đạt được những chứng chỉ quốc tế với số điểm ấn tượng, có thể hỗ trợ cho dự định tương lai của mình.
Người trẻ có thêm lợi thế từ nguồn cung cấp tài liệu và công cụ học ngoại ngữ từ Internet. Bên cạnh đó, họ còn bị ảnh hưởng từ xu hướng xã hội. Học sinh thường xuyên nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa và nhiều người nổi tiếng có thành tích học tập xuất sắc cùng trình độ ngoại ngữ cao. Đây là một động lực quan trọng giúp học sinh nỗ lực để sở hữu năng lực ngoại ngữ tốt.
Để xu hướng đi theo chiều tích cực
Với thực tế trên, không khó để thấy các bài viết với tiêu đề “Cậu bé 10 tuổi đạt 7.5 IELTS”, “Nữ sinh 12 tuổi đạt 8.5 IELTS ngay lần thi đầu tiên”,... trên các phương tiện truyền thông. Đây là những bạn trẻ đáng được tuyên dương vì thành tích xuất sắc của mình. Tuy nhiên, khi các “kỷ lục” liên tiếp được lập ra như vậy, việc học tiếng Anh hay một số ngoại ngữ khác ngày nay đang dần biến thành một áp lực vô hình lên vai nhiều bạn trẻ. Không chỉ cần học giỏi mà còn phải giỏi từ sớm.
Bạn Minh Châu, sinh viên năm hai ngành Luật Thương mại Quốc tế, Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Từng là một trợ giảng cho Trung tâm Tiếng Anh, mình thấy những em nhỏ độ tuổi mầm non hay cấp 1 đi học không thực sự thu nhận được kiến thức. Các em nhỏ chỉ nói như một bản năng chứ không có sự hứng thú và thấu hiểu với thứ mình học. Trước kia mình cũng từng đi học Tiếng Anh khá sớm. Khi đó, không chỉ riêng mình mà nhiều bạn cũng có cảm giác mệt mỏi, chán nản, sinh ra sợ Tiếng Anh”.
Đôi khi việc học ngoại ngữ sớm và chú trọng quá mức vào mục tiêu lấy chứng chỉ có thể khiến người học thiếu sự đánh giá khách quan về khả năng ngôn ngữ của mình. Dù làm được các bài thi nhưng thực tế kỹ năng của các bạn vẫn còn yếu, thậm chí là “mất gốc” những điều cơ bản.
Phần đông học sinh đi học tiếng sớm do định hướng của cha mẹ. Nhiều thầy cô có chuyên môn từng lên tiếng phản đối việc cho học chứng chỉ quá sớm vì điều này có thể gây tác dụng ngược với học sinh.
Ths. Nguyễn Ngọc Anh, giáo viên Trường THPT Hoàng Long chia sẻ: “Tại trường Hoàng Long có chương trình đào tạo song ngữ các tiếng Trung, Hàn, Nhật và nhu cầu học các lớp dạy chất lượng cao ngoại ngữ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng phụ huynh trước khi đăng ký cho con học ngoại ngữ nên tìm hiểu về sở thích và năng khiếu của con có phù hợp hay không. Ngoài ra phụ huynh cần phân tích cho con lợi ích của việc học ngoại ngữ 2 để con hiểu được mục đích của việc học”.
Phụ huynh nên cho học theo quy trình hợp lý, khi trẻ còn nhỏ có thể tạo môi trường để làm quen với ngôn ngữ trước. Với bất cứ lĩnh vực và độ tuổi nào, sự đồng hành và ủng hộ tích cực từ phụ huynh là điều vô cùng quan trọng.
Việc học ngoại ngữ sớm có thể mang lại nhiều lợi ích lớn cho thế hệ trẻ nhưng cũng đồng thời đòi hỏi sự cân nhắc và hỗ trợ từ gia đình và ngành giáo dục để đảm bảo sự lành mạnh và cân đối.